icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tìm kiếm cứu nạn ở Hoàng Sa

Xuân Anh

Hai chiếc tàu và 7 ngày đêm tìm kiếm cứu nạn trên diện tích 6.400 km2 mặt biển, đã cứu được gần trăm ngư dân gặp nạn, cứu hộ kịp thời cho gần chục tàu thuyền trên biển trong cơn bão số 1 vừa qua. Dưới đây là câu chuyện trong cuộc hành trình cứu hộ-cứu nạn trên biển của hai tàu cứu hộ Cảnh sát biển (CSB) 9001 và tàu HQ 951

Xuất phát lúc 18 giờ 30 ngày 18-4, tàu cứu hộ CSB 9001 và HQ 951 nhận lệnh hành quân đến tọa độ 17o15’ Bắc, 111o23’ Đông để tìm kiếm cứu nạn các tàu của ngư dân đang chết máy, trôi dạt tại khu vực đảo Đá Bắc, thuộc quần đảo Hoàng Sa do ảnh hưởng của cơn bão số 1.

Đích thân đại tá Nguyễn Xuân Định, Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân, đã giao nhiệm vụ cho cán bộ chiến sĩ trên tàu là phải vừa đi vừa quan sát, phát hiện để kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ và cứu vớt các ngư dân bị nạn với phương châm: “Cứu dân là mệnh lệnh từ trái tim của người chiến sĩ”.

Nhật ký hành trình cứu nạn

7 giờ 20 phút ngày 19-4, khi tàu CSB 9001 đang hành quân tại vị trí 16o45’ Bắc, 110o18 Đông thì nhận được lệnh chuyển hướng 83o đến cứu ngư dân tại đảo Bắc, nơi có 2 tàu cá của Quảng Ngãi đang bị nạn là QNg 95546 và QNg 95517. Đến 12 giờ 45 phút tàu CSB 9001 đã bắt liên lạc được với tàu QNg 95546 do anh Đặng Xuân Bảo, trú tại Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi, làm thuyền trưởng và được biết: tàu của anh đã được tàu QNa 94709 giúp đỡ sửa chữa máy móc, nên đã tự ra khỏi khu vực mắc cạn và đã tiến hành tìm kiếm, vớt được 11 thuyền viên của tàu QNg 95517 đã bị chìm, đồng thời tiếp tục hướng về tọa độ 16o56’ Bắc, 111o59’ Đông để đón đầu dòng chảy nhằm tìm kiếm 10 ngư dân của tàu QNg 95177 đã bị chìm tại khu vực đảo Đá Bông bay. Tuy nhiên, sau khi liên lạc và chọn vị trí tiếp cận để cung cấp nhiên liệu và chuyển các ngư dân có sức khỏe yếu lên tàu chăm sóc thì đến 14 giờ 50 phút tàu CSB 9001 nhận lệnh từ Quân chủng Hải quân, chuyển hướng đi 6o quay về đảo Đá Bắc để tiếp nhận 28 ngư dân của Việt Nam do tàu cứu hộ Nanhai 111 của Trung quốc bàn giao và đành lỗi hẹn với tàu QNg 95546.

img
Tàu cá của ngư dân đang tiếp cận tàu CSB 9001 để tiếp nhiên liệu.

16 giờ 45 phút ngày 19-4, tàu CSB 9001 đã đến vị trí quy định nhưng được tàu Nanhai 111 của Trung Quốc thông báo không có một ngư dân nào ở trên tàu cứu hộ của họ. May mắn trước đó tàu CSB 9001 đã gặp tàu QNa 94709 của ông Trần Văn Võng, quê Bình Minh, Thăng Bình, Quảng Nam và được ông cho biết, hiện khu vực đảo Đá Bắc có 4 tàu của Đà Nẵng, gồm tàu Đna 90115, ĐNa 66073, ĐNa 6456 và tàu ĐNa 0467, trong đó tàu 0467 của ông Đỗ Văn Biên, trú Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng đã bị chìm và 19 thuyền viên vẫn đang còn trên tàu. Riêng tàu ĐNa 90115 đã cứu vớt được 4 thuyền viên người Trung Quốc và đã tiến hành bàn giao cho phía bạn trước đó. Tàu CSB 9001 đã tiếp nhiên liệu cho tàu QNa 94709 và đề nghị cùng vào đảo để cứu vớt ngư dân, nhưng chủ tàu QNa 94709 cho biết phía Trung Quốc không cho vào. Đến 8 giờ 30 phút ngày 20-4, 3 tàu cá nói trên của Đà Nẵng đã thả thúng chai vào cứu vớt thành công 19 thuyền viên của tàu ĐNa 0467. Đến 17 giờ cùng ngày, 3 tàu của Đà Nẵng với 68 ngư dân cũng đã tiếp cận được với tàu CSB 9001 để được cung cấp nhiên liệu, lương thực, thực phẩm và khám chữa bệnh cho các ngư dân bị thương trên tàu. Sau đó 3 tàu của Đà Nẵng đã trở về đất liền an toàn vào ngày 22-4.

Và cứ thế, hai tàu cứu hộ quần nát khu vực biển Đông gần Hoàng Sa, cho đến 12 giờ ngày 24-4, biển động dữ dội, tàu CSB 9001 và HQ 951 nhận lệnh trở về đất liền, kết thúc đợt tìm kiếm tại khu vực quần đảo Hoàng Sa.

Nỗi đau từ biển cả.- Trong cái ồn ào của sóng biển và nhiễu loạn của máy Icom, giọng thuyền trưởng tàu QNg 95546 Đặng Xuân Bảo, quê Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi nghẹn ngào, đứt quãng: “Tôi rất buồn khi phải đứng nhìn những đồng đội trôi trên mặt biển mà không có cách nào để cứu. Đến 17 giờ, khi được QNa 94709 giúp sửa máy và kéo ra khỏi đảo, tôi đã ngay lập tức đi tìm và vớt được tất cả 11 thuyền viên của tàu QNg 95117, sau đó tiếp tục chạy đón hướng dòng chảy để hy vọng tìm kiếm 10 thuyền viên của tàu QNg 95177, nhưng không có kết quả”.

Còn đối với Nguyễn Văn Đức, sinh năm 1987, trú tại phường Bình Hòa, TP Nha trang, đây là chuyến đi biển hãi hùng nhất trong đời làm nghề biển. Đức kể: Lúc 10 giờ 30, ngày 17-4, tàu đứt neo và đập vào đá, đến 11 giờ thì chìm. Mười thuyền viên ngồi trên tàu cho đến khi chìm hẳn mới quăng phao và can nhựa xuống nước. Tất cả 10 người đều cột tay lại với nhau và cột vào phao bơi, can nhựa. Một lần sóng to đã đánh đứt sợi dây ra, nhưng mọi người đã cố gắng nối lại, song đến tối, hàng chục cơn sóng cao 5 đến 6 m đã cuốn mọi người đi và làm đứt đôi sợi dây làm 2 đoạn, 1 đoạn gồm 7 người và 1 đoạn có 3 người đu bám, trong đó có Đức. Tuy nhiên, đến ngày thứ 2 thì sóng tiếp tục đánh đứt đoạn dây 3 người và Nguyễn Văn Đức cùng 4 can nhựa trôi riêng một mình. Bốn ngày, 3 đêm trôi dạt trên mặt biển, không một giọt nước, Đức đã bắt được 2 con cá khi nó chui vào người, nhưng chỉ ăn sống nổi nửa con, còn lại Đức lột da phơi trên can nhựa, dự tính để ăn dần. Lúc bắt đầu lịm đi thì Đức chợt nghe tiếng động cơ của tàu và anh chỉ đủ sức đưa tay lên khỏi mặt nước để vẫy. Tàu BĐ 0987 đã phát hiện được và vớt Đức lên tàu lúc 10 giờ 30 ngày 20-4, Nguyễn Văn Đức may mắn thoát chết sau 72 giờ trôi dạt hơn 110 hải lý trên biển.

Còn với Đặng Văn Phụng, quê Bình Minh, Thăng Bình, Quảng Nam, thuyền viên của tàu QNa 94709, thì tất cả vốn liếng dành dụm gần 10 triệu để mua sắm dụng cụ đi biển giờ gần như trắng tay. Ngay lúc gió bắt đầu “săn”, tàu 94709 vứt bỏ tất cả phương tiện, giàn phơi mực và cố gắng chạy ra khỏi khu vực ảnh hưởng, song vẫn bị sóng đánh trôi hơn 4 hải lý mỗi giờ. Tất cả mực đã câu được đành vứt bỏ. Giờ phải làm lại từ đầu...

Tâm sự những người cứu nạn

Bảy ngày lênh đênh trên biển theo con tàu CSB 9001 đi tìm kiếm cứu nạn có những bất cập không đáng xảy ra. Đó là sự không thống nhất trong chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn, cùng việc tiếp nhận, xử lý thông tin tại trung tâm chỉ huy. Theo đại tá Vũ Đình Hiểu, Lữ trưởng Lữ Đoàn 161, người chỉ huy trực tiếp cuộc tìm kiếm, thì cần phải có một trung tâm chỉ huy thống nhất và tạo điều kiện để người trực tiếp tham gia tìm kiếm được quyết định cũng như đưa ra các phương án xử lý.

Một trong vấn đề cần được lưu tâm nữa, đó là việc trang bị áo phao cứu sinh cho ngư dân gần như chưa tàu nào thực hiện. Chúng ta có các trạm kiểm soát, đồn biên phòng và tất cả các tàu khi muốn ra khơi đều phải bảo đảm các phương tiện cần thiết, nhưng qua cơn bão số 1, hầu như tất cả các ngư dân của 10 tàu mà chúng tôi đã gặp trên vùng biển Hoàng Sa không hề có áo phao cứu sinh.

Ngày 24-4, chúng tôi về đến 111o kinh Đông, một mâm cơm được đặt trên boong tàu cùng một bát nhang được thắp lên, như muốn nói lời chia tay những đồng đội, ngư dân đã hy sinh trên vùng biển thân yêu của Tổ quốc và đó cũng như lời tạ lỗi cùng những ngư dân còn nằm lại biển khơi, còn ít nhất trên 10 người... Mỗi người trong chúng tôi và các cán bộ chiến sĩ trên tàu đều hiểu rằng: Tất cả đã làm hết sức mình nhưng không có được những kết quả như mong muốn. Tất cả như cầu mong một lời tạ lỗi từ biển cả mênh mông.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo