icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhà báo al-Zaidi là ai?

NGUYỄN CAO

Muntazer al-Zaidi thật ra không phải là nhân vật hoàn toàn vô danh. Là một nhà báo chuyên phản ánh số phận người nghèo và nạn nhân của lực lượng nước ngoài chiếm đóng Iraq, anh từng được dư luận Iraq và quốc tế quan tâm khi một nhóm tay súng lạ mặt bắt cóc đánh đập anh ba ngày ở Baghdad. Trước đó, anh từng bị quân lực Mỹ bắt oan

Muntazer al-Zaidi sinh ngày 12-11-1979 tại thành phố Sadr, vùng ngoại ô thủ đô Baghdad. Tốt nghiệp cử nhân ngành thông tin liên lạc tại Trường Đại học Baghdad, anh bắt đầu làm thông tín viên cho đài truyền hình Al-Baghdadia từ năm 2005. Số phận những góa phụ, trẻ mồ côi và trẻ em trong cuộc chiến Iraq là đề tài ruột của anh.

Ahmed Alaa, bạn thân và đồng nghiệp của al-Zaidi ở đài, cho biết: “Một trong những phóng sự hay nhất của anh là câu chuyện nữ sinh Zahra bị lính Mỹ bắn chết trên đường đến trường. Để đào sâu tấn bi kịch của cô gái xấu số, anh tổ chức một loạt phỏng vấn bạn bè, người thân trong gia đình và những người hàng xóm của Zahra. Phóng sự điều tra của anh đã làm rung động trái tim hàng trăm ngàn người Iraq”.

Bạn bè của Muntazer tin rằng anh bị một cú sốc lớn về tinh thần khi theo dõi cuộc ném bom dã man của Mỹ xuống thành phố Sadr, quê hương anh. Liệu có phải anh – một tín đồ Hồi giáo dòng Shiite - là người trung thành với cựu tổng thống (TT) Saddam Hussein? Muzhir al-Khafaji, ông chủ đài Al-Baghdadia, quả quyết rằng không. Theo ông, anh là “một người Ả Rập tự trọng, không thành kiến. Anh ta không có liên hệ gì với chế độ cũ. Thậm chí gia đình anh từng bị bắt dưới thời Saddam Hussein”. Nhưng chống Mỹ là chuyện có thật. Bạn bè anh kể lại rằng anh phản đối cuộc chiếm đóng và tin rằng thỏa hiệp Mỹ-Iraq mới ký là một văn bản hợp thức hóa cuộc xâm lược của Mỹ. Anh từng tâm sự với bạn bè rằng nếu có cơ hội sẽ trả thù TT Bush.

img
... và bị vệ sĩ của thủ tướng quật ngã

Các phóng sự truyền hình của Muntazer al-Zaidi không được lòng một số thế lực ở Iraq. Ngày 16-11-2006, trên đường đi làm ở trung tâm Baghdad, anh bị một nhóm người vũ trang lạ mặt bắt cóc. Chúng dùng chiếc cà vạt để bịt mắt và dây giày để cột tay chân anh. Trong ba ngày bị nhốt, anh được cung cấp nước và thực phẩm rất ít. Các tay súng dùng nhục hình tra tấn anh về công việc làm báo. Ba ngày sau, không khai thác được gì nhiều, chúng thả anh. Al-Zaidi nói anh không biết bọn bắt cóc là ai.

Bọn bắt cóc không đòi tiền chuộc chứng tỏ đây là một vụ bắt cóc vì lý do chính trị. Trong thời gian al-Zaidi bị bắt, tổ chức Đài quan sát tự do báo chí của Iraq tuyên bố anh mất tích. Trong báo cáo tháng 12-2007, Cao ủy Liên Hiệp Quốc cũng có đề cập đến vụ bắt cóc Muntazer al-Zaidi. Quân đội Mỹ cũng không ưa gì anh. Tháng 1-2008, anh bị lính Mỹ bắt nhốt một đêm, nhà anh bị lục soát. Quân đội Mỹ sau đó chính thức xin lỗi anh. Có vẻ như đó là một lời cảnh cáo.

Kiện vệ sĩ thủ tướng

Hôm chủ nhật 21-12, Dhiya al Saadi, luật sư tự nguyện bào chữa cho al-Zaidi đồng thời là chủ tịch Hội Luật gia Iraq, cho biết Muntazer al-Zaidi đã đệ đơn kiện đám vệ sĩ thủ tướng Iraq đánh đập gây thương tích cho anh. Theo al Saadi, Muntazer bị gãy một chiếc răng hàm trên và bị bầm mắt. Sau khi ném hụt hai chiếc giày vào người TT Bush, anh bị một đồng nghiệp vật ngã xuống đất. Đám vệ sĩ của thủ tướng Iraq sau đó đấm đá kiểu “bề hội đồng” và lôi anh ra khỏi phòng họp báo.

Theo nhân chứng tại chỗ, Muntazer bị đánh đập dã man. Máu chảy thành dòng trên tấm thảm phòng họp. Trong một cuộc phỏng vấn của đài BBC, Durgham al-Zaidi, em ruột của al-Zaidi, cho biết Muntazer bị đánh gãy một bàn tay, gãy một xương sườn và bị xuất huyết nội, phải nằm viện hai ngày.

Uday al-Zaidi, em trai khác của al-Zaidi, vừa đi thăm ông anh ngày 21-12, tái khẳng định rằng anh trai của anh đã bị đánh bằng cây sắt và dây cáp điện. Al-Zaidi bị phỏng ở tai, mất một cái răng, bị xuất huyết nội trong mắt. Anh bị chích điện và dội nước lạnh vào thân thể trần truồng.

Ngày 19-12, Dhia al-Kinani, viên thẩm phán thụ lý vụ án, xác nhận rằng có những dấu vết chứng tỏ bị cáo bị đánh bầm mặt và bầm mắt. Nhưng ông giải thích rằng al-Zaidi bị thương lúc bị vật ngã trong phòng họp báo chứ không phải lúc bị giam. Al-Kinani cho biết thêm “mỗi ngày đều có bác sĩ chăm sóc và cho al-Zaidi uống thuốc”. Al-Zaidi bị thử máu để xem có cồn và ma túy trong máu hay không. Đôi giày bị tịch thu và bị tiêu hủy ngay sau đó.

1 năm hay 15 năm?

Hai ngày sau sự kiện TT Bush “ăn giày”, al-Zaidi bị lôi ra tòa. Anh nhận tội “tấn công một TT”. Anh bị từ chối đóng tiền thế chân để được tại ngoại hầu tra vì “lý do an ninh cho chính bản thân bị cáo và để phục vụ công tác điều tra” theo lời thẩm phán al-Kameni.

Hơn hai trăm luật sư trong khu vực Trung Đông đề nghị bào chữa cho al-Zaidi. Trong số này có Khalil al-Duleimi, luật sư bào chữa cựu TT Saddam Hussein. Al-Zaidi từ chối ông này vì không muốn dây dưa vào người của Saddam Hussein.

Nguồn tin AFP cho biết tòa án hình sự trung ương Iraq sẽ bắt đầu xét xử Muntazer al-Zaidi từ ngày 31-12. Đây là một tòa án đặc biệt chuyên xử các vụ án khủng bố. Anh bị khởi tố về tội tấn công một nguyên thủ quốc gia đang ở thăm chính thức Iraq. Mức án có thể lên đến 15 năm tù với tội danh này. Nhưng cũng có nguồn tin cho biết tòa án có thể hạ thấp tội danh ở mức “âm mưu tấn công” với mức án từ 1 đến 5 năm.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo