"Sau khi giao đất cho nhà nước, chúng tôi được bố trí tái định cư (TĐC) ở khu dân cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP HCM. Tuy nhiên, từ khi về đây, rất nhiều người như tôi trở nên thất nghiệp. Tôi nghĩ về lâu dài, nhà nước cần có chính sách việc làm để người TĐC ổn định cuộc sống chứ cứ buộc chúng tôi giao đất, đưa về nơi ở mới, việc làm không có, khác nào đẩy khó cho người dân?" - anh Mai Quốc Tuấn (ngụ lô B2.5 khu dân cư Vĩnh Lộc B) phản ánh.
Không tìm được việc
Anh Tuấn kể lúc trước gia đình anh ở khu phố 11, phường Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân, TP HCM), có cơ sở may gia công với khoảng 10 thợ, thu nhập bình quân 12 triệu đồng/tháng. Từ khi về đây, anh cũng tổ chức may gia công nhưng chỉ được một thời gian thì nghỉ do ở xa nên các cơ sở không bỏ hàng. Anh thất nghiệp, vợ anh đi nấu ăn, giúp việc nhà theo giờ, cuộc sống của gia đình với 5 nhân khẩu, trong đó có 2 con nhỏ đang đi học, trở nên bấp bênh. Sắp tới, anh Tuấn dự định chạy xe ôm để có chi phí trang trải cuộc sống.
Ghi nhận tại khu dân cư Vĩnh Lộc B, chúng tôi được biết đa số người dân sau TĐC ở đây gặp khó khăn trong việc làm. Điển hình bà Lê Thị Quí (ngụ ở lô A2.10, trước kia cũng sống ở phường Bình Hưng Hòa), làm công nhân. Sau khi nghỉ hưu, bà phụ xếp vải với thu nhập khoảng 3 triệu đồng, cộng với lương hưu, mỗi tháng khoảng 6 triệu đồng. Từ ngày TĐC (năm 2016), bà không có việc làm, chỉ có tiền lương hưu, hằng tháng còn phải trả tiền mua nhà nên mọi chi tiêu trong gia đình đều phải hạn chế. Bà Quí than: "Hồi trước vừa có việc làm vừa được trò chuyện với bạn bè, rất vui. Thậm chí, tôi mua gạo, mắm, muối đến cuối tháng lãnh lương hưu mới trả. Ở đây không việc làm, không bạn bè nên hằng ngày tôi chỉ biết làm bạn với radio".
Tương tự, bà Đặng Thị Lan (ngụ lô B1.3) cho biết trước kia bà bán hủ tiếu ở sát bờ sông thuộc phường 14 (quận 8, TP HCM), một ngày được từ 200.000-300.000 đồng, đủ sống. Được chính quyền vận động đến ở khu dân cư Vĩnh Lộc B, bà mở quán nước giải khát, con gái bán hủ tiếu buổi sáng, chiều bán bánh tiêu nhưng vẫn không đủ trang trải nên con gái bà Lan phải quay về nơi cũ đi làm.
Trò chuyện với người dân ở đây, chúng tôi được biết hầu hết họ không có việc làm ổn định nên rất nhiều người trẻ quay trở lại chốn cũ để thuê nhà đi làm, người già ở khu TĐC chờ chu cấp của con. Cũng vì vậy, một số hộ dân sau khi nhận nhà TĐC đã chuyển nhượng lại hoặc cho thuê để đi tìm nơi ở mới.
Theo ông Lại Phú Cường, Trưởng Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Tân, các trường hợp báo nêu, quận đã áp dụng nhiều chính sách như: thăm hỏi, tặng quà dịp lễ, Tết, tạo việc làm, hỗ trợ vốn... để giúp người dân ổn định cuộc sống. Ông Cường cho rằng khu TĐC cần đầy đủ cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm, đặc biệt là căn hộ TĐC phải tốt thì sẽ hút nhiều người dân về sinh sống. Khi đã hình thành khu dân cư đông đúc, sẽ có nhiều cơ hội việc làm cho người TĐC từ việc kinh doanh các dịch vụ ăn uống, vui chơi, giải trí...
Quán nước của bà Đặng Thị Lan ở khu dân cư Vĩnh Lộc B mỗi ngày chỉ bán được vài chục ngàn đồng
Cần nhiều giải pháp
Từng đi khảo sát nhiều nơi TĐC như: chung cư Bình Trưng Đông (chung cư Mười Mẫu, quận 2, TP HCM), chung cư Tân Mỹ (quận 7, TP HCM), khu dân cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh), bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng Ban Văn hóa Xã hội HĐND TP HCM, cho biết hầu hết người dân TĐC có cuộc sống bấp bênh nên quay về nơi cũ kiếm việc làm. Tuy nhiên, do phải di chuyển xa vừa tốn kém vừa tiềm ẩn nhiều nguy cơ nên họ thuê nhà gần khu vực giải tỏa để sinh sống. Cũng vì khó kiếm việc làm ở khu TĐC, một số người thất nghiệp đã tụ tập ăn nhậu, bài bạc, đá gà... Nếu không có chính sách việc làm lâu dài, tệ nạn xã hội sẽ phát sinh từ đây.
Theo bà Nhung, chính quyền, đoàn thể nơi có người dân bị giải tỏa, nơi có người dân TĐC cần thường xuyên thăm hỏi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân TĐC để có nhiều giải pháp cùng họ ổn định cuộc sống. "Có việc làm mới duy trì cuộc sống, không có việc làm thì có núi tiền cũng hết, người nghèo sẽ nghèo thêm. Sắp tới, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục đi khảo sát, sau đó tổng hợp báo cáo Thường trực HĐND TP để tổ chức phiên họp chuyên đề về vấn đề này nhằm tìm giải pháp tạo việc làm bền vững cho người TĐC, giúp họ ổn định cuộc sống" - bà Nhung cho biết.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Đoàn Luật sư TP HCM, cho rằng quan điểm TĐC của Ngân hàng Thế giới là nhằm bảo đảm cho người dân bị ảnh hưởng có được cuộc sống ngang bằng hoặc tốt hơn trước khi TĐC. Quan điểm này khá gần với các quy định về TĐC của Việt Nam như: đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ vốn... để người dân ổn định cuộc sống.
"Ở các nước không bao giờ chỉ có một phương án đền bù là trả tiền (hoặc hoán đổi bằng đất nền và căn hộ) cho người có đất bị thu hồi. Trước khi di dời dân, họ tiến hành điều tra, khảo sát kinh tế - xã hội do một đơn vị tư vấn - nghiên cứu bên ngoài thực hiện để nắm bắt rõ hoàn cảnh, điều kiện sống cũng như nguyện vọng của các hộ dân bị ảnh hưởng. Dựa trên kết quả điều tra xã hội học, đơn vị quản lý mới chủ trì lập kế hoạch TĐC có tính đến mạng lưới xã hội, sự đoàn kết trong gia đình, lối sống của từng hộ dân. Trong khi đó, việc điều tra xã hội học của chúng ta dường như chỉ xác minh nguồn gốc tạo lập đất để áp tiền đền bù cho hợp lý. Nên chăng, trước khi TĐC, chúng ta cần có điều tra xã hội học từ tập quán sinh sống đến công ăn việc làm để có chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm gắn với thực tiễn" - luật sư Hậu nêu ý kiến.
Mỗi đối tượng cần chính sách phù hợp
Tại buổi giám sát mới đây, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết nhiều năm qua, TP đã thực hiện điều tra xã hội học về cuộc sống người dân sau TĐC. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, người dân sau TĐC vẫn còn gặp nhiều khó khăn, chưa thể an cư lạc nghiệp. Bà Tâm đề nghị với mỗi đối tượng, UBND TP cần rà soát để có giải pháp và cách ứng xử riêng, không nên áp dụng cào bằng một chính sách cho tất cả đối tượng.
Bình luận (0)