Giải thích lý do tăng giá sách giáo khoa (SGK) ở bậc phổ thông năm nay, lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định: Lãi xuất bản SGK trong vòng 5 năm (2002-2006-là những năm thay SGK) là 243 tỉ đồng, trung bình lãi gần 50 tỉ đồng/ năm nên không thể nói là “siêu lợi nhuận” (Báo SGGP ngày 13-5-2008). Xin dẫn ra một vài căn cứ ai cũng biết để có thể kiểm tra con số 50 tỉ đồng/năm có chính xác hay không?
Từ năm 2002-2003 việc thay SGK ở bậc phổ thông được tiến hành theo kiểu cuốn chiếu, bắt đầu bằng “ba khúc”- lớp 1, lớp 6 và lớp 10. Dự kiến đến năm 2007 sự thay đổi này hoàn thành. Nhưng năm 2003, phân ban gặp sự cố, Quốc hội cho phép dừng lại 2 năm để bộ nghiên cứu lại, nên phải đến năm 2008 mới hoàn thành. Theo Cục Xuất bản, năm 2001, xuất bản phẩm của cả nước là 237,760 triệu bản, tổng doanh thu 1.705 tỉ đồng, trong đó NXB Giáo dục có 200 triệu bản, chiếm khoảng 80% lượng xuất bản phẩm của cả nước. Từ số liệu này ước đoán doanh thu của NXB Giáo dục là khổng lồ.
Lớp 1 có 7 môn toán, tiếng Việt, đạo đức, mỹ thuật, âm nhạc, thủ công, tự nhiên xã hội. Kèm theo các sách này có tới 8 cuốn nữa được thiết kế cho học sinh viết vào một lần rồi bỏ đi như sách vẽ, mỹ thuật, đạo đức, bài tập đạo đức, toán, bài tập toán, thủ công, bài tập tiếng Việt. Chỉ tính toán riêng với môn tiếng Việt, tiền lãi thay SGK đã là rất con số lớn. Sách tiếng Việt có hai tập, giá mỗi tập là 9.800 đồng. Số học sinh vào lớp 1 là 1,7 triệu em. Doanh thu NXB Giáo dục riêng việc thay sách môn học là 33,32 tỉ đồng. Phần chi cho tác giả theo ông Đỗ Ngọc Thống (VietNamNet ngày 5-11-2006), NXB Giáo dục đã tính theo tiết học 350.000 đồng/tiết, hai tập sách là 324 tiết. Tiền thù lao NXB Giáo dục phải trả là 350.000 đồng x 324 tiết = 113,4 triệu đồng. Theo các chuyên gia, trừ tiền giấy, công in ấn và phát hành, thì tiền lãi một môn học này NXB Giáo dục thu khoảng chục tỉ đồng cho lần xuất bản đầu tiên ở năm 2002. Xin lưu ý, vì là thay sách, nên con số 1,7 triệu em phải mua là chuẩn, song NXB Giáo dục chỉ ghi số lượng in có 300.000 cuốn là không đúng với thực tế. Kể từ năm đó đến nay, NXB Giáo dục năm nào cũng in lại sách môn học này và thu lợi. Năm 2008, giá bìa sách môn tiếng Việt, hai tập là 21.400 đồng/bộ, số lượng in là 240.000 bản (chắc là còn xa con số thực tế), số tiền thu được là 5,136 tỉ đồng cho việc tái bản.
Mỗi năm NXB Giáo dục in mới vài chục tựa sách cho việc thay SGK các cấp và tái bản hàng trăm tựa sách. Tiền lãi hằng năm, qua nghiên cứu nhiều năm và ước đoán của tôi, là vài trăm tỉ đồng/năm, chứ không phải xấp xỉ 50 tỉ đồng/năm, như ai đó khẳng định.
Chương trình - SGK là công trình khoa học mang tầm vóc quốc gia. Chủ trì công việc này ở nước ngoài thường phải là người có tâm và có tầm, am hiểu giáo dục và khoa học trong ngoài nước. Song ở nước ta vai trò này vô tình hay hữu ý được trao cho giám đốc NXB Giáo dục, với nhiệm vụ càng nhiều lợi nhuận càng tốt. Do bất cập về khâu nhân sự, nên cách thiết kế chương trình và biên soạn SGK của ta chẳng giống ai? Ở tầm quốc gia không hề có chương trình-SGK chuẩn trong ngoài nước để tham khảo (có thể một vài tác giả tự sưu tầm sách cho mình, nhưng nhìn chung là chưa đầy đủ, chưa tiêu biểu và thiếu tính hệ thống). Việc chỉnh sửa và in lại SGK cứ diễn ra triền miên. Đã 27 năm qua, không có bất cứ một người có trách nhiệm nào trả lời trước Quốc hội và dân rằng bao giờ có chương trình-SGK chuẩn để ổn định giáo dục phổ thông.
So với mặt bằng giáo dục chung của các nước, nhiều nội dung trong SGK của ta nặng hơn từ 1-3 năm. Cách làm cắt khúc cuốn chiếu, kiến thức không liền mạch; ngôn ngữ trình bày không thông dụng, xa với cuộc sống, khó học khó nhớ.
Chương trình - SGK hiện nay chưa phải là một sản phẩm khoa học. Sản phẩm kém chất lượng mà muốn tăng giá là phi lý và áp đặt.
Trước mắt giữ nguyên giá SGK như năm ngoái. Giá giấy tăng năm nay làm NXB Giáo dục lỗ 55 tỉ đồng, hoàn toàn có thể cân đối với nhiều khoản lãi mà NXB Giáo dục thu được. Ví dụ, giá 6 cuốn sách ôn tập thi tốt nghiệp phổ thông năm nay là 96.000 đồng. Hiện ta có gần 1 triệu học sinh lớp 12, chỉ cần 50% số học sinh mua bộ sách này, NXB Giáo dục sẽ thu được khoản tiền cũng gần đủ 55 tỉ đồng.
Báo cáo Chính phủ phương án tăng giá sách Tin từ Bộ GD-ĐT cho biết, hôm nay, 16-5, lãnh đạo Bộ GD-ĐT và Bộ Tài chính sẽ báo cáo Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng về phương án tăng giá sách giáo khoa (SGK) năm học 2008-2009. Một nguồn tin cho biết, trong cuộc họp này, hai bộ sẽ phải đưa ra những tính toán với số liệu chi tiết về chi phí in ấn, phát hành SGK để Thường trực Chính phủ quyết định có tăng giá SGK năm nay hay không. Ngày 12-5, Bộ GD-ĐT đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ hai phương án về giá bán lẻ SGK. Phương án 1, tăng giá sách khoảng 10%. Phương án 2, sẽ giữ nguyên giá bán SGK như hiện nay nhưng Nhà nước phải bù lỗ 55 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo một nguồn tin từ bộ, con số 55 tỉ đồng lỗ này chỉ là con số ước đoán chứ chưa chính xác. Y.Anh |
Bình luận (0)