Tuy nhiên, với sự tiến bộ của y học, việc điều trị căn bệnh này đã có nhiều thay đổi, nguy cơ vô sinh đã giảm đáng kể
Tại Bệnh viện (BV) Từ Dũ, số TNTC nhập viện trong năm 2002 là 1.688 ca, tăng hơn 300 ca so với năm trước đó. Tại BV Hùng Vương, trong 5 năm gần đây, số TNTC không dưới 500 ca/năm và năm sau luôn cao hơn năm trước. PGS-TS Trần Thị Lợi, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Phụ sản Đại học Y Dược TPHCM, cho biết TNTC là hiện tượng trứng thụ tinh, làm tổ và phát triển ở một vị trí ngoài buồng tử cung. Trong hơn 90% các trường hợp TNTC thì thai đóng ở vòi trứng, một số ít trường hợp thai đóng ở buồng trứng, cổ tử cung hay trong ổ bụng. Mọi yếu tố ngăn cản hay làm chậm sự di chuyển của trứng từ nơi thụ tinh (thường là ở 1/3 ngoài của vòi trứng) vào đến buồng tử cung đều có thể gây ra TNTC. Theo PGS Lợi, những yếu tố thuận lợi gây ra TNTC là: tiền căn viêm nhiễm vòi trứng; khối u ở phần phụ làm cho vòi trứng bị chèn ép, khiến lòng vòi bị hẹp lại hoặc vòi trứng bị kéo dài ra; dị dạng bẩm sinh vòi trứng; những phẫu thuật trước đó đã thực hiện trên vòi trứng... Tại những nước đang phát triển, TNTC là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho người mẹ khi TNTC vỡ, dẫn đến xuất huyết nội. Tại nước ta, do chẩn đoán trễ, nhất là bệnh nhân ở xa, mà tỉ lệ tử vong do vỡ TNTC có thể lên đến 1%-1,5%!
Điều trị kinh điển TNTC trước nay vẫn là phẫu thuật mở bụng cắt bỏ 1 bên vòi trứng. Hạn chế của phương pháp này là tương lai sinh sản của bệnh nhân bị giảm thiểu nhiều vì bị mất một vòi trứng. Ngày nay với sự phát triển của siêu âm đầu dò âm đạo và kỹ thuật định lượng b- HCG ( hoóc-môn đặc biệt của phụ nữ, tăng cao khi có thai) các thầy thuốc có thể chẩn đoán sớm và điều trị bảo tồn TNTC. Hai phương pháp điều trị bảo tồn TNTC được ứng dụng nhiều ở các nước có nền y khoa phát triển là mổ nội soi ổ bụng xẻ vòi trứng lấy thai và điều trị nội khoa với thuốc Methotrexate (MTX). Trong vài năm qua, cả hai phương pháp này đã được áp dụng tại BV Từ Dũ và Hùng Vương.
Một nghiên cứu vừa công bố của TS Trần Thị Lợi và BS Bùi Chí Thương trên 196 phụ nữ bị TNTC tại BV Từ Dũ được mổ nội soi cho thấy tỉ lệ thành công lên đến 95,9%. Trong 4,1% trường hợp sót thai, 87,5% trường hợp được giải quyết thành công bằng MTX, số còn lại được giải quyết triệt để bằng nội soi cắt ống dẫn trứng. Ưu điểm của mổ nội soi bảo tồn là ít mất máu, ít đau, thời gian nằm viện ngắn và đặc biệt là giúp bệnh nhân sau đó có thể có thai bình thường.
Còn tại BV Hùng Vương, nghiên cứu của Th.S-BS Tạ Thị Thanh Thủy và BS Đỗ Danh Toàn trên 110 bệnh nhân được điều trị bằng thuốc cho thấy tỉ lệ thành công lên đến 90,9% (tương đương thế giới). Trong số này, 61 trường hợp (55,5%) dùng 1 liều thuốc, 40 trường hợp (36,4%) dùng 2 liều và 9 trường hợp (8,1%) dùng 3 liều. Thời gian khối thai ngoài tử cung biến mất trên siêu âm là 31,8 (±20,7) ngày. Không ghi nhận được bất kỳ phản ứng phụ trầm trọng nào của thuốc ngoại trừ 5 trường hợp bệnh nhân thấy buồn nôn. Tỉ lệ có thai lại sau điều trị đạt xấp xỉ 50% sau 12 tháng theo dõi. Đặc biệt trong số bệnh nhân có thai lại trong tử cung thì có 5 trường hợp bệnh nhân chỉ còn một vòi trứng duy nhất vì vòi trứng kia từng bị cắt ở lần TNTC trước đó. Phương pháp điều trị nội khoa này giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh, hiệu quả kinh tế cao, bệnh nhân cũng không phải đau đớn hay mặc cảm vì mổ xẻ.
Bình luận (0)