xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

An Giang: Thấp thỏm lo sạt lở

Bài và ảnh: VĨNH KỲ

Tình hình sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh An Giang rất đáng ngại khi có chiều hướng gia tăng về tốc độ, số lượng, ảnh hưởng đến nhiều công trình và đời sống của người dân

Nhắc tới vụ sạt lở tuyến kênh Rạch Giá - Long Xuyên đoạn thuộc xã Mỹ Khánh, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang vào sáng 12-6, đến nay nhiều người vẫn chưa hết bàng hoàng.

Sạt lở tăng gấp 3 lần

Bà Trần Thị The (nhà gần nơi xảy ra vụ sạt lở) nhớ lại thời khắc đó vết rạn nứt bờ kè bất ngờ mở rộng ra, tiếp theo nguyên khối đất lớn cặp bờ kè đổ ập xuống sông. "Đến khoảng 21 giờ, vết nứt chạy sâu vào bên trong, hơn nửa mặt đường sụp xuống nước. Hồi đó đến giờ, tôi chưa chứng kiến sạt lở khủng khiếp đến vậy" - bà The nói.

Vụ sạt lở làm tuyến đường chính nối vào xã Mỹ Khánh bị gián đoạn. Chỉ các phương tiện xe 2 bánh lưu thông tạm qua đường dân sinh nhỏ hẹp do người dân tự mở còn giao thông nối TP Long Xuyên đi các huyện Thoại Sơn và Châu Thành qua xã Mỹ Khánh gần như bị cắt đứt.

Ngay sau đó, UBND tỉnh An Giang công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với đoạn sạt lở bờ Bắc kênh Rạch Giá - Long Xuyên và giao UBND TP Long Xuyên huy động các nguồn lực để ứng phó.

An Giang: Thấp thỏm lo sạt lở - Ảnh 2.

Đoạn sạt lở bờ Bắc kênh Rạch Giá - Long Xuyên (đoạn xã Mỹ Khánh, TP Long Xuyên)

Theo UBND tỉnh An Giang, trong 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 44 điểm sạt lở, sụt lún, rạn nứt đất bờ sông, kênh, rạch với trên 2.180 m đã ảnh hưởng đến đời sống người dân. 79 căn nhà và nhiều công trình, vật kiến trúc khác cần di dời khẩn cấp. So với cùng kỳ năm 2022, sạt lở tăng gấp 3 lần.

Theo số liệu quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh An Giang, toàn tỉnh đang có 56 đoạn, tổng chiều dài hơn 181 km, nằm trong cảnh báo sạt lở từ nguy hiểm đến đặc biệt nguy hiểm. Các đoạn cảnh báo sạt lở này có khả năng gây ảnh hưởng đến 20.000 hộ dân, trong đó hơn 5.380 hộ cần di dời khẩn cấp.

Sở TN-MT tỉnh An Giang xác định sạt lở thường xảy ra trên các tuyến sông, kênh, rạch chính như: sông Tiền, sông Hậu, Vàm Nao, Bình Di, Châu Đốc, Cái Vừng, kênh xáng Tân An, rạch Ông Chưởng, rạch Cái Sắn. Nguyên nhân sạt lở gia tăng là do diễn biến thời tiết bất thường, tác động của quá trình biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của các đập thủy điện trên sông Mê Kông gây thiếu bùn cát bồi lắng và hoạt động khai thác cát, xây dựng, vận tải hai bên bờ sông... Bên cạnh đó, tỉnh An Giang nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung có nền đất yếu, rất dễ bị xâm thực, bào mòn nhanh.

Khẩn trương ứng phó

Diễn biến của sạt lở ngày càng phức tạp, vì vậy người dân sống trong vùng sạt lở luôn thấp thỏm, lo lắng.

Trước điều này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho hay hằng năm Sở TN-MT đều tổ chức triển khai quan trắc, cảnh báo sạt lở định kỳ 2 lần/năm và đo đạc, phối hợp, hỗ trợ địa phương khảo sát, báo cáo tình hình sạt lở đột xuất tại 20 điểm trong tỉnh. Các dữ liệu thu được làm cơ sở cảnh báo kịp thời cho địa phương và nhân dân trong vùng biết nguy hiểm.

Trên cơ sở kết quả quan trắc cảnh báo sạt lở, tỉnh đã thực hiện cắm mốc trên thực địa, khoanh vùng khu vực nguy cơ. Còn khi các địa phương phát hiện dấu hiệu xảy ra sạt lở bờ sông, kênh, rạch thì cấp huyện và cấp xã sẽ chủ động thực hiện theo phương châm "4 tại chỗ". Cụ thể như huy động lực lượng tại chỗ, sơ tán khẩn cấp người, tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm; cắm biển cảnh báo, khoanh vùng ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở; xử lý bước đầu để hạn chế sạt lở...

An Giang: Thấp thỏm lo sạt lở - Ảnh 4.

Đoạn sạt lở bờ Bắc kênh 10 (đoạn xã Đào Hữu Cảnh, huyện Châu Phú)

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết thêm tỉnh đang triển khai một số đề tài nghiên cứu khoa học - công nghệ liên quan đến sạt lở.

Trong đó, áp dụng mô hình TELEMAC 3D để mô phỏng dòng chảy và vận chuyển trầm tích tại khu vực ngã ba sông Hậu và sông Vàm Nao; khoanh vùng cảnh báo sạt lở, xây dựng cơ sở dữ liệu địa hình đáy sông và các giải pháp hạn chế thiệt hại do sạt lở gây ra tại các sông chính trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu phát triển hệ thống cảnh báo sạt lở sớm từ xa và tự động.

Ngoài ra, tỉnh An Giang đang tranh thủ nguồn vốn trung ương và nguồn vốn địa phương đầu tư các cụm, tuyến dân cư để phục vụ di dời, bố trí tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở.

"Chúng tôi cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra để không phát sinh công trình trái phép trên bờ sông, kênh, rạch. Đồng thời thanh tra, kiểm tra việc khai thác cát sông trái phép, xử lý nghiêm các sai phạm" - ông Thư nhấn mạnh.

Việc gia tăng phương tiện giao thông trên bờ, dưới sông gây chấn động và sóng... cũng là nguyên nhân gây sạt lở đất ven sông, kênh, rạch.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo