Dọc theo các con đường Phan Văn Trị (Q. Bình Thạnh), Cộng Hòa (Q. Tân Bình), Nguyễn Thị Minh Khai, Đinh Tiên Hoàng (Q.1)... người tiêu dùng dễ dàng tìm thấy mật ong được bày bán rất nhiều kể cả bán trên các lề đường. Hệ thống siêu thị bán các sản phẩm mang nhãn hiệu Phương Nam, Long Xuyên, Vương Vũ... giá từ 28.500 đồng đến 34.000 đồng (chai 500 ml), tùy loại mật hoa nhãn, chôm chôm... cao giá nhất là mật ong sữa chúa và mật ong hoa tràm từ 38.500 đồng đến 40.000 đồng (chai 500 ml). Các sản phẩm được bày bán trên lề đường, xe đẩy là những nhãn hiệu không tên với giá cao hơn.
Ong rừng: Coi chừng hàng giả
Hình thức bán hàng “lưu động” trên xe thu hút người tiêu dùng bởi tấm bảng “mật ong rừng nguyên chất” với những túi mật ong còn dính cả tổ treo lủng lẳng trên xe. Trong vai một người mua hàng, chúng tôi được ra giá: Mật vắt sẵn trong chai là 60.000 đồng (loại chai nước suối 500 ml) đến 120.000 đồng (chai 1 lít). Mật nằm trong túi ni lông có tổ ong giá từ 15.000 đồng đến 80.000 đồng (tùy theo tổ ong lớn, nhỏ). Quan sát những túi mật này, chúng tôi thấy dưới túi ni lông đọng lại một lớp mật. Người bán hàng cho biết, các túi hàng trên được mua lại từ những người dân tộc thiểu số vùng Bình Phước, Gia Lai, Buôn Ma Thuột... còn mật đọng thành lớp phía dưới là do “quá trình vận chuyển, đường xóc nên mật dồn xuống”.
Theo các nhà chuyên môn, mật ong rừng thường rất khan hiếm bởi quá trình ong làm tổ cho đến lúc mật sử dụng được phải từ 6 cho đến 12 tháng. Chính vì vậy, mật ong trong các tổ ong bán ở lề đường rất dễ là hàng giả. Tổ ong có thể là thật nhưng mật thật không thể có hiện tượng bị lắng xuống túi trong khi tổ ong vẫn còn nguyên vẹn.
Ong đường thay ong mật
Để phân loại mật, một số người nuôi ong chuyên nghiệp cho biết, ngoài mật ong rừng, trên thị trường tồn tại 3 loại mật: mật lấy từ ong nuôi tự nhiên, mật lấy từ ong nuôi đường và mật pha đường.
Sau những mùa hoa nhãn, hoa vải, tràm bông vàng..., để bảo dưỡng những tổ ong cho mùa sau, người nuôi ong thường cho ong ăn đường để tiếp tục tiết ra mật. Chính vì vậy, ong nuôi thường cho mật ngon nhất vào mùa khô (từ tháng giêng đến tháng 4) đây cũng là khoảng thời gian mà mật có giá thành cao nhất trong năm. Ngoài ra, chất lượng mật thường lệ thuộc vào giống ong được nuôi. Ở nước ta, có hai giống ong được nuôi chủ yếu đó là ong Ý (giống nhập từ nước ngoài) và ong nội địa (con nhỏ hơn). Ong Ý thường hút mật của nhiều loại như hoa nhãn, hoa chôm chôm... còn ong nội địa rất kén chọn mật hoa, chỉ hút mật của tràm hoa vàng và đặc biệt không ăn đường nên lượng mật thường bổ dưỡng hơn.
Kỹ xảo chế mật nguyên chất
Theo ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Giám đốc Công ty Ong mật Nguyên Vũ – Bến Tre, một yếu tố không kém phần quan trọng quyết định chất lượng trong mật chính là lượng thủy phần (nước trong mật) trong mật ong. Lượng thủy phần cho loại mật ngon thường chiếm tỉ lệ từ 18% đến 20%. Đây cũng chính là tiêu chuẩn đánh giá các loại mật để các công ty xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Lượng nước trong mật càng nhiều, mật sẽ càng loãng và chất lượng mật giảm xuống theo tỉ lệ này. Lợi dụng phương pháp này, một số cơ sở sản xuất mật chọn cách pha chế kết hợp với máy ly tâm (một loại máy làm bốc hơi nước) để làm giảm độ thủy phần trong mật. Cách làm này đã làm cho mật ong nuôi đường, mật ong pha chế dễ dàng đạt được lượng thủy phần tương đương với lượng thủy phần có trong mật chất lượng cao.
Bình luận (0)