xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhiều ca chết người do dùng cà độc dược

Lương Duy Cường

ĐỘC DƯỢC.- Hiện nay, một số người bị hen suyễn, viêm xoang, thấy cà độc dược điều trị hiệu quả mà lại rẻ tiền, bèn mách nhau tìm mua. Thấy bán được hàng, có những nhóm người tổ chức đi tìm hái và phơi khô, làm thành từng gói rồi rao bán ở một số chợ và tận các khu dân cư nghèo. Ít ai biết, độc chất trong cà độc dược có thể làm nạn nhân phát điên, tê liệt tứ chi, hô hấp tăng...

21 giờ ngày 12-6, khoa cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận bệnh nhân nữ B.T.K.Y, 20 tuổi, từ P.13, Q.11, TPHCM chuyển đến trong tình trạng thần kinh lơ mơ, nói nhảm, nhịp tim đập nhanh bất thường. Người nhà chị Y. cho biết trước đó khoảng 30 phút chị Y. có uống độ 250 ml nước thuốc sắc trị hen suyễn.

Chất độc là atropin?

Nhận định đây là một ca ngộ độc độc dược, khoa cấp cứu đã chuyển chị Y. đến khoa nội tổng hợp để thực hiện ngay việc giải độc. Theo người nhà chị Y. kể thì thứ nước thuốc mà chị uống là nước sắc từ hoa và lá của một loại cây có tên mạn đà la, còn gọi là cà độc dược, được một số nhóm người trang phục như người dân tộc thiểu số thường mang đến bán ở khu vực nhà chị ở. Nhiều người ở cùng khu nhà chị bị hen suyễn, chảy nước mũi vì viêm xoang, vẫn mua thứ này sử dụng vì thấy rẻ tiền mà hiệu quả. Chị Y. mới dùng thử lần đầu với lượng nước thuốc khoảng 250 ml và đã bị ngộ độc.

Bác sĩ Trần Quốc Túy, trưởng khoa, cho biết rất may là nhà chị Y. ở gần bệnh viện, và người nhà đưa chị đến sớm nên thuận lợi cho việc giải độc. Chị Y. đã sớm bình phục nhờ được kịp thời súc ruột và sử dụng các thuốc giải độc. Chất độc trong trường hợp này chính là atropin, một độc chất có trong cây cà độc dược. Ngộ độc độc chất cà độc dược từng gặp nhiều ở các tỉnh phía Bắc, ít gặp ở miền Nam nên chưa được nhiều người lưu ý cảnh giác. Nếu những trường hợp như thế này mà chậm được cấp cứu thì hậu quả sẽ rất nặng nề.

Đốt cà độc dược để hít, mất khứu giác!

Trước chị Y. không lâu, khoa cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy cũng nhận được 2 ca khác bị rối loạn nhịp tim vì uống loại thuốc sắc này, nhưng mức độ ngộ độc nhẹ hơn nên không phải nhập viện điều trị nội trú.

Tại khoa tai mũi họng Bệnh viện Chợ Rẫy, bác sĩ Phạm Thanh Sơn cũng cho biết đã có những người sử dụng cây cà độc dược đốt để hít nhằm chữa chứng chảy nước mũi vì viêm xoang. Do trong loài cây này có chất atropin có tác dụng làm co thắt các mao mạch trong mũi, nên sau một thời gian ngắn đốt cà độc dược để hít, họ thấy không còn chảy nước mũi nữa nên cứ tưởng thế là đã trị dứt được căn bệnh đầy phiền toái này. Nhưng điều rất nguy hiểm là tuy cắt được chứng chảy nước mũi, nhưng gần như mũi của những người này sau đó đều bị mất khứu giác, không còn khả năng phân biệt được các mùi. Những trường hợp này thường là bất trị!

Cà độc dược thuộc nhóm độc bảng A

Theo GS-TS Đỗ Tất Lợi, mạn đà la là tiếng Trung Quốc phát âm từ chữ gọi tên cho loài cây có tên khoa học là Datura metel L., màu sắc sặc sỡ và đúng là cây mà ở nước ta có tên gọi là cà độc dược, thuộc nhóm độc bảng A, mọc hoang (cũng có nơi được trồng làm thuốc), gặp nhiều ở miền núi phía Bắc. Trong cây cà độc dược có 2 loại chất: hyoxin và atropin, có trong lá, hoa, thân cây. Đây là cây được ghi trong danh mục cây thuốc trị hen suyễn. Các tài liệu cổ cũng ghi nhận cà độc dược vị cay, tính ôn, có tác dụng trong khử phong thấp, chữa hen suyễn, nước sắc dùng cho những nơi tê dại, uống trong các trường hợp chữa kinh sợ, cuốn thuốc hút chữa ho do hàn, nhưng là loại có độc chất. Liều độc của atropin tác động lên não làm say, có khi làm nạn nhân phát điên, hô hấp tăng, sốt, nổi cuồng, có lúc tê liệt tứ chi do thần kinh trung ương bị ức chế. Còn hyoxin tác dụng gần như atropin nhưng làm giãn đồng tử trong thời gian ngắn hơn. Hyoxin ức chế thần kinh nhiều hơn là kích thích. Vì vậy hyoxin được dùng ở trong lĩnh vực điều trị thần kinh nhằm chữa co giật trong bệnh parkinson, hoặc phối hợp với atropin để chống say xe, làm dịu thần kinh. GS-TS Đỗ Tất Lợi khẳng định tuy có một số lợi ích như vậy nhưng cà độc dược thuộc vào loại có độc chất nên phải hết sức cẩn trọng, đặc biệt không dùng được cho những người thể lực yếu, có bệnh về đường tim mạch.

Cùng một cách nhìn nhận như trên, TS sinh học Võ Văn Chi trong cuốn “Cây thuốc trị bệnh thông thường” cũng cho biết ở khu vực miền Nam cà độc dược có nhiều ở Tiền Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, Kiên Giang, và được dùng để chặn cơn hen suyễn, chống co bóp trong đau thắt dạ dày, chữa phong tê thấp v.v... nhưng là loại có độc chất nên phải hết sức cẩn trọng khi sử dụng. Nhất định không thể tự mua theo đồn đãi để chữa trị bệnh tật khi chưa được hướng dẫn của thầy thuốc.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo