Đó là ý kiến của kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP HCM, sau loạt bài "Quán nhậu, nhà hàng "xẻ thịt" công viên" đăng trên Báo Người Lao Động.
Phóng viên: Công viên cây xanh là một trong những không gian công cộng bảo đảm quyền lợi được nghỉ ngơi, thư giãn của người dân; tuy nhiên có nhiều công viên đang bị chiếm dụng để kinh doanh. Ý kiến của ông về việc này thế nào?
- Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu: Từ khi có khái niệm xây dựng đô thị thì các nhà làm quy hoạch đã chia thành các phân khu chức năng như nhà ở, hành chính, y tế, văn hóa, giáo dục hay còn gọi là hạ tầng xã hội. Xã hội phát triển thì có phân khu chức năng công nghiệp và cuối cùng là công viên cây xanh. Để phát triển đồng bộ, khu đô thị chia tỉ lệ sử dụng đất giữa các phân khu chức năng. Cuộc sống con người không chỉ là ăn uống mà còn nhiều nhu cầu khác, trong đó có hít thở không khí trong lành nên cây xanh là một bộ phận không thể thiếu. Trước đây, tỉ lệ cây xanh cao, môi trường ít bị ô nhiễm nhưng hiện nay chúng ta thải ra môi trường quá nhiều mà cây xanh không đáp ứng được. Hiện tỉ lệ cây xanh ở TP đang rất thấp, thấp nhất cả nước, nên cần phải có cách ứng xử với nó cho phù hợp. Nếu chúng ta đánh đổi cây xanh lấy hạ tầng, kinh tế thì đến một lúc nào đó số tiền chúng ta trả lại cho bệnh viện có đủ không? TP muốn phát triển đô thị một cách bền vững thì phải tính toán lại, không chỉ vì kinh tế mà phát triển ồ ạt.
Chủ tịch UBND TP HCM vừa chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải lập đề án di dời toàn bộ trụ sở, quán ăn, bãi giữ xe ra khỏi công viên. Theo ông, diện tích đó cần được sử dụng như thế nào cho hợp lý?
- Trước đây, TP đã có lần chủ trương giải tỏa hết các công trình nhà hàng, quán xá trong công viên. Công viên Tao Đàn sau khi phá bỏ tường rào, mở rộng mảng xanh là một ví dụ điển hình nhất. Theo tôi, không nên cho xây dựng các công trình kiên cố dưới bất kỳ hình thức nào kể cả bãi giữ xe thông minh ở công viên. Cũng không lợi dụng công viên để làm các chương trình xã hội (trừ Hội Hoa Xuân ở Công viên Tao Đàn). Còn các hội chợ thương mại suốt ngày "đè" công viên ra làm nơi tổ chức như Công viên Lê Văn Tám chẳng hạn, tôi cho rằng rất bất hợp lý. TP nên cương quyết trong vấn đề này bởi diện tích công viên chúng ta đã hạn hẹp lắm rồi. Các diện tích bị thu hồi đó chỉ nên trồng cây xanh, cùng lắm là một vài trò chơi thiếu nhi hòa hợp với thiên nhiên để người lớn dẫn trẻ vào chơi chứ không xây dựng các công trình kiên cố.
Với một TP đông dân, "tấc đất tấc vàng", đặc biệt ở khu trung tâm, quỹ đất hầu như không còn. Theo ông, làm cách nào để tăng diện tích cây xanh, mặt nước lên?
- Trong xây dựng có 3 chỉ số gồm: mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất và tầng cao. TP có thể tiếp cận theo hướng tăng tầng cao, hệ số sử dụng đất vẫn giữ nguyên để làm giảm mật độ xây dựng, phần diện tích dôi dư ra sẽ trồng cây xanh. Nếu mảnh đất hiện hữu đó của tư nhân thì tư nhân có trách nhiệm trồng cây xanh, nhà nước giám sát bằng các quy định. Còn nếu cả một khu đô thị thì chủ đầu tư phải có trách nhiệm đầu tư, nhà nước giám sát. Khu đất nào quy hoạch làm công viên cho TP thì Sở Giao thông Vận tải quản lý.
Bên trong Công viên Kỳ Hòa quận 10 Ảnh LÊ PHONG
Chúng ta có thể học tập Singapore, một đất nước nhỏ nhưng mật độ cây xanh lại lớn nhất so với các khu đô thị trên thế giới. Đây là bài học để chúng ta có thể giảm mật độ xây dựng, tăng chiều cao để tạo ra hệ số nén trong trung tâm và trồng cây xanh chứ không nên rải đều. Khi tập trung các khu đô thị nén như vậy lại với nhau thì sẽ có lợi cho metro, chứ như hiện nay nhà phố mà đi metro thì không hợp lý lắm. Về nguyên tắc của giao thông công cộng là đi bộ không quá 500 m thì người dân mới đi.
Còn trong các chương trình chỉnh trang đô thị, TP có thể phát triển mảng xanh, không gian công cộng như thế nào cho hiệu quả, thưa ông?
- TP có những khu vực chưa chỉnh trang đô thị, kể cả trung tâm quận 1 như phường Cầu Ông Lãnh. Nhà phố trong các hẻm xập xệ, khi quy hoạch có thể tái định cư tại chỗ bằng những khu nhà ở nén, cao tầng và tạo ra những mảng xanh. Hoặc như TP đang tập trung chỉnh trang đô thị ở kênh Đôi - kênh Tẻ, có thể mở rộng biên độ thu hồi đất lên để tăng diện tích cây xanh, mặt nước. TP có thể rút kinh nghiệm từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Khi cải tạo dòng kênh này, TP chỉ nghĩ đến cải tạo dòng kênh và giải tỏa nhà ổ chuột. Nếu lúc đó, TP có tầm nhìn rộng ra hơn nữa, giải tỏa thêm 50 m vào bên trong để làm nhà cao tầng, tăng mật độ cây xanh lên thì cảnh quan sẽ rất đẹp.
Làm bãi xe ngầm, nước thoát đi đâu?
KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng từ năm 1975 đến nay, khu vực trung tâm TP phát triển hàng chục lần nhưng diện tích cây xanh, kênh rạch không tăng, thậm chí một số nơi còn giảm. TP không nên khuyến khích xây dựng bãi giữ xe trong công viên, kể cả bãi xe ngầm. Bởi công viên không chỉ là diện tích xanh mà còn là nơi thẩm thấu nước, bổ sung cho nước ngầm. Cả TP đã bê tông hóa từ vỉa hè đến lòng đường, nếu công viên cũng bê tông hóa nữa thì nước thoát đi đâu?
Công viên có vai trò rất quan trọng trong đời sống đô thị, là lá phổi cho TP, giúp cân bằng sinh thái. Diện tích mặt đất trồng cỏ khi mưa xuống sẽ hút nước, thẩm thấu giúp giảm ngập và bổ sung lượng nước ngầm giảm tình trạng sụt lún. Ở nước ngoài, nhiều TP chọn giải pháp đổi đất làm công viên lấy chiều cao công trình. Công viên này hoặc là giao hẳn cho nhà nước làm đất công hoặc doanh nghiệp ký hợp đồng với nhà nước, cam kết không xây dựng công trình khác chỉ để làm công viên. TP HCM cũng nên có định hướng theo cách này để tăng diện tích cây xanh, mặt nước.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 2-1
Bình luận (0)