xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Rồng Thăng Long thiêu cháy “pháo đài bay”

An Bình Minh

Thất bại trong trận Điện Biên Phủ trên không đã buộc Mỹ ký Hiệp định Paris và rút quân khỏi miền Nam Việt Nam

Ngày 18-12-1972, Mỹ đã dùng máy bay chiến lược B52 điên cuồng đánh phá thủ đô Hà Nội. Quân và dân ta đã anh dũng đánh trả, làm nên 12 ngày đêm chiến thắng vang dội Điện Biên Phủ trên không... Để có chiến thắng lịch sử này, bộ đội quân chủng Phòng không Không quân (PKKQ) đã chuẩn bị ngay từ năm 1966 với những cuộc hành quân đón bắn B52 ở Quảng Bình, Nghệ An. Song trước tất cả những điều đó là lời căn dặn của Bác Hồ. Năm 1962, nhân đồng chí Phùng Thế Tài được bổ nhiệm làm Tư lệnh Phòng không, Bác hỏi: “Chú đã biết gì về B52 chưa?”. Và Bác cười độ lượng: “Bác hỏi thế thôi chứ chú có biết cũng chưa làm gì được nó. Nó bay cao trên 10 cây số mà trong tay chú hiện nay mới chỉ có cao xạ thôi. Nhưng ngay từ bây giờ, là tư lệnh bộ đội phòng không, chú phải theo dõi chặt chẽ và nghiên cứu về loại máy bay B52 này” (*).

Người nhấn nút đầu tiên

Đó là Dương Văn Thuận, sĩ quan điều khiển của Tiểu đoàn 59, Trung đoàn 261 Anh hùng, người ấn nút phóng quả tên lửa đầu tiên bắn rơi một máy bay B52 ngay trên bầu trời Hà Nội trong đêm 18-12-1972, mở màn cho chiến dịch Điện Biên Phủ trên không. Cùng là lính quân chủng PKKQ, cùng nhập ngũ một năm 1965, dạo đó tôi đã nghe tiếng anh. Mũi xung kích văn công PKKQ của chúng tôi ngay hôm sau đã đến phục vụ động viên ở tiểu đoàn của anh, nhưng anh cùng tốp trắc thủ phải trực chiến, không được ra xem văn nghệ. Vậy là “văn kỳ thanh, bất kiến kỳ hình” cho đến tận hôm nay. 30 năm đã trôi qua, Dương Văn Thuận “đã có đủ dâu và rể”, nhưng câu chuyện của anh vẫn sống động: Hôm đó là chủ nhật, 18-12, lúc 18 giờ đơn vị báo động lần thứ nhất. Trên màn hình ra đa đã thấy lao xao những tốp máy bay chiến thuật của Mỹ. Đến 20 giờ, ra đa của ta bắt được nhiều cụm nhiễu ở phía Bắc thủ đô. Chỉ huy kíp chiến đấu ra lệnh bám sát dải nhiễu hướng Bắc. Lê Xuân Linh, trắc thủ góc “tà” đọc dõng dạc mỗi lần 5 ly giác: 320 - 325 - 330... không khí im lặng nhưng sôi sục, hồi hộp căng người. Đến phương vị 3500, góc tà 340, mục tiêu 25 km, Dương Văn Thuận nhấn nút phóng. Một giây, hai giây... tên lửa nổ. Mục tiêu mất tăm... Bên ngoài, trắc thủ PA00 trên đài ăng-ten reo lớn: “Cháy rồi thủ trưởng ơi... cháy rồi...”. Trong xe chỉ huy, trắc thủ, sĩ quan điều khiển ôm nhau reo hò.

Chiến công của Tiểu đoàn 59 còn tạo nên một sự trùng hợp vi diệu: Trung đoàn của anh Thuận có mật danh “Thành Loa”, đóng trận địa ở Cổ Loa (huyện Đông Anh, Hà Nội). Ngày xưa, nơi đây An Dương Vương dùng nỏ thần, tên tre để đánh đuổi kẻ thù, nay đơn vị của anh dùng tên lửa bắn rơi “pháo đài bay” B52 của Mỹ.

Vạch nhiễu tìm kẻ thù

Phải bắn rơi tại chỗ (trong đất liền hoặc ở ngay Hà Nội). Phải nhặt được mảnh xác B52 và bắt được phi công để có nhân chứng vật chứng về sự điên cuồng, dã man của kẻ thù. Đó là quyết tâm của lực lượng PKKQ của ta khi đó. Tuy nhiên, quyết tâm này lại chưa được những sĩ quan cố vấn tên lửa Liên Xô “thông”. Theo các cố vấn thì nguyên tắc sát thương của tên lửa là bằng mảnh, còn máy bay B52 (thân 47 mét, sải cánh 56 mét, có 8 động cơ) bay ở độ cao 10 km, có bị cháy thì nó cũng rơi lạng ra biển hoặc ngoài biên giới nước ta. Về lý thuyết, điều này có cơ sở.

Đại tá Lê Cổ, nguyên sĩ quan huấn luyện chiến đấu tên lửa, cán bộ nghiên cứu đánh B52, cho biết: Để thực hiện quyết tâm của Bộ Tư lệnh PKKQ, chúng ta phải giải quyết được hai việc, đó là chọn hướng tập kích chủ yếu của B52 đánh vào Hà Nội và phải “lách” qua vòng nhiễu để bắn khi không có tín hiệu B52 trên màn hiện sóng. Chọn hướng đúng để bố trí đội hình, phát huy hỏa lực là việc đã có đủ niềm tin qua tình báo, nghiên cứu thực địa. Nhưng còn khó khăn thứ hai là phải chứng minh được thông qua những công thức rất phức tạp có liên quan đến toán học, cơ học, điện tử. Không kể hàng đàn máy bay chiến thuật hộ tống và gây nhiễu “tiêu cực”, bản thân B52 lại có hệ thống gây nhiễu rất mạnh khiến cho trên màn hiện sóng ra đa của ta không thấy được tín hiệu B52. Phương pháp bắn của ta là: Chọn dải nhiễu dọc của chính B52 để xác định B52 và thu nhiễu nó để bắn nó. Khẩu hiệu đặt ra là vạch nhiễu tìm thù. Rất nhiều trận, khi B52 vào đến 20 km tín hiệu vẫn mờ và phải là trắc thủ giỏi mới nhìn thấy để có thể đưa đúng “tim nhiễu” mà phát hỏa. Phải có kỹ thuật thành thục để bắn trúng và lòng dũng cảm để vô hiệu được những quả tên lửa không đối đất của kẻ thù, bám theo cánh sóng ra đa, bắn vào trận địa. Cán bộ và chiến sĩ tên lửa của ta đã có đủ cả hai phẩm chất đó. Kết quả trong 12 ngày đêm của chiến dịch, tên lửa ta bắn rơi 29 chiếc B52 (trên tổng số 34 chiếc), trong đó có 16 chiếc rơi tại chỗ, chiếm tỉ lệ 55%. Một con số chưa có trong lịch sử chiến tranh thế giới.

 Hai quả đạn diệt hai B52

Để đánh thủ đô Hà Nội, trong 12 ngày đêm (từ 18 đến 29-12-1972), Mỹ đã huy động  663 lần chiếc B52, cùng với 3.920 lượt máy bay chiến thuật. Có đêm riêng trên bầu trời Hà Nội, ta đã phóng tới hơn 100 quả tên lửa. Để có đủ đạn, ta đã mạnh dạn cải tiến lắp đạn trên xe TZM thay cho xe TCT là xe có khung cứng để đảm bảo đồng trục cho quả đạn; cấp tốc điều hai trung đoàn tên lửa 263 và 267 từ khu 4 ra Hà Nội. Yêu cầu đặt ra lúc ấy là phải hết sức tiết kiệm đạn, chỉ dành đạn để đánh B52; càng ít đạn càng phải đánh giỏi, đánh trúng. Tiểu đoàn tên lửa phòng không do đồng chí Nguyễn Văn Phiệt chỉ huy là đơn vị thực hiện xuất sắc yêu cầu này. Khi B52 tiếp tục vào đánh Hà Nội, trên bệ phóng của tiểu đoàn chỉ còn có 2 quả đạn. Nhưng bằng chính hai quả đạn này, đồng chí Phiệt đã ra lệnh phóng “mổ cò” mỗi lần một quả và tiểu đoàn của anh đã bắn rơi hai chiếc B52, trong đó có một chiếc rơi ngay chợ Thả, gần Núi Đôi, Đa Phúc (Vĩnh Phúc).

 Sau cái đêm mở màn chiến thắng, liên tiếp chiến công tiếp chiến công: Đêm 19, ta bắn rơi 2 chiếc B52, 5 chiếc máy bay chiến thuật. Đêm 20-12: 7 chiếc B52, 8 chiếc máy bay chiến thuật. Đại tá Lương Đình Mậu, nguyên cán bộ tác chiến PKKQ, nhớ lại: “Không bao giờ tôi có thể quên được cảm xúc của mình về đêm 19-12 năm ấy. Những vệt tên lửa bay vút lên trong trời đêm Hà Nội và B52 bùng cháy như một bó đuốc; rồi tiếng của ai đó tường thuật trên đài: Rồng, Rồng Thăng Long xuất kích. Sao mà đúng quá, cảm động quá. Dương Văn Thuận nói.

Bằng chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, quân và dân ta đã đập tan ý chí xâm lược của giặc Mỹ, đập tan mưu đồ thôn tính và kéo dài cuộc chiến tranh của đế quốc Mỹ. Thất bại trong cuộc tập kích hủy diệt Hà Nội, đã hạ uy thế quân sự của Mỹ, là “giọt nước cuối cùng làm tràn ly”, buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris và phải rút hết quân khỏi miền Nam Việt Nam. Quân chủng PKKQ đã hoàn thành xuất sắc lời tiên tri của Bác Hồ, tháng
9-1967: “Ở Việt
Nam, Mỹ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua khi thua trên bầu trời Hà Nội”.

 

(*) Những lời của Bác Hồ được dẫn từ sách Nhớ về trận Điện Biên Phủ trên không - Nhà xuất bản TPHCM,  2002

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo