Hiện tượng ma trận chéo lợi ích giữa chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu, thậm chí có cả cấp thẩm quyền và cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động đầu tư xây dựng đã có trên thế giới vài thập kỷ. Việt Nam ngay sau đổi mới cũng đã xuất hiện các mối quan hệ tiêu cực này. Tuy nhiên, nếu các nước xem đây là hành vi “tội ác” phải dùng công cụ luật pháp, các định chế tài chính thuế khóa, quản lý hợp đồng, dư luận xã hội, đạo đức nghề nghiệp để điều chỉnh, răn đe thường xuyên thì ở Việt Nam làm ngành xây dựng phải “nhập gia tùy tục”, những cái xấu xa lộ ra để lâu cũng phải hóa bùn. Các dự án đầu tư hạ tầng giao thông có quy mô càng lớn, xuất hiện vốn vay, tài trợ nước ngoài hoặc sự tham gia tư vấn nhà thầu nước ngoài, lời giải ma trận chéo lợi ích giữa các nhóm lợi ích trong và ngoài nước lại tăng độ phức tạp.
Sau các thông tin tiêu cực từ báo chí Hàn Quốc, quan điểm một số lãnh đạo ngành GTVT cho rằng làm đúng quy trình thủ tục, đúng pháp luật, đúng hợp đồng, đúng thông lệ quốc tế và giảm được từ 15% - 30% giá dự toán gói thầu. Tuy nhiên, không thể có cái bất thường trong một hệ thống quản lý đúng.
Đã từ lâu, câu hỏi chi phí đầu tư đường cao tốc ở Việt Nam vì sao khá cao so cùng mặt bằng kỹ thuật công nghệ thế giới vẫn chưa có câu trả lời thuyết phục. Cách quản lý chi phí đầu tư xây dựng tại Việt Nam, trong đó có cách xác định giá xây dựng đã quá lỗi thời nhưng vẫn được các nhóm lợi ích lợi dụng, có cả sự “tiếp sức” của một số cơ quan quản lý nhà nước.
Nếu không nhận dạng được lỗ hổng kiến thức và trách nhiệm cá nhân trong quản lý các dự án đầu tư hạ tầng giao thông vay vốn nước ngoài, câu chuyện nhà thầu lập quỹ đen để đưa cho tổ chức hoặc nhân vật nào đó sẽ không kết thúc có hậu và không phải là câu chuyện cuối về tiêu cực kinh tế của ngành giao thông Việt Nam. Đừng để những câu chuyện bức xúc dư luận như thế mãi là những câu hỏi không có lời đáp.
Bình luận (0)