"Tiên trách kỷ, hậu trách nhân"
Trong hàng trăm ý kiến bạn đọc phản hồi về việc người nhà bệnh nhân bị chết, kéo đến hành hung bác sĩ, phần lớn ý kiến bức xúc về cách phục vụ, chăm sóc bệnh nhân của các y bác sĩ. Nhiều bạn đọc cho rằng khi đến các bệnh viện, họ không được đối xử tận tâm mà chỉ như là người đang cầu ơn từ các bác sĩ. Họ luôn bị hạch hỏi, lạnh nhạt và không được tôn trọng. Từ đó, mối quan hệ giữa bệnh nhân và bác sĩ ngày càng lạnh nhạt, khó thông cảm với nhau nên khi có sự cố xảy ra sẽ dễ dẫn đến những chuyện đáng tiếc.
Bạn đọc Kiến Phúc cho rằng: “Mỗi khi bệnh nhân có vấn đề gì thì người nhà của họ không bao giờ được thông báo rõ ràng. Nội bộ bệnh viện nói riêng, ngành y nói chung thường bao che, biện hộ để bảo vệ lẫn nhau. Hội đồng y khoa thì dùng toàn thuật ngữ chuyên ngành để diễn giải, xem như việc tai nạn đó là bất khả kháng, không phải sai sót của họ, người nhà bệnh nhân phải hiển nhiên chấp nhận. Cách làm này luôn gây ức chế với người nhà bệnh nhân, trong khi họ đang chịu nỗi đau mất mát nên rất dễ dẫn đến những hành động quá khích”.
Nhìn nhận vấn đề ở khiá cạnh uy tín xã hội của ngành y, bạn đọc Nguyễn Hoàng Hải kể: Chuyện bạo hành y bác sĩ thì ở nước ngoài cũng có thể xảy ra nhưng nếu nói liệu ở Đức có chuyện người nhà bệnh nhân đánh bác sỹ hay không thì chúng tôi sống ở Đức nhiều năm rồi hầu như không nghe. Ở Đức thường là những học sinh xuất sắc nhất mới vào được ngành y. Về uy tín trong xã hội thì bác sĩ luôn nhận được mức tín nhiệm cao nhất qua đánh giá, bình xét của người dân. Ví dụ: năm 2013 uy tín của bác sĩ ở Đức được đánh giá cao nhất (71 %), kế đến là y tá (56 %). Ở Việt Nam có lẽ cũng nên có những cuộc điều tra về uy tín xã hội của một số ngành nghề để qua đó có những biện pháp điều chỉnh của cơ quan chức năng. Còn trong các vụ việc đánh người phải xem xét từng trường hợp cụ thể và đưa ra kết luận minh bạch để các bác sĩ không phải bị áp lực, người dân phải tôn trọng luật pháp.
Nghề y vốn thiêng liêng
Cuộc sống bộn bề, các y bác sĩ cũng phải vất vả lo toan mọi thứ. Gánh nặng áo cơm, gia đình… luôn đè nặng trên vai dù họ có phải đang khám bệnh, đang bước vào một ca phẫu thuật căng thẳng hay đang sát cánh cùng bệnh nhân giành giật từng hơi thở của sự sống. Bởi vậy, nghề y đòi hỏi người theo nghề không đơn thuần như phần lớn những nghề khác. Những bác sĩ lớn tuổi thường nói rằng: Trong nghề y thì nghề chọn người chứ không phải người chọn nghề. Nếu tố chất, tinh thần và cả trái tim của anh không đủ lớn thì đừng làm nghề này. Và nếu quan niệm đơn thuần đây là nghề “kiếm cơm” thì càng sai lầm.
Bạn đọc Nguyễn Trường Giang, chia sẻ: “Mỗi ngày biết bao người bệnh được chăm sóc bởi các y bác sĩ. Nghề nào cũng có người thế này, thế nọ nên chúng ta không được vơ đũa cả nắm. Trong bệnh tật có nhiều tai biến, nhiều sự cố bất thường không thể lường hết được. Biết bao căn bệnh, bao bất thường trong y khoa mà khoa học ngày nay còn chưa tìm hiểu hết được nên dù tận tình cứu chữa nhưng nhiều bác sĩ phải chấp nhận để bệnh nhân ra đi. Mỗi ngày có bao nhiêu ca cấp cứu, bao cuộc giải phẫu thành công, bao niềm vui cho mọi người đấy thôi. Đáng buồn là ngày nay quan hệ giữa thầy thuốc và người bệnh, người nhà bệnh nhân ít thông cảm, thương mến mà lại nhiều nghi kỵ.
Nhiều bạn đọc cho rằng muốn có được người thầu thuốc giỏi thì công tác tuyển chọn người học nghành y phải khắc khe, chuẩn mực. “Có nơi tuyển đầu vào ngành y chỉ 17 điểm thì làm sao bảo đảm đào tạo một bác sĩ chất lượng khi ra trường. Đó là chưa kể hệ thống đào tạo chuyên tu, liên thông, tại chức… của ngành này hiện nay hết sức hời hợt. Có thể nói số đông bác sĩ đào tạo hệ này khó đáp ứng được yêu cầu chuyên môn của ngành nên nhiều sự cố xảy ra là khó tranh khỏi” - bạn đọc Trung Nguyễn nói thẳng.
Nhiều bạn đọc khác cho rằng rất nhiều bác sĩ làm nghề này vì tiền. Khi quan hệ giữa bệnh nhân và bác sĩ chỉ đơn thuần là mua bán thì khó trách bác sĩ thiếu trách nhiệm với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân thiếu sự tôn trọng bác sĩ.
Chỉ là những con sâu “Ngành y chúng tôi đang vật lộn với những khó khăn để làm hết trách nhiệm của người thầy thuốc. Tuy nhiên, trong ngành y chúng tôi vẫn có vài “con sâu” làm xấu hình ảnh cao đẹp của ngành y. Người dân cũng đừng vì thế mà nhìn chúng tôi như những người thiếu y đức – điều thiêng liêng mà chúng tôi luôn giữ trong tim mình”- một bác sĩ xin giấu tên. “Tại sao đa số các bác sĩ đều nói năng trống không với bệnh nhân dù là 8 tuổi hay 80 tuổi. "Đau ở đâu? Há mồm ra? Bao giờ hỏi hãy nói? Ở đây ai là bác sĩ? Chưa biết, chờ xét nghiệm!...". Có lẽ các bác sĩ rất sợ xưng hô anh, em, cô, chú, ông, bà… với bệnh nhân vì sợ mình mất “oai” chăng” – một bác sĩ về hưu.
|
Bình luận (0)