Xuôi theo Quốc lộ 20, hướng từ TP Đà Lạt đi Phang Rang, tại chân đèo Dran (huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng), có một căn nhà nhưng không khác gì chòi, khoảng 30 m2 nằm kẹp giữa hai cây thông, bao quanh là hàng tấn rác từ bao nilong, vải vóc, chai lọ... Đó là nơi sinh sống của gia đình anh Nguyễn Văn Thông và vợ là chị Danh Thị Cẩm Hoa, cùng với con trai và hai cháu ngoại.
Vật dụng trong nhà cũng từ rác
Chỉ tay vào nơi ngủ nghỉ, anh Thông cho chúng tôi biết vật liệu dựng căn chòi và nhiều mọi vật dụng khác, từ nền nhà cho tới mềm, nệm, gối... đều được nhặt từ bãi rác ở chân đèo Dran.
Nhà của gia đình anh Thông, chị Hoa
Thấy chúng tôi xót xa trước hoàn cảnh gia đình mình, chị Hoa cho biết "Thường ngày xe rác chạy lên đây đổ, tôi và chồng ra gom chai lọ, thùng giấy..., mỗi ngày kiếm được khoảng 150.000 đồng để trang trải cho cuộc sống gia đình. Nhưng mấy tháng qua, xe rác lên đây ít, thu nhập của chúng tôi vì thế mà ít đi. Con trai tôi đã theo phụ xe rác nhưng lương của nó cũng không đủ sống. Còn căn chòi, cứ tới mùa mưa là nước từ trên mái nhà chảy xuống, tràn ra khắp nhà, ước hết sách vở của tụi nhỏ”.
Từ năm 1980, chị Hoa rời xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận lên thị trấn Dran, huyện Đơn Dương lập nghiệp. Sau đó, chị lập gia đình. Anh Thông sinh ra và lớn lên tại thị trấn này, hoàn cảnh cũng hết sức éo le. Ba mẹ mất sớm, anh phải lao động vất vả từ lúc nhỏ. Sau khi lập gia đình, anh lại bị đau khớp nên công việc hằng ngày gặp nhiều khó khăn. Vợ chồng anh bôn ba làm thuê khắp nơi nhưng vẫn không đủ tiền thuê nhà trọ. Vì thế, họ phải sống lang thang, không nhà cửa.
Sống chung với gián, chuột...
Hơn 10 năm trước, với tài sản mang theo là 3 con gà mái và 1 con gà trống do người thân cho, gia đình anh Thông dắt nhau đến bãi rác ở chân đèo Dran định cư.
Bãi rác chân đèo Dran
Từ sáng đến chiều tối, vợ chồng anh Thông phải vật lộn với hàng tấn rác để thu lượm chai lọ, thùng giấy... bán lấy tiền chi xài. Những vật mà người khác vứt đi như chiếu, nệm còn xài được, anh chị lấy về sử dụng.
“Tại sao không bán số ve chai này?”, chúng tôi thắc mắc khi nhìn thấy rất nhiều chai lọ, thùng giấy...được chất thành đống. “Đó là thành quả lao động của vợ chồng tôi từ 2 tháng trước. Thế nhưng, khi gọi người buôn ve chai thì họ bảo do kho đầy hàng nên không thu mua nữa, đành phải chờ người khác tới mua” - chị Hoa cho biết.
Không chỉ rác, gia đình này còn phải sống chung với ruồi, muỗi, gián... Khi đêm xuống, muỗi, gián, chuột xuất hiện khắp căn chòi. “Chúng cứ cắn rách quần áo của mấy đứa nhỏ, nhiều hôm phải mặc quần áo rách để đi học, bị tụi bạn chọc thấy mà thương” - anh Thông tâm sự.
Trò chuyện với chúng tôi, thầy Thích Ứng Chơn - trụ trì Chùa Phật Quốc (thị trấn Dran) - cho biết cách đây vài năm, gia đình anh Thông chỉ thắp đèn dầu, nước sinh hoạt phải đi xa gánh về. “Thấy vậy, tôi và một số phật tử bỏ tiền đầu tư đường dây điện, ống nước để đỡ đần một phần khó khăn cho gia đình anh Thông” - thầy Thích Ứng Chơn nói.
Bình luận (0)