Từ ngày 21-1, hàng trăm tiểu thương chợ đêm Cà Mau phải di dời từ đường Lưu Tấn Tài (phường 5, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) đến đường An Dương Vương (phường 7, TP Cà Mau). Chợ mới được bố trí ngay giữa lòng đường, trước trụ sở hàng loạt ngân hàng và một bệnh viện.
Họp chợ giữa lòng đường
Từ khoảng 16 giờ hằng ngày, chợ đêm này bắt đầu nhóm họp, hàng hóa bày chật kín đường An Dương Vương. Người mua bán chen chúc cùng xe cộ tạo nên cảnh giao thông hỗn loạn tại khu vực. Thời điểm này, các ngân hàng như: DongA Bank, Agribank Cà Mau, Vietcombank… tọa lạc trên con đường này vẫn còn làm việc nên bị ảnh hưởng rất lớn.
Ông Lý Nam Hải, Giám đốc Agribank Cà Mau, lo ngại: “Trước đây, khu vực này từng xảy ra vụ cướp xe vận chuyển tiền. Bây giờ, chợ đêm về đây, người qua lại rất đông, dễ bề cho kẻ gian trà trộn. Cuối ngày, chúng tôi hay vận chuyển tiền mặt nên không an tâm, phải tăng cường an ninh, cảnh giác tối đa”.
Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Minh Hải cũng nằm trong khu vực này, ngay phía sau khu ngân hàng. Bác sĩ Võ Anh Hoan, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Minh Hải, bức xúc: “Mỗi ngày, chúng tôi chuyển bệnh nhân ít nhất 3 lần vào chiều, tối. Con đường bị chặn, xe cấp cứu của bệnh viện không lưu thông được. Chúng tôi đã làm đơn gửi Công an tỉnh Cà Mau xin cho xe cấp cứu được chạy ngược chiều ven chân cầu Huỳnh Thúc Kháng, chưa biết có được chấp thuận hay không vì đường này nhỏ hẹp, 2 xe không thể chen qua được”.
Đường An Dương Vương là đường một chiều, được xây dựng để giảm áp lực xe lưu thông từ các tuyến huyện đổ về. Từ khi nhóm chợ, lực lượng chức năng cấm xe 4 bánh lưu thông, tạo áp lực lên vòng xoay ngã năm trung tâm thành phố. Nếu không may xảy ra cháy, nổ tại nơi đây, hậu quả sẽ khó lường vì không có chỗ cho xe cứu hỏa tiếp cận.
Chủ trương khó hiểu
Từ khi bị di dời đến vị trí mới, hầu hết tiểu thương chợ đêm Cà Mau đều không đồng tình. “Chúng tôi thấy việc dời chợ về đường An Dương Vương quá bất hợp lý và bất ổn nên đề nghị tạm thời để tiểu thương bán ở chợ cũ qua mùa Tết. Tuy nhiên, UBND TP vẫn cương quyết di dời” - ông Nguyễn Viết Bình, một tiểu thương, bày tỏ.
Nhiều tiểu thương cũng cho biết tại vị trí chợ cũ, hiện đã được phân lô cho thuê làm chợ hoa với giá 3 triệu đồng/lô. Việc buộc các tiểu thương di dời vào thời điểm cận Tết chẳng khác nào đẩy họ vào nguy cơ phá sản. “Dịp Tết, chúng tôi nhập hàng nhiều, từ vài trăm triệu đến cả tỉ đồng. Thời điểm này, ở chợ cũ, tôi bán được khoảng 20 triệu đồng/đêm. Đến chỗ mới, chỉ bán được 7-8 triệu đồng/đêm” - tiểu thương Huỳnh Kim Phượng ngán ngẩm.
Trao đổi về vấn đề trên, ông Lý Khánh Ly - Trưởng Phòng Kinh tế, TP Cà Mau - giải thích vị trí chợ cũ nằm trên 2 lề đường Lưu Tấn Tài bị một số cơ quan nhà nước ở đây phản ứng, yêu cầu di dời. Do đó, UBND tỉnh Cà Mau có công văn đề nghị UBND TP Cà Mau di dời chợ đêm trước Tết Nguyên đán 2015 nhưng không nói rõ đến địa điểm nào. “Sau nhiều ngày nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy không còn chỗ nào khác có thể bố trí được chợ đêm ngoài đường An Dương Vương” - ông Ly phân trần.
Trong khi đó, ông Huỳnh Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cà Mau, lại cho rằng phải di dời chợ đêm khỏi đường Lưu Tấn Tài vì hợp đồng của tiểu thương hết hạn vào ngày 20-1. Nếu để tiểu thương bán tạm ở chỗ cũ đến qua Tết, đồng thời phải ký tiếp hợp đồng 2 năm thì sau này sẽ gặp rắc rối về vấn đề pháp lý, khó di dời được trước thời hạn. Việc di dời chợ đêm về đường An Dương Vương chỉ là phương án tạm thời. “Vì muốn tạo điều kiện cho tiểu thương buôn bán thuận lợi trong mùa Tết nên chúng tôi bố trí chợ mới ở khu vực trung tâm. Tuy nhiên, nhận thấy việc bố trí chợ như hiện nay ảnh hưởng đến an ninh trật tự của các ngân hàng, bệnh viện nên chúng tôi đã bàn bạc với các đơn vị này chỉ bố trí chợ đêm tạm thời đến 30 Tết, sau đó chợ sẽ được di dời đến nơi khác ổn định hơn” - ông Dũng nói.
Tuy nhiên, nhiều tiểu thương khẳng định không đồng ý di dời khỏi đường An Dương Vương sau Tết vì đã ký hợp đồng thuê chỗ bán tại đây trong thời hạn 2 năm với UBND TP Cà Mau.
Phá bỏ chợ Đầm, tiểu thương bất bình
Sáng 30-1, hàng trăm tiểu thương tập trung trước chợ Đầm (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) phản đối kế hoạch xây dựng mới ngôi chợ này.
Theo các tiểu thương, việc triển khai xây mới chợ đã có kế hoạch cả năm nhưng họ không hề biết thông tin. Hơn nữa, chợ Đầm là địa chỉ du lịch nổi tiếng và là một trong những biểu tượng của TP Nha Trang vì kiến trúc độc đáo, không nên phá bỏ. Ngoài ra, tiểu thương bức xúc về việc những người buôn bán lâu năm không được đền bù, không được ưu đãi khi mua lại lô sạp. Họ cũng lo ngại xây chợ mới sẽ rơi vào tình cảnh ế ẩm như các trung tâm thương mại ở Hà Nội và TP HCM.
Sáng cùng ngày, UBND tỉnh Khánh Hòa đã cử cán bộ nhận đơn kiến nghị của các tiểu thương để trình chủ tịch UBND tỉnh xem xét giải quyết.
Chợ Đầm Nha Trang được xây dựng vào những năm 1970. Ngày 28-8-2013, UBND tỉnh Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty CP Sông Đà - Nha Trang thực hiện dự án chợ Đầm Nha Trang có quy mô 3 tầng với tổng diện tích hơn 21.000 m2, bên cạnh đó còn có khu chợ tươi sống một tầng rộng hơn 1.400 m2.
K.Nam
Bình luận (0)