Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Mitsuo Sakaba đã có cuộc trao đổi với báo chí bên lề hội nghị:
* Thưa Đại sứ, có vẻ như Quốc hội Nhật Bản đang đưa ra nhiều sức ép với Việt Nam về vấn đề này?
- Quốc hội Nhật không vui và muốn làm rõ vụ việc này. Chúng tôi đang tìm biện pháp để có thêm nhiều minh bạch trong các dự án ODA. Trong vụ PCI, tham nhũng diễn ra ở khâu tư vấn. Vì vậy, chúng tôi sẽ đưa ra thêm nhiều cơ chế để tránh các vụ tham nhũng xảy ra.
* Phản ứng của người dân Nhật ra sao?
- Tất nhiên họ không hài lòng.
Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam khai mạc sáng nay (4-12) tại Hà Nội. Đây là cuộc gặp gỡ chính thức lớn nhất hàng năm giữa đại diện chính phủ (CP) và cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế. |
* Vậy ông nghĩ sao về niềm tin của người dân Việt Nam đối với dự án ODA của Nhật? Nhiều người Việt Nam cho hay không thể tin nổi vì sao vụ việc tham nhũng này xảy ra, nhất là với dự án của Nhật, vốn nổi tiếng về cơ chế chống tham nhũng?
- Chính tôi cũng không thể tin được rằng vụ này có thể xảy ra. Cuộc điều tra tại Nhật Bản vẫn đang tiếp diễn và đang có thêm những bằng chứng mới. Vụ tham nhũng khiến chúng tôi rất thất vọng. Và điều đó càng làm tăng thêm quyết tâm của chúng tôi trong việc chống tham nhũng.
* Liệu vụ này có ảnh hưởng đến ODA của Nhật Bản?
- Tôi không thể nói về tác động của vụ PCI đối với nguồn vốn ODA từ Nhật Bản cho Việt Nam vào lúc này. Tôi chỉ có thể nói rằng Nhật Bản đã tạm ngừng ODA cho Việt Nam và chúng tôi đang chờ kết luận cuối cùng của ủy ban chung về vụ tham nhũng này cũng như cơ chế để tránh tham nhũng. Cho đến khi đó, tôi chưa thể nói gì được thêm. Chúng tôi không nói sẽ giảm, hay cắt ODA cho Việt Nam. Chỉ là tạm ngừng thôi.
* Tạm dừng tất cả các dự án ODA?
- Chúng tôi có hỗ trợ kỹ thuật, viện trợ không hoàn lại và cho vay ưu đãi. Về cho vay ưu đãi, theo quy định chúng tôi phải thuê tư vấn đề giám sát chi tiêu cho dự án. Vì thế đối với các khoản vay ODA, trước hết chúng tôi phải làm sáng tỏ tình hình. Do vậy, chúng tôi đã đình chỉ quá trình cho vay ưu đãi vốn ODA cho Việt Nam. Còn hai loại viện trợ kia thì vẫn diễn ra bình thường.
* Như vậy năm nay Nhật Bản sẽ không cam kết ODA cho Việt Nam?
- Đúng vậy. Cho tới khi vụ PCI được làm sáng tỏ và Ủy ban hỗn hợp phòng chống tham nhũng trong các dự án ODA của hai nước thiết lập được cơ chế mới để tạo tính minh bạch hơn cho hệ thống.
* Khi nào họ sẽ làm việc đó?
- Chúng tôi đã đang làm việc rất tích cực và hy vọng sớm có kết luận trong tương lai rất gần.
Vụ việc này mới phát hiện năm nay, trước đó chúng tôi không biết gì. Trong quá trình điều tra một số scandal khác thì vụ việc liên quan đến Việt Nam mới lộ ra một cách bất ngờ. Chúng tôi đã rất ngạc nhiên. Dù sao thì việc điều tra đã được tiến hành, đã có hai phiên tòa xử công khai. Nhiều dữ kiện mới đang tiếp tục hé lộ. Dựa vào các thông tin mới về vụ hối lộ, chúng tôi sẽ xây dựng cơ chế mới nhằm chống tham nhũng trong những vụ việc tương tự. Vì thế, chúng tôi đang làm việc tích cực và hy vọng kết quả sẽ sớm được công bố.
----------------------------
Giám đốc ADB tại Việt Nam: Suy thoái tạo cơ hội cải cách
Tuổi Trẻ trao đổi với Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), một trong những nhà tài trợ lớn nhất Việt Nam song hành với tiến trình phát triển của Việt Nam suốt 15 năm nay. Ông Ayumi Konishi, giám đốc quốc gia của ADB nhận xét:
Ông Ayumi Konishi - Ảnh tư liệu Tuổi Trẻ |
- 2008 là một năm rất khó khăn cho Việt Nam. Đầu năm lạm phát cao và thâm hụt thương mại, đến giữa năm tiền đồng chịu sức ép giảm giá. Nhờ các biện pháp chính sách hiệu quả của Chính phủ (CP) nên lạm phát và thâm hụt thương mại đã giảm. Tuy nhiên, giờ đây Việt Nam phải đối mặt với tác động bất lợi có thể đến từ cuộc khủng hoảng khu vực tài chính quốc tế và suy giảm kinh tế toàn cầu.
Tôi cho là CP đã điều hành rất tốt kinh tế đất nước trong một hoàn cảnh khó khăn và xin chúc mừng các bạn về điều đó.
Tuy vậy, nếu có sự điều hành và phân tích kinh tế vĩ mô tốt hơn thì ít nhất cũng đã có thể phát hiện các vấn đề ban đầu trong nền kinh tế nội địa. CP cũng có thể hành động mau lẹ hơn nếu như quy trình ra quyết định nhanh chóng hơn. Chúng tôi tin là lẽ ra có thể phối hợp tốt hơn các chính sách tài khóa, tiền tệ và kinh tế khác.
Trong tình hình khó khăn do tin đồn và đầu cơ, chẳng hạn như về giá gạo hồi tháng tư, hay sức ép giảm giá tiền đồng tháng năm và sáu, thì nếu có những công bố kịp thời hơn các dữ liệu và thông tin kinh tế chủ yếu thì đã có thể tránh được những bất lợi không đáng xảy ra.
* Theo ông, khu vực nào của nền kinh tế Việt Nam là dễ bị tổn thương nhất trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, và nên làm gì để tăng cường tính cạnh tranh và sức đề kháng của những ngành đó?
- Các doanh nghiệp (DN) nội địa, cả DN nhà nước và DN vừa và nhỏ, sẽ gặp khó khăn. Khi đó, các khoản nợ xấu sẽ tăng lên trong ngân hàng, gây tác động lên các ngành kinh tế thực sự và có thể chạm tới khu vực tài chính của Việt Nam.
Ở tầm vĩ mô, chúng tôi tin là CP sẽ cần phải đặc biệt thận trọng trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ và áp dụng gói tài khóa để kích thích nền kinh tế nhằm đối phó với suy thoái. Dù Việt Nam đã thành công trong việc thoát khỏi cơn bão kép là lạm phát và thâm hụt tài khoản vãng lai đầu năm nay, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề. Nới lỏng tiền tệ mạnh tay hay mở rộng tài khóa sẽ dẫn đến những tổn thương mới.
Đồng thời, CP cần theo dõi chặt chẽ sức khỏe tài chính của khu vực doanh nghiệp và cung cấp hỗ trợ cần thiết, đặc biệt là cho DN vừa và nhỏ. Các biện pháp đảm bảo về mặt xã hội cũng rất quan trọng.
Lúc này, chúng tôi thấy cần phải lưu ý là một trong những nguyên nhân của lạm phát và thâm hụt tài khoản vãng lai trong năm nay là tổng cầu đã vượt quá năng lực tổng cung của đất nước, khiến cho kinh tế phát triển quá nóng. Thực ra đấy là nguyên nhân căn bản của vấn đề. Trong khi về ngắn hạn các vấn đề được kìm lại bởi quản lý cầu thì về trung và dài hạn, Việt Nam cần phải cải thiện năng lực về cung.
Trong bối cảnh đó, việc giải quyết các nút cổ chai cơ sở hạ tầng, cải cách hành chính, cải thiện tính hiệu quả của môi giới tài chính và tăng nguồn cung nhân lực có chất lượng là những yêu tố đặc biệt quan trọng. Về cải cách hành chính thì cải cách các DN nhà nước để tăng cường tính hiệu quả và quản trị doanh nghiệp của họ cần phải đẩy nhanh hơn.
Một góc đại lộ đông - tây đang được thi công (ảnh chụp đoạn quận 1, TP.HCM) - Ảnh tư liệu Tuổi Trẻ |
* Ông dự đoán thế nào về kinh tế Việt Nam năm 2009?
- Không may là chúng ta sẽ không thể lạc quan cho lắm. Nền kinh tế toàn cầu sẽ gặp khó khăn và Việt Nam không phải là ngoại lệ.
Nếu xem xét Mỹ, châu Âu và Nhật Bản hút hơn 50% xuất khẩu của Việt Nam, thì tình hình suy thoái của các nền kinh tế đó sẽ có tác động tiêu cực tới tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi Việt Nam thu hút được dòng đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) lớn, thì việc thực hiện các dự án đó cũng có thể chậm lại vì một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thu xếp vốn trong tình hình thanh khoản hiện nay, và những công ty định xây dựng nhà máy ở Việt Nam sẽ cảm thấy chưa cần mở rộng năng lực sản xuất của họ một cách cấp bách lắm vì nhu cầu với hàng hóa của họ trên thế giới có giảm.
Lượng du khách cũng có thể giảm và thực tế là bắt đầu xảy ra rồi, dòng tiền kiều hối có thể giảm vì Việt kiều cũng bị ảnh hưởng bởi những khó khăn trong khu vực tài chính.
Lúc này, tôi không muốn đưa ra dự báo định tính nhưng nhìn chung kinh tế sẽ suy giảm, nhưng điều đó cũng tạo ra cơ hội tốt để Việt Nam tập trung đẩy mạnh một số chương trình cải cách then chốt.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Việt Nam trân trọng từng đồng vốn ODA" Đến tham dự hội nghị trên tinh thần thẳng thắn và cởi mở, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đối thoại những vấn đề mà các nhà tài trợ đang quan tâm, nhất là các chính sách điều hành của CP về ổn định kinh tế vĩ mô liên quan đến tiền tệ, tỷ giá, cơ cấu phát triển kinh tế... Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Chính phủ và nhân dân Việt Nam đánh giá cao và cảm ơn sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của cộng đồng quốc tế, trong đó nguồn vốn ODA có vai trò hết sức quan trọng. Từ năm 1993 đến nay, thông qua nguồn vốn ODA, các nhà tài trợ luôn đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình khôi phục và phát triển kinh tế- xã hội, kể cả khi các nhà tài trợ gặp khó khăn. Nhờ có sự hỗ trợ bởi các khoản vốn và những kinh nghiệm phát triển quý báu từ nguồn vốn ODA, nhiều cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của Việt Nam đã được cải thiện và Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong lĩnh vực xã hội như: y tế, giáo dục, tăng cường thể chế, bảo vệ môi trường, phát triển nông thôn, đặc biệt trong công tác xóa đói giảm nghèo… Thủ tướng cho biết: Để hạn chế tối đa những tác động bất lợi của khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế thế giới, chủ động ngăn ngăn ngừa suy giảm kinh tế trong nước và nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2009 đã được Quốc hội thông qua, Chính phủ Việt Nam chủ trương thực hiện đồng bộ 5 nhóm giải pháp: Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu; kích cầu đầu tư và tiêu dùng; thực hiện chính sách tài chính, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả; bảo đảm an sinh xã hội và đẩy mạnh xoá đói, giảm nghèo; công tác tổ chức thực hiện. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Việt Nam trân trọng từng đồng vốn ODA và bảo đảm thực hiện các cam kết với trách nhiệm cao với các nhà tài trợ. Chính phủ Việt Nam sẽ nỗ lực và tập trung chỉ đạo để nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA”. TTXVN |
Bình luận (0)