Bà Ninh cho biết, chuyến đi của đoàn nhằm vận động, để đấu tranh đẩy lùi dự luật nhân quyền về VN. Hai là chuyến đi nhằm thúc đẩy quan hệ song phương về mặt tổng thể, các nhiệm vụ khác như hợp tác kinh tế, thương mại, nhân đạo, giáo dục khoa học.
. PV: Qua chuyến đi này, xin bà cho biết về thái độ của các thành phần xã hội ở Mỹ đối với VN?
- Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Chúng tôi có tiếp xúc với khá nhiều doanh nghiệp (DN), trong đó có những DN đang hợp tác với VN. Nói chung, các DN họ rất tin tưởng vào tương lai phát triển của VN. Họ khẳng định, họ làm ăn ở VN là làm ăn lâu dài. Họ cũng đồng tình ủng hộ VN gia nhập WTO. Họ cũng hứa góp tiếng nói vào QH Mỹ để đẩy lùi dự luật nhân quyền sai trái kia. Đương nhiên, các DN Mỹ cũng mong muốn VN tạo cho các DN nước ngoài nói chung và Mỹ nói riêng có một môi trường pháp lý rõ ràng, minh bạch và ổn định để có thể làm ăn lâu dài.
. Vừa qua, VN đã khá vất vả mới ký kết được hiệp định để đưa hàng dệt may vào thị trường Mỹ. Trước đó là vụ kiện cá tra, cá ba sa. Bà nhìn nhận vấn đề này ra sao?
- Phải nói rằng: Sở dĩ VN phải vất vả mới có hiệp định dệt may như vậy là do Mỹ áp đặt một số quota, nguyên nhân là vì VN chưa phải thành viên của WTO.
Với vụ kiện cá tra, cá ba sa, nếu chúng ta tìm hiểu trước về cách làm ăn ở thị trường Mỹ thì sẽ hiểu rõ hơn và đưa ra được đối sách hay hơn. Nhất là khi tại Mỹ, châu Âu sản phẩm nông nghiệp được bảo hộ rất nặng. Đấy là cái không công bằng trong quan hệ thương mại quốc tế. Nhưng các DN VN phải hiểu thực tế rằng, những điều này tồn tại không chỉ với VN, nó cũng có thể xảy ra đối với bất cứ nước nào, có cung cấp sản phẩm cá da trơn... ồ ạt vào thị trường Mỹ. Có thể nói, đấy là chiến tranh thương mại. Và với điều đó thì phải lạnh lùng, cẩn thận nghiên cứu để đưa ra được cách ứng xử hợp lý, chủ động hơn.
. Bà tâm đắc nhất điều gì sau chuyến đi này?
- Chuyến đi có thể nói là đúng lúc cần thiết. Nhiều nghị sĩ lần đầu tiên tiếp xúc với đoàn QH VN, sau khi nghe trình bày họ mới phát hiện ra rằng, nhiều người không hề biết gì về dự luật nhân quyền tại VN mà họ đã bỏ phiếu thông qua. Vì vậy chúng tôi đã lưu ý họ đối với dự luật này, không nên quá dễ dàng thông qua vì nó sẽ gây tác hại cho quan hệ song phương. Năm 2001, có 410 nghị sĩ thông qua dự luật này. Nhưng không nên hiểu rằng tất cả những người này chống đối VN. Chuyến đi vừa rồi đã bước đầu đạt được hiệu quả. Chúng ta kiến nghị Ủy ban Đối ngoại QH nên mời những nghị sĩ này sang VN. Không gì bằng thực tế, vì vậy cần cho họ biết thực tế ở VN.
Trong mối quan hệ với Mỹ, chúng ta phải tận dụng mối quan hệ đặc biệt: quan hệ cựu chiến binh, bởi các cựu chiến binh Mỹ tại VN đều rất lắng nghe. Đối với Mỹ, nếu muốn tác động vào mối quan hệ đối ngoại thì phải chủ động và bằng nhiều cách, quan hệ giữa hai phía phải đặt trên cơ sở lành mạnh, vững bền hơn.
. Xin cảm ơn bà!
Bình luận (0)