Tháng 11-2005, chủ đầu tư là Công ty Điện lực 2 thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam kéo đường tải điện 110 KV để bán điện cho Nhà máy Xi măng tỉnh Bình Phước (xã Thanh Lương, huyện Bình Long). Đến nay, công trình này vẫn chưa hoàn thành bởi những hộ dân bị thiệt hại phản ứng vì giá đền bù bất hợp lý. Nhiều người dân bị thiệt hại tại xã Thanh Lương, huyện Bình Long đã bày tỏ bức xúc với Báo Người Lao Động.
Các hộ dân quá bức xúc trước việc bị ép giá đền bù
Chỉ ưu ái cán bộ ?
Ông Nguyễn Văn Đang, bị giải tỏa 147,7 m2 đất thổ cư, chỉ được hỗ trợ 30% của 147,7 m2 với số tiền... 2,4 triệu đồng. Phần hai căn nhà của ông Đang có diện tích 323 m2, nằm trong hành lang an toàn lưới điện nhưng Hội đồng Đền bù-tái định cư UBND huyện Bình Long chỉ tính thiệt hại có 229,5 m2 và chỉ hỗ trợ 30% của 229,5 m2, với đơn giá 550.000 đồng/m2.
Luật sư Nguyễn Định Tường, Trưởng Văn phòng Luật sư Định Tường (Đoàn Luật sư TPHCM), nhận định: “Nếu các hộ dân không đồng ý đơn giá bồi thường thì có thể khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết vụ án: Yêu cầu bồi thường thiệt hại về nhà đất, hoa màu đối với chủ đầu tư là Công ty Điện lực 2”. |
Bà Nguyễn Thị Phượng bị giải tỏa 1.394 m2 đất và căn nhà 180 m2 xây dựng năm 2002 nhưng chỉ được hỗ trợ 34,7 triệu đồng nên bà Phượng không nhận. Cán bộ UBND xã Thanh Lương cứ 2 ngày một lần tới nhà bà Phượng để... ép nhận tiền! Bà Phượng nói: “Tổng số tiền bồi thường của tất cả các mục cộng lại..., không bằng tiền chúng tôi bỏ ra xây nhà thì làm sao chấp nhận”?
Ông Huỳnh Văn Nam nói: “Nhà tôi đã bị thu 1,5 ha đất để xây dựng nhà máy xi măng. Trong lúc chưa ổn định cuộc sống, đường điện lại giăng ngang nóc nhà nhưng chỉ được bồi thường 72 triệu đồng (tỉ lệ 30% trên tổng diện tích nhà và của 4.000 m2 đất thổ cư).
Trong khi đó, một số người lại được bồi thường 100% như trường hợp ông Nguyễn Thái Sơn, cán bộ địa chính UBND xã Thanh Lương, có mảnh đất diện tích 202 m2, dù không có nhà trên đất vẫn được hỗ trợ 100% là 33,6 triệu đồng. Hay ông Nguyễn Đình Ngọc, khi đang xây dựng phần móng trụ 2 dãy nhà dưới đường điện 110 KV để nhận tiền đền bù, tuy bị lập biên bản nhưng ông Ngọc vẫn nhận được tiền bồi thường trên 500 triệu đồng (?).
Đền bù theo đơn giá của địa phương
Chính những bất hợp lý nêu trên nên người dân yêu cầu nâng mức bồi thường từ 30% lên 100% để có đủ tiền mua mảnh đất xa hành lang lưới điện nhằm giữ an toàn tính mạng.
Ngày 21-9, khi làm việc với Công ty Điện lực 2, chúng tôi nêu câu hỏi vì sao áp giá bồi thường cho dân 30% trên tổng diện tích đất, nhà bị thiệt hại? Ông Võ Quốc Tuấn, Trưởng Ban Quản lý dự án Điện lực miền Nam (Công ty Điện lực 2), trả lời: “Công ty Điện lực 2 đền bù 30% cho dân trên cơ sở đơn giá của tỉnh Bình Phước phê duyệt.
Điện lực chỉ đền bù theo quy định của tỉnh chứ không có trách nhiệm giải quyết. Dân muốn thắc mắc thì cứ làm việc với Hội đồng Đền bù-tái định cư của UBND huyện Bình Long”. Vậy vì sao ông Sơn và ông Ngọc được bồi thường 100%? Ông Sơn cho biết: “Đền bù 100% cho ông Ngọc vì ông này có nhà trong hành lang tuyến đường điện, không có phân biệt ở đây”.
Bình luận (0)