Hẳn rồi, phải đứng ra tổ chức ASIAD 18 (năm 2019) chứ làm sao trả giải được bởi cam kết chính thức đã được đưa ra song đó chắc chắn sẽ là một cuộc đầu tư tốn kém. Trong điều kiện đất nước còn nghèo, người đóng thuế phải lo lắng không biết liệu rồi đất nước mình, bản thân mình có đủ sức gồng gánh những món nợ phát sinh.
Nỗi lo càng gia tăng khi được biết trước đây đã có những nước giàu hơn nước ta gấp nhiều lần, từng có ý định đăng cai tổ chức sự kiện thể thao này nhưng sau đó đã rút lui. Người ta có thể tự hỏi liệu chúng ta có quá hào phóng, dễ dãi đến nông cạn, ngây thơ theo kiểu “anh Hai Lúa” trong cuộc chơi toàn cầu đầy toan tính.
Nhìn rộng ra, có thể thấy tình trạng thua thiệt trong quan hệ giao tiếp, làm ăn với nước ngoài đã và đang được ghi nhận ở nhiều nơi, trong nhiều lĩnh vực. Các phương tiện truyền thông nói nhiều về việc chính quyền địa phương ở nơi này, nơi nọ trải thảm đón các nhà đầu tư nước ngoài đến với những lời hứa ngọt ngào không được thẩm định một cách nghiêm túc, khoa học. Hậu quả là sự du nhập với giá cao công nghệ lạc hậu và độc hại đã bị đào thải ở xứ người, sự khai thác vô tội vạ tài nguyên thiên nhiên, sự xuống cấp của môi trường sống, cùng với những vấn nạn xã hội cả trước mắt và dài lâu.
Hay như trong hoạt động xuất khẩu, người ta vẫn nghe nói về biện pháp cạnh tranh rất kỳ cục của không ít nhà cung ứng người Việt để giành thị phần. Đáng lý ra, cần thực hiện cách cạnh tranh được cho là tốt và bền vững, gọi theo tiếng lóng là “có chính đạo”, là cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ hậu mãi. Tuy nhiên, nhiều nhà xuất khẩu, có lẽ chê cách đó làm mất nhiều thì giờ, công sức, tiền bạc, lại chọn cách đơn giản hơn là hạ giá bán. Tất nhiên, một khi giá hạ thì nhà nhập khẩu được lợi, còn nhà xuất khẩu thì gỡ gạc bằng cách chèn ép nhà sản xuất trong nước để mua sản phẩm giá thấp. Rốt cuộc, những người đồng bào cùng nhau làm quần quật, trong khi tiền bạc lại chui vào túi người nước ngoài.
Bệnh thành tích được cho là nguyên nhân chính của kiểu ứng xử đặc trưng của tinh thần nhược tiểu này. Nhận xét đó có lẽ đúng trong những trường hợp thỏa hiệp giữa những người giữ các vị trí trong bộ máy quản lý nhà nước với các đối tác nước ngoài. Thực ra, nếu không mắc căn bệnh đã trở nên nổi tiếng ấy thì cũng chưa chắc những người được xã hội gửi gắm phận sự công thực sự có đủ năng lực, kiến thức và kỹ năng thương lượng cần thiết cho phép thu được những thỏa thuận có lợi cho đất nước, địa phương và bản thân. Cần phải thấy rằng trong trường hợp điển hình, nhà đầu tư, nhà thương thuyết, thương nhân nước ngoài vừa già dặn, đầy kinh nghiệm trong nghề vừa ranh mãnh. Họ cũng có thừa tiền để theo đuổi cuộc chơi một cách dài hơi, đủ kiên nhẫn chờ đến khi có thời cơ thuận lợi thì lật ngửa các quân bài rồi thảnh thơi hốt bạc.
Những người kinh doanh trong nước, về phần mình, theo đuổi lợi nhuận chứ không phải thành tích. Nhưng người làm ăn nước ngoài cũng theo đuổi mục tiêu đó. Tất nhiên, trong điều kiện ai cũng muốn kiếm lời nhiều nhất có thể thì người nào biết nhiều hơn, tinh tường, nhạy bén, lanh lợi hơn sẽ có nhiều lợi thế hơn trong việc hiện thực hóa mục tiêu của mình.
Rốt cuộc, từ chuỗi những chuyện kể trên, phải dũng cảm thừa nhận rằng trong cuộc chơi toàn cầu đầy bẫy rập, không ít vị trí trong nước, cả ở khu vực công và khu vực tư, đã và đang tỏ ra rất non yếu, bị động, dễ bị thuyết phục bởi những lời có cánh, rồi vui vẻ chấp nhận ràng buộc vào những cam kết bất lợi. Việc đăng cai tổ chức ASIAD 18 cũng không loại trừ sẽ rơi vào tình huống đó.
Hơn 80 tỉ đồng đổi 1 HCV
Theo dự liệu của ngành thể thao, chúng ta phấn đấu có khoảng 10-12 HCV ở kỳ đại hội thể thao lớn nhất mà Việt Nam từng đăng cai. Ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao, nhận định: “10-12 HCV là con số chưa lường trước hết tình hình, nếu không muốn nói là lạc quan tếu. Việt Nam giành được 10 HCV ở ASIAD 18 đã là một thành công lớn. Nên nhớ, ở ASIAD 16, chúng ta chỉ có 1 HCV và ở ASIAD 17 sắp tới cũng chỉ mạnh dạn phấn đấu giành 2 HCV. Vậy cơ sở nào để ngành thể thao tin rằng có thể có tới 12 hay 15 HCV sau 5 năm nữa”. Ngành thể thao dự trù cần nguồn kinh phí khoảng 40 triệu USD (hơn 800 tỉ đồng) để đào tạo VĐV và phấn đấu cho mục tiêu huy chương nói trên, tức là Việt Nam sẽ phải bỏ ra hơn 80 tỉ đồng để đổi lấy 1 HCV.
Bình luận (0)