200 tỉ đồng là con số mà Hãng phim Truyện VN, đơn vị được đặt hàng sản xuất bộ phim truyện nhựa Thái tổ Lý Công Uẩn vừa đưa ra trong báo cáo tiến độ phim Thái Tổ Lý Công Uẩn gửi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Một con số đáng giật mình trong hoàn cảnh sản xuất và phát hành phim VN hiện nay. Sau sự giật mình là những lo lắng: Hiệu quả của việc đầu tư 200 tỉ đồng này là gì? Liệu bộ phim ra đời trong tương lai có xứng với “đồng tiền bát gạo”? Và đội ngũ làm phim Việt có đủ tài năng và bản lĩnh để biến tiền đầu tư thành những thước phim nghệ thuật hấp dẫn người xem?
Hoành tráng trên giấy
Thời điểm này, Hãng phim Truyện VN đã nhận được 1,2 tỉ đồng từ số tiền 3,2 tỉ đồng, theo hợp đồng ký với Sở VHTT Hà Nội, chi cho giai đoạn làm kịch bản và lên dự toán bộ phim. Cho thấy, Hà Nội cũng quyết tâm với dự án tiêu tốn tiền tỉ tỉ đồng này lắm. Vì số tiền mang tính “khởi động dự án” này cũng hơn mức kinh phí mà Nhà nước vẫn trợ giá cho mỗi phim lâu nay. Thế nhưng, đơn vị sản xuất phim lại cho rằng tiến độ triển khai phim đang chậm vì Hà Nội đầu tư quá nhỏ giọt. Để đẩy nhanh tiến độ đúng với kế hoạch... có phim kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long thì việc duyệt tổng dự toán, tạm ứng kinh phí ban đầu phải được quyết trong vòng một tháng tới. Theo đó, cuối tháng 3, Hà Nội cần cấp cho đơn vị sản xuất 30 tỉ đồng; cuối tháng 6 cấp thêm 3 tỉ đồng và đến cuối tháng 12 cấp tiếp 30 tỉ đồng. Số tiền này sẽ được chi dùng cho việc xây dựng bối cảnh phim ở Cổ Loa hoặc Đại Lải, hoặc Làng Văn hóa các dân tộc VN (các bối cảnh Điện Bách Bảo Thiên Tuế, cố đô Hoa Lư, điện Càn Nguyên... - nơi vua thiết triều và sân Long Trì; cung Lọng Thụy; cung Thúy Hoa; thành Đại La, bến sông Cái nơi thuyền rồng vua Lý cập bến); chi phí cho giai đoạn chuẩn bị; tạm ứng mua và may các loại trang phục cho tất cả các diễn viên chính, thứ, phụ, diễn viên quần chúng, binh sĩ; tạm ứng kinh phí sản xuất, mua sắm các loại đạo cụ trong phim; tạm ứng kinh phí cho thời kỳ đầu của giai đoạn quay (dự kiến khởi quay ngày 1-11- 2008).
Vẫn trình ra một danh sách các chuyên gia thuộc loại đình đám ở châu Á như nhạc sĩ người Nhật Kataro, quay phim Đỗ Khả Phong (Trung Quốc), đạo diễn võ thuật Quốc Kiến Dũng (Hồng Kông), họa sĩ hóa trang Mao Tiên Bình (Trung Quốc), NSƯT Lê Đức Tiến, chỉ đạo nghệ thuật kiêm giám đốc sản xuất bộ phim này, cho biết: “Thù lao (lương tháng hoặc cát sê) trả cho các chuyên gia rất cao, khoảng từ 40.000-60.000 USD/tháng/người. Việc mời và thỏa thuận về thù lao với các chuyên gia sẽ do đối tác của chúng tôi ở Trung Quốc đảm nhiệm. Chúng tôi cũng đã khảo sát giá làm kỹ xảo. Không rẻ. Nếu là những công ty danh tiếng thì 1 phút kỹ xảo của họ phải trả từ 50.000-500.000 USD. Mà bộ phim cần tới 15 phút kỹ xảo”. Đó là những lý do để Hãng phim Truyện VN, đơn vị được chọn mặt gửi vàng trong dự án sản xuất phim này, đẩy kinh phí dự toán lên con số 200 tỉ đồng.
Phác thảo thuyền chở quân lương |
Thích “cưỡi trên lưng hổ”
Nhìn ra điện ảnh thế giới, 200 tỉ đồng là số tiền không lớn đối với một bộ phim đề tài lịch sử. Nhưng ở trong nước, nhìn tương quan các ngành nghề khác và căn cứ vào điều kiện sản xuất phim nội thì 200 tỉ đồng là số tiền quá lớn mà phía đầu tư và dư luận không thể không băn khoăn, lo lắng về hiệu quả của nó. Lâu nay, nhiều bộ phim đầu tư tiền tỉ, thậm chí hàng chục tỉ đồng làm xong cất vào kho, thi thoảng đem ra chiếu miễn phí phục vụ công chúng trong những dịp lễ lạt. Nhiều phim dở, không thể hiện đúng hiệu quả đã được đầu tư nhưng chưa khi nào đơn vị sản xuất và đạo diễn phải gánh trách nhiệm. Nhiều ý kiến trong giới cho rằng giả thiết, 200 tỉ đồng đầu tư cho phim này cũng bị “trôi vèo” như thế thì có xót quá không? Tuy nhiên, việc sản xuất phim đã được quyết (cho dù chưa quyết mức kinh phí đầu tư). Và các nhà làm phim VN xuất phát từ con số 0 kinh nghiệm về làm phim lịch sử đã “cưỡi trên lưng hổ”. Không ít ý kiến phản ứng: Không phải cứ “cưỡi trên lưng hổ” thì có thể phi liều. 200 tỉ đồng, thậm chí là thấp hơn chỉ vài chục tỉ đồng thôi... cũng là tiền thuế mà nhân dân cả nước đóng góp. Vì thế, cách tốt nhất là “liệu cơm gắp mắm”, tùy theo sức của mình.
Việc xây dựng các bối cảnh cũng đang được dư luận đặt ra: Nên tính toán kỹ xem có sử dụng làm phim trường cho nhiều phim lịch sử khác hay không? Và có khai thác du lịch để tận thu không?
Cả việc mời chuyên gia cũng đang là vấn đề tranh cãi. Có ý kiến cho rằng bỏ ra vài chục tỉ đồng để mời 3-5 chuyên gia nước ngoài cho việc sản xuất một bộ phim để có thể đoạt giải Oscar làm rạng danh cho điện ảnh Việt thì cũng đáng, nhưng nếu chỉ để làm một phim nhằm phục vụ cho lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long thì cũng nên xét lại.
Phim còn nằm trên giấy nhưng đã xảy ra tình trạng “tranh chấp” vị trí chính, phụ trong đội ngũ chế tác. Hai đạo diễn được mời tham gia phim đang phân vân về vị trí của mình. Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn ngậm ngùi vì trách nhiệm của mình chỉ phụ trách các cảnh kỹ xảo và chiến tranh. Còn đạo diễn Lưu Trọng Ninh trong một bài phát biểu trên báo thì khẳng định mình được mời làm đạo diễn chính. Hỏi giám đốc sản xuất Lê Đức Tiến về điều này, ông bảo: “Đó là ý kiến của cá nhân hai đạo diễn, tôi không nói ai là chính, ai là phụ. Cả hai người, mỗi người một thế mạnh và tôi tận dụng thế mạnh của từng người để tạo hiệu quả tốt nhất cho bộ phim, hoàn toàn không có chuyện ai giẫm chân ai. Tới đây, tôi sẽ mời thêm một đạo diễn võ thuật là Johnny Trí Nguyễn với sự cộng tác của Hãng phim Chánh Phương. Tôi cũng muốn có một tổng đạo diễn chỉ huy chung, nhưng thú thật tôi chưa tìm được người, mà một dự án sản xuất với số tiền lớn như vậy liệu có ai dám giao cho cá nhân một đạo diễn nào đó để họ tùy ý thể nghiệm, sáng tạo... mà khi phim dở thì trách nhiệm cuối cùng đơn vị sản xuất là Hãng phim Truyện VN phải gánh”.
Vì thế, dư luận càng không khỏi lo lắng. Liệu Hà Nội có chấp nhận mức đầu tư 200 tỉ đồng mà Hãng phim Truyện VN đưa ra? Và nếu được đầu tư 200 tỉ đồng thì liệu có ai dám đứng ra chịu trách nhiệm về chất lượng phim có xứng với cả đống tiền tiêu tốn mà nhân dân đã đóng thuế?
Bình luận (0)