Tôi vốn có cái bụng khỏe và thích ăn hàng nên đi đến đâu thấy có chợ là sà vào. Đừng phân vân, tìm kiếm ở đâu xa xôi, chỉ cần thấy hàng nào đông người ngồi xì xà xì xụp thì mình cũng chen. Cũng đừng hỏi han xem đó là món gì, đừng nhìn ngó xem có an toàn vệ sinh thực phẩm hay không, hãy gọi một phần rồi chuyện gì tính sau.
“Mấy bà, mấy chị và có cả mấy ông ăn ngon lành thế, việc gì mình không thử”. Cứ tự nhủ như vậy, tôi không biết mình đã thử bao nhiêu hàng ăn ở bao nhiêu cái chợ trên khắp mọi miền đất nước. Và may, chưa có bữa ăn uống lê la nào để lại hậu quả ngoài cảm giác thèm chảy nước miếng khi đôi ba tháng chưa được đi đâu, chỉ cắm đầu vào công việc ở Sài Gòn ồn ã.
Nhưng có lẽ những ngày lê la chợ phiên ở miền Tây Bắc là đáng để nhớ và thèm muốn nhất. Cái xứ gì đâu trời đất đẹp lạ lùng, chợ thì vui gấp 10 lần chợ Tết miền xuôi.
Tôi vẫn còn nhớ ngày đến Đồng Văn (Hà Giang) vào cuối tháng 10. Trong khi mọi người nhẩn nha ăn sáng, cà phê dằn bụng rồi mới bắt đầu đi chợ thì tôi cố tình bỏ bữa sáng để bụng đi chợ.
Vừa đến đầu chợ đã thấy mấy cô nàng người dân tộc má đỏ ửng ngồi xước mía. Cạnh đó, những bó mía tím sẫm mập ú được mọi người xúm lại vừa lựa vừa so đo. Cái bụng réo ùng ục kéo tôi vào hàng xôi, bánh.
Xôi đủ màu trắng, tím, cam được đựng trong những sọt lớn, bán bằng chén, giá 7.000 đồng/chén to ú ụ. Cạnh đó là hàng tá các loại bánh, cái như bánh bò, cái như bánh tiêu, có cái như chuối chiên mà không phải chuối chiên. Có bánh xếp chồng trong sọt lớn, có bánh gói bằng lá dong, treo lủng lẳng trên xà. Để biết hết tên các loại bánh là chuyện khó vì hầu hết những người bán hàng là phụ nữ người dân tộc, không rành tiếng Kinh.
Ở TP HCM, phụ nữ vào chợ mà vừa đi vừa ăn thì vô duyên hết chỗ nói nhưng ở chợ phiên Đồng Văn, hình ảnh đó trông dễ thương hết cỡ. Đi đâu cũng bắt gặp người ta ăn hàng, từ trẻ nhỏ đến thiếu nữ, từ đàn bà đến đàn ông. Người thì cầm cái bánh, kẻ cầm que kem. Tôi cũng vậy, cứ nhẩn nha giáp chợ với đủ loại bánh trên tay.
Ngon cũng không thể gọi là ngon nhưng cái không khí họp chợ ở miền sơn cước làm cái khẩu vị vui lây. Tôi còn nhớ cái cảm giác ngồi xì xụp húp phở ở chợ phiên Cán Cấu (huyện Xi Ma Cai, tỉnh Lào Cai) giữa những ánh mắt vừa tò mò vừa âu yếm của những người dân miền cao.
Hôm đó, sáng sớm tôi từ TP Sa Pa đi Cán Cấu, do trời mưa, đường xấu nên đến tận 11 giờ mới tới nơi. Mình mẩy đầy bùn đất, tay chân run rẩy vì đói, tôi buồn rầu nhủ bụng chắc không còn gì nhiều để ăn. Mà đúng vậy, các hàng xôi bánh chỉ còn lèo tèo vài cái. May thay, bên hông khu họp chợ vẫn còn đông người qua lại, chúng tôi lần tới thì mừng hơn bắt được vàng khi nhiều hàng phở ở đây vẫn còn nghi ngút khói.
Khi phở vừa bưng ra, những kẻ háu đói húp lấy húp để và méo cả mặt vì… lạt nhách. Khi tôi chưa kịp lên tiếng phàn nàn thì những người khách xung quanh, là người dân tộc, cười ồ. Hóa ra phở ở đây do người ăn tự nêm. Trên bàn, chủ quán đã để sẵn 1 bịch muối và 1 bịch bột ngọt to và ớt khô các loại. Một anh chàng người Mông ga lăng nêm nếm cho chúng tôi theo khẩu vị địa phương rồi giục: “Chị ăn đi cho nóng. Mai Bắc Hà (cách Cán Cấu khoảng 30 km) có chợ phiên nữa. Chị lại vào ăn xem có ngon hơn ở đây không nhé!”.
Tôi đã từng đi chợ phiên Bắc Hà, đã từng ăn phở và đủ thứ các loại bánh ở đây. Cọng phở màu nâu đỏ, mịn và dai, đối với tôi có thể nói là ngon nhất Việt Nam. Nhưng ở chợ quê Cán Cấu, ngồi húp xì xụp tô phở nóng hổi, dù không được chất lượng vì ít thịt, nhiều bánh nhưng cứ muốn làm thêm tô nữa vì muốn được ngồi thật lâu để phiêu lãng cùng những thửa ruộng bậc thang xanh ngát lúa, cùng những dải mây mỏng cứ ngập ngừng viền quanh những ngọn núi dù mặt trời đã lên gần đến đỉnh đầu.
Bình luận (0)