Tại xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam có 5 hộ tuy cuộc sống vẫn đang rất khó khăn nhưng lại làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo.
Không vì mặc cảm
Hộ bà Nguyễn Thị Xí, 1 trong 5 hộ dân xin ra khỏi danh sách hộ nghèo, đang ngụ trong căn nhà cấp bốn cũ kỹ. Chồng mất, một mình bà phải bươn chải nuôi người con trai bị câm điếc bẩm sinh. Bà Xí tâm sự: “Con tôi bị khuyết tật từ nhỏ, hằng tháng đều có tiền trợ cấp từ nhà nước. Mẹ con tôi nuôi thêm mấy con bò kiếm thêm thu nhập. Thôi thì mình còn đủ sức khỏe để kiếm tiền nuôi con nên rút ra khỏi danh sách hộ nghèo để giảm bớt gánh nặng cho xã hội”.
Tại xã Bình Quế, huyện Thăng Bình, trong đợt bình xét hộ nghèo vừa qua, có 6 hộ dân tại thôn Bình Xá tự nguyện ra khỏi danh sách. Ông Đinh Văn Đoàn, Bí thư Chi bộ thôn Bình Xá, cho biết những năm trước, đa số các hộ dân được đề nghị đưa ra khỏi danh sách nghèo tỏ ra bất bình, cho rằng họ vẫn nghèo và cố xin ở lại. Tuy nhiên, năm nay tại địa phương lại có đến 6 người tự nguyện rút khỏi diện hộ nghèo, nhường chính sách hỗ trợ của nhà nước cho những người khó khăn hơn.
Người giàu được cấp sổ… hộ nghèo!
Thời gian qua, nhiều cựu chiến binh ở ấp Hòa Phúc, xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang gửi đơn đến các cơ quan chức năng tố cáo trưởng ấp này là ông Lại Văn Mạnh lợi dụng chức vụ để trục lợi trong việc cấp sổ hộ nghèo cho người… giàu.
Theo tố cáo của những cựu chiến binh trên, cả gia đình bên vợ của ông Mạnh cũng được đưa vào danh sách được hưởng chế độ theo Quyết định 290 của Thủ tướng đối với những người có công với cách mạng. Kỳ quặc hơn, ông Nguyễn Thành Hân, một người bà con với ông Mạnh, ngoài việc được hưởng chế độ theo Quyết định 290 còn được hưởng chế độ người bị chất độc da cam trong khi ông Hân chỉ bị bệnh… tiểu đường.
Theo báo cáo kết quả khảo sát của UBND xã Hòa Khánh do ông Nguyễn Văn Lộc - Phó Chủ tịch UBND xã - ký, đoàn khảo sát các hộ nghèo vào tháng 10-2013 đã phát hiện ông Mạnh có nhiều sai phạm. Cụ thể, hộ ông Lê Văn Thịnh xây nhà kiên cố, có hơn 10 công vườn và kinh tế ổn định nhưng vẫn được ông Mạnh ký duyệt cấp sổ hộ nghèo. Còn nhà của em vợ ông Mạnh là bà Trần Thị Xuân và chồng là Phạm Văn Tèo có đến 2 căn nhà kiên cố nhưng ông Mạnh đã cấp một sổ hộ nghèo cho ông Tèo và bà Xuân cũng được ông Mạnh cấp thêm sổ cận nghèo để được hưởng tiền chính sách. Ngoài ra, hộ ông Vũ Đình Sơn có 2 căn nhà kiên cố cũng được cấp sổ hộ nghèo.
Không chỉ vậy, gia đình bên vợ của ông Mạnh có đến 4 người được hưởng chế độ theo Quyết định 290 với số tiền 800.000 đồng/tháng, đó là Trần Văn Tính (em vợ ông Mạnh, hiện là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra xã Hòa Khánh), Trần Thị Ngọc Bích (em vợ ông Mạnh), Trần Thị Phiền (vợ ông Mạnh, đã chết) và ông Lê Thành Hân (bà con cô cậu ruột với ông Mạnh).
Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động vì sao trong gia đình bên vợ ông Mạnh có quá nhiều người hưởng chế độ chính sách, ông Nguyễn Văn Lộc, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Khánh, cho biết: “Do ấp đề nghị lên và được hội đồng thống nhất”.
Đang nợ cũng xin ra khỏi hộ nghèo Ba năm trước, chồng chị Võ Thị Hòa (SN 1975) qua đời vì bệnh tim, để lại một khoản nợ lớn. Một mình chị phải bươn chải nuôi 2 con ăn học và kiếm tiền trả nợ, cuộc sống rất khó khăn. Hằng ngày, từ lúc 3 giờ sáng, chị lặn lội từ thôn Bình Xá xuống tận chợ Quán Gò để lấy cá, thịt, rau, củ quả về cho kịp phiên chợ sớm. Ngoài việc buôn bán ở chợ, chị Hòa còn làm cộng tác viên cho một công ty bảo hiểm... Có được thu nhập tương đối ổn định, chị Hòa quyết định xin thoát khỏi danh sách hộ nghèo. “Tôi được hưởng chính sách hộ nghèo 3 năm rồi. Dù còn nợ nần nhưng cũng đã bớt vất vả nên tôi xin thoát nghèo” - chị Hòa khẳng khái. |
Bình luận (0)