Những ngày này, tại các cơ quan, doanh nghiệp khắp nơi, thông tin về thưởng Tết đang chộn rộn. Trong khi đó, tại các trường học, như ở tỉnh Phú Yên, không khí vẫn trầm lắng. Với cô giáo Lê Thị Quế, người đã có 31 năm giảng dạy ở Trường THPT Trần Phú (huyện Tuy An), bao nhiêu năm qua đã... quen với việc không được thưởng Tết!
Chẳng có năm nào được thưởng
Cô Lê Thị Quế cho biết: Vợ chồng cô đều là giáo viên nên cố tiết kiệm tiền lương từ trước Tết nhưng cũng chỉ mua được vài ký mứt, hạt dưa và một ít thịt. “Cũng may, bạn bè đa số là giáo viên nên cũng rất hiểu và thông cảm cho nhau” - cô Quế trầm giọng.
Ông Trần Hoàng Nam, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Sơn Giang (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên), chia sẻ: “Mình là hiệu trưởng mà không thể hỗ trợ, giúp giáo viên có cái Tết kha khá thì cũng áy náy lắm. Trường ở nơi có điều kiện kinh tế khá giả còn được hội phụ huynh học sinh hỗ trợ người được ký đường, bịch kẹo. Trường của chúng tôi ở miền núi, bà con đều nghèo thì làm gì có” - ông Nam nói.
Còn tại tỉnh Kon Tum, với hơn 11.000 giáo viên các cấp, những năm qua chưa năm nào có thưởng hoặc hỗ trợ tiền Tết. Ông Trần Hữu Thành, Phó Văn phòng Sở GD-ĐT tỉnh Kon Tum, cho biết vào mỗi dịp Tết, lãnh đạo sở lập các đoàn thăm hỏi, chúc Tết cho giáo viên, đồng thời trích quỹ Công đoàn tặng cho mỗi người một xấp vải chứ không có thưởng tiền. Thầy Võ Thanh Duy, giáo viên Trường THPT Nguyễn Trãi (huyện Ngọc Hồi), tâm sự từ trước tới nay chưa năm nào có thưởng, hỗ trợ tiền hay quà cho giáo viên. May mắn hơn, tại Trường Tiểu học Kim Đồng (huyện Đắk Glei), mỗi giáo viên được hỗ trợ... 300.000 đồng. Riêng năm nay thì chưa nghe nói gì.
Ăn Tết bằng gạo, măng rừng do học sinh, phụ huynh tặng
Mỗi cái Tết đến là một lần ngậm ngùi của các thầy cô giáo ở những huyện miền núi tỉnh Quảng Nam. Trong khi lao động ở những ngành khác hồ hởi mua sắm thì giáo viên nơi đây phải chắt bóp tiền lương mới có thể mua ký thịt, vài lọ mứt để đãi khách.
Ông Nguyễn Đình An, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Nam Trà My, cười trừ khi nghe hỏi đến thưởng Tết. “Các trường tự cân đối chi phí, nếu còn thừa thì chia cho anh em giáo viên ăn Tết. Nhưng nói thật, làm gì còn khoản nào mà thừa” - ông An cho biết. Cô Nguyễn Thị Lệ Huyền, giáo viên Trường Tiểu học Trà Vân (huyện Nam Trà My), kể: Cô dạy ở xã Trà Vân đã 3 năm. Từ trung tâm hành chính huyện đến xã phải mất 2 giờ đi xe máy và đi bộ đường rừng. “Xa xôi nên thầy cô giáo ở đây cũng ít về thăm quê. Tết đến, học sinh thương mang gạo, măng rừng đến cho. Thưởng Tết của giáo viên chúng tôi là vậy đó” - cô Huyền ngậm ngùi.
Tây Giang là huyện miền núi xa xôi nhất của tỉnh Quảng Nam. Phần lớn giáo viên ở đây là người từ đồng bằng lên dạy học. Thế nhưng, Tết đến, giáo viên chỉ được thưởng gói mì chính hoặc “sang” hơn là thêm gói trà, mứt. Hết!
Còn tại TP Đà Nẵng, thưởng Tết cho giáo viên cũng “hẻo”. Ông Đặng Hùng, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, nói: “Hầu như trường nào cũng ráng tiết kiệm để cuối năm có thưởng cho giáo viên nhưng ít lắm, chẳng đáng là bao”.
Về tiền thưởng Tết cho giáo viên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận thừa nhận: Bộ GD-ĐT không có nguồn nào để thưởng Tết, ngân sách không được dùng cho việc này. Đây là thực tế và bộ không có giải pháp nào để giải quyết. |
Ăn trước thì khỏi ăn sau Ông Nguyễn Bé, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Khánh Hòa, cho biết trước tình hình khó khăn về kinh tế, tỉnh Khánh Hòa thu ngân sách không đạt, do đó việc tăng tiền thưởng Tết cho cán bộ, viên chức trong tỉnh như năm ngoái sẽ không có. Năm 2012, tỉnh Khánh Hòa tăng thưởng khoảng 30% cho giáo viên, từ 1 triệu đồng lên 1,3 triệu đồng/người. Khả năng năm nay số tiền thưởng Tết này sẽ được giữ nguyên. Nhiều trường cũng linh động cho giáo viên ứng trước tiền lương để ăn Tết. Nhưng “ăn trước thì khỏi ăn sau”, ra Tết các giáo viên sẽ rất vất vả để xoay xở với cuộc sống. |
Bình luận (0)