Những tiếng nấc nghẹn ngào không kìm được bật lên đâu đó trong khán phòng Nhà hát Bến Thành khi chương trình giao lưu giữa chị Lê Thị Phương Nga với những người đồng cảnh ngộ vừa mới bắt đầu.
Tấm lòng của người mẹ nuôi con tự kỷ
Bảy năm về trước, chị Lê Thị Phương Nga bắt đầu hành trình chiến đấu giành lại Cún - đứa con trai yêu quý của chị bị bệnh tự kỷ. Từ sự thúc giục của tình mẫu tử thiêng liêng, chị đã lặn lội sang tận Mỹ, tìm đến cơ sở trị liệu nổi tiếng của bác sĩ G.Doman học phương pháp điều trị.
Cũng như bao đứa trẻ mắc bệnh tự kỷ khác, Cún của chị thờ ơ với mọi thứ. Lạnh lùng trước tình cảm của bố mẹ dành cho và thường có những phản ứng tiêu cực. Không ít lần thể xác chị đau đớn khi bị Cún cào cấu, đánh đập nhưng trái tim người mẹ còn đau gấp bội phần.
Học được phương pháp điều trị là một chuyện, chữa trị cho con lại là chuyện khác. Từ những việc đơn giản nhất trong sinh hoạt của Cún như ăn, ngủ, ngồi bô... đều phải cần thời gian và sự kiên nhẫn của mẹ. Chị kể: “Hai năm đầu điều trị, Cún tiến bộ nhanh nhưng năm thứ 3 đến năm thứ 5, Cún không tiến bộ nữa. Đã bao lần, tôi cảm thấy đuối sức, cảm giác chán chường xuất hiện nhưng mỗi khi nhìn thấy Cún, tôi không cho phép mình dừng lại. Nếu ngưng trị liệu, chắc chắn tôi sẽ mất con vĩnh viễn. Tôi tiếp tục, tiếp tục ở bên cạnh con với hy vọng rằng nếu Cún không tiến triển được thì ít ra tôi cũng giữ được sự kết nối giữa mẹ-con với những kỹ năng đã tập được”.
Như một sự thử thách lòng kiên trì của cha mẹ, sau giai đoạn khó khăn ấy Cún của chị đã bắt đầu có những tiến bộ mới. Giờ đây Cún đã vui chơi, học tập như bao bạn bè cùng trang lứa.
Những người đồng cảnh ngộ
Đến với buổi giao lưu, chị Trần Kim Vy ái ngại khi nói về hoàn cảnh riêng và bệnh tật của con mình. Nhà chị nghèo, liệu có đủ điều kiện theo chương trình điều trị?
Tuy nhiên theo chị Phương Nga, trong việc điều trị vấn đề cốt yếu là tình yêu thương, thái độ của cha mẹ khi con mắc bệnh. Trình độ văn hóa, nhận thức của phụ huynh đối với căn bệnh này cũng rất quan trọng. Một đứa con bị bệnh tự kỷ, để tham gia chương trình trị liệu phải cần đến 2-3 thành viên trong gia đình cùng hợp tác. Điều cuối cùng mới là khả năng tài chính.
Nhưng sự đời không phải bao giờ cũng vậy. Đã có không ít gia đình tan vỡ khi con cái của họ mắc phải căn bệnh khó chữa này. Người cha hèn nhát đã đành lòng rũ bỏ vợ, con ra đi. Bên cạnh đó, còn nhiều cha mẹ kém nhận thức khi con cái mắc bệnh đã cho rằng “đồ bỏ” mà không hiểu rằng bé có thể được điều trị và trở lại cuộc sống bình thường.
Đến tận bây giờ khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân của bệnh tự kỷ. Những người làm cha làm mẹ khi chứng kiến bệnh tật của con đã không ít lần tự vấn mong tìm một lời giải đáp. Có chị cứ đinh ninh tại khi mang bầu cuộc sống quá nhiều muộn phiền; có chị lại nghĩ rằng do sinh... hút nên con bị ảnh hưởng... Theo lời một bà mẹ, lúc có thai, đời sống vợ chồng không hạnh phúc. Chồng chị đã đánh vợ không biết bao nhiêu trận, đánh không có vùng cấm, kể cả bào thai đang mang trong bụng. Cháu bé sinh ra không được bình thường. Người chồng bạo hành ác độc ấy đã bỏ mẹ con chị ra đi... chỉ còn nỗi đau tận cùng ở lại. Chị đã làm những điều có thể những mong cứu con thoát khỏi thế giới tối tăm.
Chị Đỗ Thị Bích Ngân, có con bị bệnh tự kỷ đã trên 20 năm. Con chị không giao tiếp, không thích chơi với bạn bè, chỉ sống với thế giới riêng biệt của mình. Cũng suốt chừng ấy năm trời gia đình chị chữa chạy nhiều nơi với hy vọng một ngày nào đó sự nhiệm mầu sẽ xuất hiện...
Hành trình của yêu thương và kiên trì
Nhiều cha mẹ thắc mắc, trước những phản ứng tiêu cực của con có nên đánh hoặc phạt? Cách tốt nhất là nên im lặng. Nhất là đối với trẻ bị bệnh, đừng bao giờ làm con buồn. Trẻ tự kỷ đến tuổi đi nhà trẻ có nên cho cháu đến trường hay không? Nếu phụ huynh nhận thấy con mình đến trường có thể học hỏi được thì nên cho đi, còn nếu không học được gì thì tốt nhất nên để trẻ ở nhà, vì điều kiện chăm sóc sẽ tốt hơn. Và điều đặc biệt đối với trẻ tự kỷ là đừng bao giờ để các em cùng bị bệnh tập trung lại với nhau.
Tự kỷ là căn bệnh rắc rối của não bộ, điều trị không dùng thuốc mà chỉ có những phương pháp trị liệu. Bệnh tình của bé tiến triển tới đâu còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố: mức độ bệnh tật, phương pháp trị liệu... Nhưng quan trọng nhất là sự tích cực, tận tụy, bền bỉ và năng động của gia đình, môi trường xung quanh. Nếu các điều kiện thuận lợi, cơ may bé có được cuộc sống tự lập rất cao. Con bạn nếu phát hiện bệnh sớm thì quá trình điều trị càng dễ và nhanh. Tuy nhiên, để cuộc sống gia đình đỡ căng thẳng, lo âu, để giúp bé đỡ khổ sở, tương lai bé đỡ mờ mịt thì không có tuổi nào là quá muộn.
Những biểu hiện của bệnh tự kỷ - Không biết chỉ khi đã được 1 tuổi. - Về ngôn ngữ thoại: Không biết nói tiếng gió khi đã 1 tuổi. Không nói được từ đơn khi đã 16 tháng. Không nói được từ đôi khi đã 2 tuổi. Nói khó khăn hoặc rất ghét nói. Đã nói được nhưng có thể mất ngôn ngữ bất cứ lúc nào. Có khi bé nói suôn sẻ nhưng nội dung không liên quan gì đến môi trường-hoàn cảnh xung quanh. Thích độc thoại mà không đối thoại. - Không chấp nhận sự giao tiếp, kết bạn. - Sự tập trung chú ý cực kỳ ngắn hoặc không có. - Không hồi đáp khi được gọi tên. - Có những hành vi kỳ quái như tự đập đầu, cào cấu, đánh, nói nhảm và hành hạ người thân, muốn ở một mình. - Rất ít hoặc không giao lưu bằng mắt. - Thường lặp đi lặp lại một số hành vi hoặc cử động cơ thể nhất định nào đó. - Bị hút chặt vào một vài đồ vật quen thuộc. - Thường xuyên ăn vạ. - Sợ chỗ lạ, người lạ, vật lạ. - Từ chối quyết liệt một cách bất thường khi phải thay đổi thói quen sinh hoạt hoặc những điều quen thuộc hằng ngày. - Nhạy cảm với một số âm thanh, cảm giác hoặc một số mùi nào đó. - Không có khả năng tổng hợp, khái quát thông tin nhận được. - Rối loạn ăn uống, tiêu hóa. Khi ở bé xuất hiện khoảng 35% trở lên các triệu chứng nêu trên là bé đã là bệnh nhân tự kỷ. (Theo kỹ thuật và kinh nghiệm của chị Lê Thị Phương Nga) |
Bình luận (0)