Hàng trăm bạn đọc đã bày tỏ ý kiến qua đường dây nóng và ngay dưới bài viết "Lãnh đạo BOT Cai Lậy muốn dư luận "đánh giá công bằng" đăng trên báo NLĐO.
Thế nào là công bằng?
Xung quanh vấn đề ông Lưu Văn Hào, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang (chủ đầu tư BOT Cai Lậy) trao đổi trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang) trong tháng 10-2017 sẽ thu phí trở lại với mức giá mới; đồng thời "mong dư luận có một cái nhìn thật sự công bằng đối với chủ đầu tư" vì chủ đầu tư chỉ "thực hiện theo những chỉ đạo của Bộ GTVT", nhiều bạn đọc nói thẳng: "Không ăn bánh thì không trả tiền, đó là công bằng".
"Phải công bằng cho chủ đầu tư và cho cả người dân. Đường chủ đầu tư làm mới ở đâu thì thu phí ở đó để lấy lại vốn và lời; người dân đi trên đường của chủ đầu tư làm thì phải trả tiền, không đi không trả tiền. Công bằng là đầu tư làm đường ở đâu thì đặt trạm thu phí ở đó, vừa công bằng cho chủ đầu tư và cho nhân dân"- bạn đọc Năm Giao Thông nêu ý kiến.
Còn bạn đọc Nhu phân tích: "Những người không nằm trong phạm vi được miễn phí, những người lưu thông bằng xe cá nhân, xe cơ quan hành chính sự nghiệp, những người kinh doanh vận tải nhưng không thành lập doanh nghiệp…, nếu không sử dụng đường tránh thì họ vẫn phải trả phí. Vậy theo ông Hào, đây là điều công bằng sao?".
Trạm thu phí Cai Lậy
Cho rằng công bằng thì phải dời trạm thu phí về đúng vị trí của nó đi, bạn đọc Khachvanglai đề nghị kiểm toán giá trị thật công trình là bao nhiêu? Ai thật sự bỏ vốn và bỏ vốn bao nhiêu? Ai mượn đầu heo nấu cháo? Thông tin rõ ràng và minh bạch thì người dân ủng hộ.
Phải làm rõ vai trò của Bộ GTVT
Trước chia sẻ "thật lòng" của ông Hào về việc dự án này được mua đi, bán lại rất nhiều và chủ đầu tư phải vay ngân hàng hơn 1.000 tỉ đồng, chiếm 83,1% tổng vốn dự án; chủ đầu tư hoàn toàn không muốn kéo dài thời gian thu phí vì như vậy "vừa mệt vừa phải lo lắng", "nếu kéo dài đến khi cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận đi vào hoạt động nữa thì khổ"..., nhiều bạn đọc đã phải thốt lên: "Tay không đòi bắt giặc", "Câu nói hay nhất, trung thực và đầy đủ sự thật của dự án BOT Cai Lậy, Tiền Giang đây"…
"Nguyên tắc của BOT là do Nhà nước không có tiền làm nên huy động sức các doanh nghiệp tư nhân. Mấy ông chỉ có 17% vốn, đi vay 83% thì năng lực tài chính ở đâu? Thêm cái nữa, làm ăn kinh doanh mà chỉ khăng khăng đòi có lời chứ không chịu lỗ, chỉ mấy ông khôn vậy sao?"- bạn đọc Lê Minh nêu ý kiến.
Còn bạn đọc Trần Thành Nam phân tích: "Những cái trạm thu phí như thế thì giá cả hàng hóa đội lên, người dân phải chịu chứ không riêng gì doanh nghiệp vận tải. Tài xế hằng năm đã đóng phí bảo trì đường bộ, đợi ông làm thì đường mới tốt hay sao? Đây không phải là rủi ro của các ông vì biết trước đặt trạm như vậy là sai mà vẫn làm".
Nhiều bạn đọc lưu ý việc quản lý của Bộ GTVT khi chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính, dự án bị mua đi bán lại nhiều lần thể hiện rõ sự khuất tất… "Nói tóm lại, đầu mối từ Bộ GTVT. Phải làm rõ việc dự án được mua đi bán lại rất nhiều lần và vai trò Bộ GTVT"- bạn đọc Văn Vũ kiến nghị.
Bạn đọc Hai Lúa Miền Tây thì cho rằng việc Bộ GTVT không thực hiện đúng theo hợp đồng thì chủ đầu tư có quyền kiện ra tòa án chứ không thể bắt người dân trả phí cho đường mà họ không đi.
Bình luận (0)