Viện Kinh tế TPHCM là đơn vị đầu não nghiên cứu, tham mưu cho UBND TP các chính sách phát triển kinh tế của TP. Thế nhưng chỉ trong năm 2007, nơi đây đã có gần 20 cán bộ xin nghỉ việc. Trong số này, chúng tôi đã tiếp xúc với ít nhất hai người từng là cán bộ cấp phó các phòng ban trở lên của viện này.
Tiến sĩ Nguyễn Văn P., nguyên là phó Phòng Nghiên cứu Phát triển của Viện Kinh tế. Với tấm bằng tiến sĩ (du học tự túc tại Hà Lan), lẽ ra ông đã có thể làm tốt công tác chuyên môn và cống hiến nhiều hơn cho viện. Thế nhưng, sau gần 10 năm công tác, đầu năm 2007, tiến sĩ P. đã quyết định nộp đơn xin nghỉ việc để tìm một môi trường có thể phát huy được kiến thức đã học: giảng dạy ở trường đại học (hiện ông là phó một khoa của Trường Đại học Mở TPHCM). “Hội họp quá nhiều, kiểu làm việc rập khuôn, chế độ khen- thưởng bình quân chủ nghĩa và mức lương thấp... đó là những lý do khiến tôi chia tay Viện Kinh tế!”- tiến sĩ P. tâm sự.
Cũng trong năm 2007, Phòng Nghiên cứu Phát triển của Viện Kinh tế-một phòng được xem là “linh hồn” của viện lại mất thêm một phó phòng khác là anh T. Hiện anh đang làm việc tại một công ty địa ốc lớn ở TP với vai trò là phó tổng giám đốc.
Theo thông tin mà chúng tôi có được, không chỉ trong năm 2007, mà trước đó, nhiều cán bộ có trình độ của Viện Kinh tế cũng đã lần lượt giã từ nhiệm sở để về đầu quân ở nhiều công ty, tổ chức có tên tuổi như VinaCapital, Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP)... Cụ thể như chị Thanh T., sau khi nghỉ việc ở Viện Kinh tế, chị về làm việc cho UNDP với mức lương mỗi tháng gần 1.500 USD.
Lời người ra đi
Chia sẻ với người trong cuộc, nguyên nhân khiến họ ra đi không chỉ đơn giản là chuyện cơm áo gạo tiền mà còn do chính sách dùng người ở nhiều cơ quan Nhà nước chưa phù hợp. “Tôi không so sánh hai cơ chế làm việc ở hai nơi khác nhau. Thế nhưng, tôi thích môi trường mới vì tôi đã phát huy hết khả năng chuyên môn của mình, dù áp lực công việc nặng hơn. Đơn giản vì tôi không muốn làm việc theo kiểu “sáng cắp cặp đi, chiều cắp cặp về!”- chị T. bày tỏ. Nhận định về công việc hiện tại, tiến sĩ Nguyễn Văn P. cho rằng: “Sau một năm công tác tại trường đại học, chuyên môn của mình đã được sử dụng hiệu quả!”.
Thu nhập thấp cũng là lý do khiến các cơ quan hành chính không giữ chân được người tài. Với thâm niên 10 năm công tác, một phó phòng của Sở Kế hoạch-Đầu tư (KH-ĐT) TP cho biết cộng hết các khoản mỗi tháng thu nhập của anh chỉ được 1,7 triệu đồng! Vị phó phòng này chua chát: “Tính ra thu nhập của một phó phòng như tôi chưa bằng lương của một sinh viên mới ra trường!”. Một điều bất hợp lý nữa là không ít cán bộ làm việc ở các cơ quan Nhà nước rất chịu khó đầu tư, tự bỏ hàng ngàn USD tiền túi, hoặc tìm học bổng để du học tự túc rồi trở về phục vụ nơi mình đã công tác, nhưng bù lại mức lương hằng tháng cũng không khá hơn là bao. “Phải biết trọng người tài, lương trả xứng đáng và khen phạt rõ ràng. Có như vậy mới hy vọng giữ chân được cán bộ có tài làm việc trong cơ quan Nhà nước!”- tiến sĩ Nguyễn Văn P. đề nghị.
Những cuộc ra đi Tình trạng cán bộ lần lượt rời nhiệm sở ở Viện Kinh tế TPHCM chỉ là một điển hình. Đầu năm 2007, ông Lương Văn Lý, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM, đã nộp đơn xin nghỉ việc, tạo cú sốc lớn trong dư luận. Ông Lý khi còn làm phó giám đốc phụ trách mảng đầu tư nước ngoài của Sở KH-ĐT, được mọi người đánh giá cao về chuyên môn. Bởi ông tốt nghiệp đại học tại Thụy Sĩ, thông thạo hai ngoại ngữ Anh, Pháp, có thâm niên trong ngành ngoại giao 24 năm. Sau ông Lý, hai phó Phòng Xúc tiến đầu tư của Sở KH-ĐT cũng xin nghỉ việc. Hai người này đều bảo vệ luận án tiến sĩ ở nước ngoài và được lãnh đạo sở đặt nhiều kỳ vọng trong công tác chuyên môn. Cũng trong năm 2007, hai phó giám đốc sở khác ở TPHCM làm đơn xin nghỉ việc là ông Lê Nhựt Tân, Phó Giám đốc Sở Du lịch và ông Lê Văn Công, Phó Giám đốc Sở Thương mại. |
Bình luận (0)