Quay lại nơi mua bán máu của Bệnh viện Chợ Rẫy – TPHCM ngày 14-7, chúng tôi gặp nhiều phụ huynh đi bán máu, tiểu cầu để chuẩn bị tiền cho con nhập học.
Bán thêm vé số mới đủ!
Buổi trưa, một người đàn bà mang đôi dép mỏng, mặc chiếc áo cũ sờn cả hai vai, mệt mỏi bước ra từ khu vực lấy tiểu cầu của Bệnh viện Chợ Rẫy. Chúng tôi tiến lại làm quen và được biết chị là Ngô Hồ Thị Trang, 39 tuổi, nhà ở đường Huỳnh Văn Nghệ, phường 12, quận Gò Vấp. “Tháng 9 này, con chị nhập học Trường ĐH Công nghiệp, cần đóng 1,25 triệu đồng. Nhà đâu có tiền, chị phải đi bán tiểu cầu liên tục” - chị nói.
Nghe chúng tôi gợi chuyện, chị Trang xót xa nhớ lại: “Năm 1990, chị mang bầu, chồng không chăm sóc mà còn say xỉn suốt ngày. Buồn quá, chị về nhà mẹ ruột chờ đến ngày sinh. Một hôm, chồng chị đến quậy phá rồi đánh luôn cả mẹ chị. Vừa sinh con được một tháng, chị viết đơn ly dị luôn”. Suốt 18 năm nay sống nhờ trong căn nhà chỉ 21 m2 của mẹ ruột, vừa bán máu, tiểu cầu, chị phải vừa bán vé số mới đủ tiền nuôi con ăn học. Cúi gằm mặt, chị buồn bã: “Nhiều hôm vừa bán tiểu cầu xong, cầm xấp vé số đi bán tôi xây xẩm muốn té ngã, nhưng phải gắng gượng để nuôi con”.
Vợ giấu chồng, chồng giấu vợ
“Chị không nói đâu, lỡ em tìm tới, chồng con chị mà biết chị đi bán tiểu cầu thì chết”- chị Nguyễn Ngọc Lan, nhà ở quận 6, khoát tay lia lịa khi chúng tôi xin địa chỉ nhà và số điện thoại. Suốt 4 năm nay, cứ đến ngày con đóng học phí là chị Lan lại đến Bệnh viện Chợ Rẫy bán tiểu cầu. Chị bán nhiều đến nỗi những nhân viên y tế ở đây đều quen mặt. “Nhiều lúc đem tiền về nhà, chồng chị hỏi ở đâu ra, chị phải nói dối là đi mượn người quen”- chị vừa nói vừa lúi húi bỏ đi như sợ chúng tôi hỏi nhiều.
Từ trong hàng ghế ngồi chờ tới lượt lấy tiểu cầu, một người đàn ông tay run run bưng ly nước quay sang tôi, khuyên: “Uống nước rồi chuẩn bị vào lấy tiểu cầu cho đỡ mệt đi em”. Ông tên Hiền, 40 tuổi, quê gốc Long An, ngụ tại hẻm 551 Phú Lâm, phường 9, quận 6. Ông Hiền làm thợ hồ mỗi ngày được 100.000 đồng nhưng công việc không nhiều; còn vợ ông đi dọn vệ sinh, lau nhà cửa cho người ta, mỗi tháng kiếm chừng 600.000 – 700.000 đồng. Ông xòe bàn tay ra, bẻ bẻ tính toán: “Con gái út của tôi đang đi nhà trẻ, mỗi tháng hết 700.000 đồng, cộng thêm 300.000 đồng tiền sữa; đứa con trai lớn học lớp 11, tiền học, tiền ăn mỗi tháng gần triệu bạc. Tám năm trước, khi đứa lớn bước vào năm học mới, túng quá tôi phải vay nóng 1 triệu đồng với lãi suất 10%, song làm mãi vẫn không sao trả hết. Cứ thế 8 năm nay, tôi âm thầm đi bán tiểu cầu trả lãi nợ vay mà không dám cho vợ con hay biết”.
Đưa mắt nhìn xa xăm như nghĩ ngợi điều gì một lát, ông Hiền tặc lưỡi: “Nhiều đêm tôi thức trắng ngồi vắt óc tìm cách nào để nuôi con ăn học mà không phải đi bán tiểu cầu, nhưng chịu”.
Rà soát, bắt giữ những kẻ cho vay nặng lãi Chiều 14-7, ông Dương Công Em, Trưởng Công an phường 12, quận 5-TPHCM, cho biết lãnh đạo công an quận vừa chỉ đạo công an phường phối hợp với công an quận rà soát, bắt giữ những đối tượng cho người đi bán máu, tiểu cầu vay tiền với giá cắt cổ mà Báo NLĐ đã phản ánh trong bài “Những kẻ “hút máu” người nghèo” ở loạt phóng sự “Chen nhau đi bán tiểu cầu”. “Hiện công an đã có hồ sơ về những đối tượng này” - ông Em khẳng định. Theo ông Dương Công Em, cách nay vài năm, lực lượng Công an TPHCM đã có đợt truy bắt những đối tượng cho người bán máu, tiểu cầu vay nặng lãi. Song, khi bắt được những trùm cho vay thì những người đi bán máu, tiểu cầu do ngại hoặc sợ bị trả thù, đã không hợp tác với công an để khai báo. Do vậy, những trùm cho vay này cũng chỉ bị xử phạt hành chính. |
Bình luận (0)