Mục đích quan trọng nhất của giáo dục là giúp học sinh hình thành nhân cách tốt, trung thực, sống có trách nhiệm với đồng loại, yêu thiên nhiên, tuân thủ pháp luật.
Thứ hai, trang bị kiến thức nền tảng, cơ bản để người học có thể tự phát triển khi trưởng thành. Chúng ta thấy rằng điều cần làm cho giáo dục phổ thông là thông qua những giáo viên có kiến thức cơ bản tốt, trang bị cho học sinh các vấn đề cơ bản, không phải những thứ cao siêu. Chỉ vậy thôi là đáp ứng được cho giáo dục phổ thông.
Cụ thể, ở tiểu học, cần trang bị công cụ ngôn ngữ và tính toán cơ bản để học sinh dựa vào đó có khả năng khám phá và tiếp nhận những hiểu biết cơ sở ở cấp 2. Chuẩn của tiểu học là đọc thông viết thạo, đúng ngữ pháp, tính toán cơ bản tốt. Trong các bài học tiếng Việt, cần lồng những kỹ năng ứng xử trong cuộc sống như chào hỏi, xin lỗi, cảm ơn… để vừa học ngôn ngữ vừa học kỹ năng sống.
Sang cấp 2, học sinh đã có nền tảng cần thiết từ tiểu học. Giai đoạn này cần tiếp tục nâng cao năng lực ngôn ngữ, giúp học sinh hoàn thiện khả năng đọc hiểu, viết ra được suy nghĩ của mình. Song song đó là trang bị những kiến thức về khoa học tự nhiên ở mức dùng làm cơ sở khoa học cho việc lý luận sau này ở cấp 3. Cần lưu ý, không trang bị kiến thức chuyên sâu mà chỉ giúp học sinh hình thành năng lực tư duy khoa học logic, đặc biệt là năng lực phản biện và phê phán. Những năng lực này có vai trò rất quan trọng, là cách thức để kiểm soát công việc cũng như hình thành suy nghĩ sáng tạo, đột phá.
Như vậy, chuẩn ở cấp 2 là hoàn thiện khả năng ngôn ngữ cùng với nâng cao nhận thức về các giá trị sống; hình thành năng lực tư duy khoa học một cách cơ bản, năng lực phản biện và phê phán. Cấp 2 cũng là giai đoạn giúp học sinh nhận ra năng lực sở trường và đam mê của bản thân khi tiếp xúc với những kiến thức cơ bản, tạo điều kiện cho học sinh lựa chọn hướng nghiệp ở cấp 3.
Lên cấp 3, chuyển sang phân hóa nghề nghiệp, cần giảm hẳn số môn học, trừ các môn bắt buộc như văn, toán, sử. Cấp 3 chủ yếu trang bị kiến thức đặc thù, tạo hiểu biết cơ bản về nghề nghiệp sẽ theo đuổi sau này ở đại học.
Học là một hình thái lao động gây mệt mỏi, căng thẳng không khác lao động ngoài xã hội. Học là để mang tới một xã hội nhân bản sau này nên trước hết, giáo dục phải nhân bản. Cấp 1 chỉ nên học 4 giờ/ngày, cấp 2 học 5 giờ/ngày và cấp 3 học 6 giờ/ngày, thời lượng đó tính cả thời gian cho bài tập về nhà, nếu có. Thời gian còn lại nếu vẫn ở trường thì tổ chức vui chơi, đàn hát, vẽ tranh… hoặc để học sinh tìm hiểu thêm những gì mà các em thích. Sau thời gian học quy định, học sinh phải được tận hưởng cuộc sống của mình. Trong quá trình dạy học, nếu phát hiện những học sinh có năng lực đặc biệt thì cần hỗ trợ riêng để phát triển thật tốt năng khiếu sở trường. Đó mới là nền giáo dục nhân bản.
Bình luận (0)