xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sáu nhóm đề xuất thiết thực

Diệu Hằng tổng hợp

LTS: Khởi đăng từ ngày 28-11, diễn đàn “Làm sao tăng nguồn lực tài chính cho giáo dục?” đã nhận được hơn 50 ý kiến của bạn đọc khắp nơi, trong đó, có nhiều chuyên gia, nhà quản lý giáo dục, nhà giáo tâm huyết như: GS Hoàng Tụy, GS Trần Xuân Nhĩ, GS Trần Hồng Quân, GS Phạm Tất Dong, GS Nguyễn Lân Dũng, GS Nguyễn Xuân Hãn, GS Nguyễn Minh Đường, GS Đinh Quang Báo, PGS-TS Thái Bá Cần, TS Hồ Thiệu Hùng, GS - viện sĩ Đặng Hữu, thạc sĩ Trần Đình Lý, thạc sĩ Hà Thị Thanh Thanh... Khái quát những ý kiến này, chúng tôi khép lại một đề tài mà chắc chắn sẽ còn được dư luận xã hội quan tâm sâu sắc

Hầu hết các ý kiến đều cho rằng không nên đặt vấn đề tăng học phí trong điều kiện hiện nay và đề xuất 6 nhóm vấn đề chính:

1. Miễn phí ở cấp phổ cập

Nhiều ý kiến đồng thuận với GS Hoàng Tụy: “Cấp phổ cập phải miễn phí”. GS Nguyễn Minh Đường, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục, nhấn mạnh: “Cấp phổ cập không thu học phí được coi là nguyên tắc cho mọi thể chế”.

Đối với bậc trên phổ cập, GS Hoàng Tụy cho rằng có thể thu học phí nhưng khi cuộc sống của đa số người dân còn quá nhiều mối lo thì cần tránh gây thêm tâm lý bất an do tăng học phí. Đồng thời, trường công lập phải có lộ trình giảm dần học phí.

2. Học phí phải phù hợp với thu nhập

Theo PGS-TS Thái Bá Cần, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, việc tính toán mức học phí bắt buộc phải dựa trên cơ sở thu nhập của người dân. TS Hồ Thiệu Hùng, Viện Nghiên cứu Giáo dục, nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, góp ý thêm: “Chính sách học phí hợp lý là không cào bằng vùng, miền; không cào bằng thu nhập trung bình...”. Và ông đề nghị: “Đóng góp của học sinh phải thực hiện đóng một chỗ, tính một gói, ghi sổ rõ ràng”. GS Nguyễn Lân Dũng, ĐH Quốc gia Hà Nội, đại biểu Quốc hội, đề nghị: “Tăng học phí phải tương xứng với việc tăng chất lượng đào tạo. Không thể dùng tiền học phí tăng để cải thiện đời sống cho thầy cô giáo hay cán bộ quản lý giáo dục, việc đó là trách nhiệm của Nhà nước”.

3. Đa dạng hóa loại hình trường lớp

Cần chấm dứt việc tùy tiện đặt các khoản đóng góp

GS Nguyễn Lân Dũng đề nghị: Đề án tăng học phí còn phải trình Chính phủ, Bộ Chính trị và Trung ương Đảng. Theo tôi, sau đó nên thông qua Quốc hội. Khi đã có chính sách hợp lý rồi, phải kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện trong cả nước. Cần chấm dứt tình trạng để các hội phụ huynh học sinh tùy tiện tự đặt ra các khoản đóng góp.

GS Nguyễn Minh Đường cho rằng: “Đã đến lúc thay đổi quan niệm về công tác GD-ĐT, đó là tùy vào chất lượng từng trường (cả phổ thông và ĐH) mà có thể có những mức học phí khác nhau”. Theo GS Đường, khi chưa đủ khả năng cả về đội ngũ và đầu tư cơ sở vật chất để cùng nâng cao chất lượng GD-ĐT một cách đại trà, phải tập trung vào một số điểm đột phá rồi sau đó nhân rộng ra. PGS-TS Thái Bá Cần có cùng quan điểm trên vì theo ông, mức học phí đồng đều trong những năm qua làm cho những người có điều kiện kinh tế muốn con em mình được hưởng một dịch vụ đào tạo cao hơn không thể tìm được nơi đáp ứng trong nước, đành ra nước ngoài hoặc học các chương trình “liên kết” mà nhiều lúc chất lượng cũng chưa hẳn là cao.

4. Chống lãng phí

Một vấn đề được nhiều nhà giáo đặc biệt quan tâm và có ý kiến là lãng phí trong giáo dục. Thạc sĩ Hà Thị Thanh Thanh, Hiệu trưởng Trường TH Tin học Kinh tế Sài Gòn, nhận định: “Ngân sách Nhà nước dành cho giáo dục chiếm tới 20% là nhiều, vấn đề là quản lý và sử dụng nguồn ngân sách như thế nào cho hiệu quả. Hiện nay có rất nhiều công trình nghiên cứu, chương trình cải cách... nhưng kết cục không có kết quả gì mà phải chi nhiều tỉ đồng. Đây là sự lãng phí. Nhà nước cần phải quản lý chặt chẽ trước khi tính đến phương án tăng học phí”. GS Nguyễn Xuân Hãn, ĐH Quốc gia Hà Nội, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục, tính toán: “Kinh phí Nhà nước cấp cho giáo dục năm 2007 là 66.700 tỉ đồng (năm 2001 chỉ có 12.649 tỉ đồng, số lượng học sinh- sinh viên là 22 triệu, giáo viên trên dưới 1 triệu người, cũng xấp xỉ hiện nay), riêng phần chi thường xuyên năm 2007 là 55.240 tỉ đồng (khoảng 80% tổng ngân sách giáo dục). Theo cách tính của Bộ GD-ĐT, nếu lương giáo viên chiếm khoảng 80% ngân sách chi thường xuyên (khoảng trên 44.000 tỉ đồng), thì với 1,1 triệu giáo viên của toàn ngành, bình quân lương mỗi người là 3,5 triệu đồng/tháng, cũng tạm đủ trang trải cuộc sống, không đến nỗi phải kêu ca như hiện nay”.

GS Nguyễn Lân Dũng đề nghị: Riêng với sự đầu tư làm chương trình, biên soạn và in sách giáo khoa rất tốn kém mà lại chưa đạt yêu cầu thì cần có sự đánh giá một cách nghiêm túc hơn và dân chủ hơn trong thời gian tới.

5. Đa dạng hóa nguồn lực

“Đi tìm nhiều nguồn thu khác ngoài ngân sách và đóng góp của người học là ý kiến đúng và nhiều trường đã cố gắng thực hiện”- PGS-TS Thái Bá Cần nhận định. Thạc sĩ Trần Đình Lý, Trưởng Phòng công tác sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, đã cụ thể hóa giải pháp này: Ở nhiều trường ĐH nổi tiếng trên thế giới, nhất là ĐH tư không có ngân sách, học phí chỉ chiếm khoảng 10%-35% tổng ngân sách hằng năm. Các nguồn lực cho phát triển nhà trường lấy từ các công trình nghiên cứu, hợp đồng chuyển giao công nghệ, dự án hợp tác với doanh nghiệp... và các hình thức hỗ trợ tài chính của các tổ chức đoàn thể xã hội và cuối cùng là từ cựu sinh viên. Ở Mỹ, các ĐH như Harvard hay Stanford hằng năm huy động đến nhiều tỉ USD từ cựu sinh viên.

6. Xã hội hóa đúng cách

Theo GS - viện sĩ Đặng Hữu, nguyên trưởng Ban Khoa giáo Trung ương, xã hội hóa hiện nay không hợp lý, ngân sách Nhà nước đầu tư cho giáo dục chủ yếu đổ vào các trường công. Còn các trường dân lập nếu muốn chất lượng tốt, đòi hỏi học phí cao nên chỉ sinh viên có tiền mới vào học, còn sinh viên nghèo không thể học được. Có nhiều ý kiến đề nghị nên làm giống như bảo hiểm y tế, tiền Nhà nước chi thẳng cho người học qua hình thức học bổng thay vì chi cho người cung cấp dịch vụ, bất kể trường công hay tư.

GS Trần Hồng Quân, nguyên bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng: “Phải làm cho xã hội có trách nhiệm. Đặc biệt là những cá nhân, đơn vị sử dụng lực lượng lao động qua đào tạo, họ phải đóng thuế. Đồng thời, có trách nhiệm mở trường để đào tạo cho mình và mở trường phổ thông quanh khu vực địa bàn của mình đóng...”.

Còn theo GS Đinh Quang Báo, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, để tăng nguồn lực và đổi mới giáo dục ĐH, nên chuyển dần các trường công lập sang tư thục và kiểm định chất lượng chặt chẽ. GS Trần Xuân Nhĩ, nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cũng đồng tình với ý kiến này. Ông cho rằng: “Nhà nước không nên “ôm” quá nhiều trường công lập, chỉ nên giữ lại những trường trọng điểm, còn lại đưa ra ngoài công lập hết”.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo