Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong công tác xây dựng Đảng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng tổ chức sáng 19-1.
"Công tác cán bộ còn nhiều khe hở, lỗ hổng, tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém; chưa có cơ chế để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền một cách hiệu quả. Tại sao có hiện tượng đề bạt, cất nhắc nhiều người nhà, người thân quen mặc dù không đủ tiêu chuẩn? Vì sao cứ nói bổ nhiệm đúng quy trình nhưng kết quả thực tế bố trí cán bộ lại là sai?..."
Dư luận năm qua nóng lên từ chuyện ông Vũ Huy Hoàng,Trịnh Xuân Thanh, Hồ Thị Kim Thoa, Võ Kim Cự…Gần đây lại rộ lên việc Bí thư, Chủ tịch Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, Nguyễn Phong Quang, Nguyễn Anh Dũng rồi Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm,Trịnh Xuân Sơn, chuyện biệt phủ ở Yên Bái, chuyện cả họ làm quan, hot girl Thanh Hóa, chuyện bố là bí thư tỉnh bổ nhiệm con Nguyễn Hoài Bảo làm Giám đốc Sở KH-ĐT Quảng Nam không đủ chuẩn…Như thành thông lệ, cứ mỗi lần Ủy ban kiểm tra Trung ương công bố thì lại thấy 2, 3 vị diện Ban Bí thư quản lý bị nêu tên. Chung quy lại xung quanh khuyết điểm thiếu trung thực trong kê khai tài sản,văn bằng hay dấu hiệu tham nhũng… Bức tranh toàn cảnh công tác cán bộ còn khá nhiều các gam màu tối (?).
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh và các bị cáo khác tại phiên tòa ngày 8-1 (ảnh: NGUYỄN HƯỞNG)
Tại vụ Trịnh Xuân Thanh, Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật một phó ban và một vụ trưởng Ban Tổ chức Trung ương, 2 thứ trưởng Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Bộ Công Thương, nguyên Bí thư Hậu Giang. Thiết nghĩ những "trung tâm quyền lực" này ở trung ương và địa phương cũng đủ trả lời câu hỏi: Ai? Địa chỉ nào?
Hệ thống đề bạt, bổ nhiệm của chúng ta theo một quy trình khá phức tạp, qua nhiều công đoạn, tầng nấc nhưng tại sao để "con voi chui qua lỗ kim"?
Quy trình suy cho cùng cũng do con người đặt ra, thì cũng chính con người nếu muốn cũng có thể lách được.Vả lại, nếu nói về quy trình thì chẳng mấy khi sai cả nhưng cái chính là những người thực hiện quy trình ấy có làm đúng không hay là trí trá?
Có hay chăng việc thực hiện các quy trình đề bạt bổ nhiệm còn hình thức, lấy lệ...? Cũng lấy phiếu tín nhiệm, cũng có thẩm tra, báo cáo thế này, thế khác nhưng thực chất có đúng không, hay đó là một sự đối phó? Chúng ta đồng tình với ý kiến đề ra biện pháp khắc phục tình trạng trên "...Quy định trách nhiệm của cơ quan tham mưu trong công tác cán bộ. Có cơ chế để đảng viên và nhân dân giám sát cán bộ và công tác cán bộ".
Đảng viên và nhân dân giám sát công tác cán bộ là một việc làm khó, có lẽ chưa có tiền lệ. Đảng viên và nhân dân hầu như chưa quen và chưa có điều kiện làm quen. Muốn làm tốt, trước mắt không có gì hơn phải sớm ban hành cơ chế giám sát khả thi, thiết thực, không hình thức, thật sự cầu thị, chia sẻ, thật sự dân chủ, lắng nghe. Công tác tổ chức cán bộ lâu nay như một lãnh địa khép kín thiếu vắng sự tham gia giám sát của quần chúng, của xã hội. Vấn đề còn lại là phải quản lý đánh giá con người thật sự khoa học, công tâm, dân chủ, tin cậy, lắng nghe quần chúng, có biện pháp để quần chúng dám nói và bảo vệ quần chúng. Cái vĩ đại của Đảng ta không phải là không mắc sai lầm, mà ở chỗ khi có sai lầm khuyết điểm thì dũng cảm nhận, tích cực tìm nguyên nhân để tìm cách khắc phục. Khi dũng cảm nhận khuyết điểm, tin chắc sẽ khắc phục được khuyết nhược điểm.
Bình luận (0)