Hơn phân nửa dân số không đi khám răng miệng
Bộ Y tế phối hợp với Viện Nghiên cứu và Thống kê sức khỏe răng miệng (Australia) vừa hoàn thành cuộc điều tra sức khỏe răng miệng toàn quốc. Kết quả cuộc khảo sát cho thấy trên 55,5% dân số Việt Nam không bao giờ khám răng miệng, trong đó ở nông thôn xấp xỉ 60%. PSG-TS Trần Văn Trường nhấn mạnh, tỉ lệ 44% người đi khám răng do đau chiếm cao nhất và chỉ có gần 10% tổng số người đi khám để kiểm tra. Đơn cử, nhóm tuổi 35-45 có tỉ lệ đi khám răng cao nhất và thường mắc các bệnh về răng như đau răng, sâu răng, mất răng, làm răng giả, chảy máu lợi... Đáng báo động là tỉ lệ dân số bị sâu răng rất cao, từ 75,2% ở lứa tuổi 18-34 và tăng lên gần 90% ở lứa tuổi từ 45 trở lên. Trung bình ở tuổi 18 có 2,8 răng sâu, còn ở tuổi 45 trở lên có gần 9 răng sâu. Số răng bị mất cũng gia tăng theo tuổi từ 0,5 răng ở tuổi 18 lên 6,6 răng ở tuổi 45 trở lên. Cũng theo điều tra trên, dân số vùng cao nguyên có tỉ lệ răng sâu cao nhất nước: như ở độ tuổi từ 18 đến 34, tỉ lệ sâu răng là 97,9%, còn ở miền núi phía Bắc là 92%, vùng đồng bằng là 90%. Nam Trung Bộ là 97,8%...
TS Trịnh Đình Hải, Phó Viện trưởng Viện Răng Hàm Mặt Hà Nội, cho biết tỉ lệ dân số có bệnh quanh răng ở mức rất cao là 96,75%, trong đó 31,8% người có túi lợi nông và sâu, và chỉ gần 10% dân số có sức khỏe quanh răng ở mức chấp nhận được. So sánh với kết quả điều tra sức khỏe răng miệng toàn quốc năm 1990 cho thấy, sâu răng ở lứa tuổi 12 duy trì ở mức khoảng 56%, nhưng ở các nhóm tuổi 35 - 44 thì gia tăng từ 72% lên 83,2%.
Tuyến huyện cần khẩn cấp 500 bác sĩ răng hàm mặt
Theo PGS-TS Trần Văn Trường, có ba nguyên nhân cơ bản của các bệnh về răng miệng. Thứ nhất, tỉ lệ nồng độ Fluor trung bình trong nước là quá thấp, chỉ đạt 0,4 ppm - 0,5 ppm mà theo tiêu chuẩn quốc tế là 1 ppm; Thứ hai, người dân hầu như không có kiến thức về chăm sóc và bảo vệ răng miệng (ăn xong không súc miệng, chải răng chưa đúng cách...); Thứ ba, do thói quen ăn uống các loại thực phẩm có hàm lượng đường cao.
Nhu cầu chữa các bệnh về răng là rất lớn và cấp thiết. Người dân không chỉ chữa các bệnh về răng mà còn cần chăm sóc thẩm mỹ bộ răng. PGS-TS Trần Văn Trường báo động ở nhiều huyện gần như người dân không được chăm sóc răng miệng vì không có nha sĩ. Hiện tuyến huyện cần khẩn cấp 500 bác sĩ răng hàm mặt. Đây là một khó khăn đặt ra cho ngành y tế nói chung và nha khoa nói riêng. Ở các nước đang phát triển, 1 bác sĩ răng hàm mặt phục vụ khoảng 1.000 - 2.000 dân. Nhờ đó mà tỉ lệ các bệnh về răng miệng rất thấp, trung bình mỗi người chỉ có một chiếc răng bị sâu, mất hoặc bị trám. Trong khi đó ở nước ta, một bác sĩ răng hàm mặt phục vụ 25.000 dân, thấp hơn 20 lần so với thế giới.
Bình luận (0)