Ngày 15-1, Nghị định số 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật... sẽ có hiệu lực, thay thế cho Nghị định 121/2013/NĐ-CP.
Vừa nộp phạt, vừa bị tháo dỡ
Theo quy định mới, bổ sung thêm 10 điều và sửa đổi nhiều mức phạt tiền, hình thức xử phạt. Một trong những điểm nổi bật là đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.
Để ngăn chặn tình trạng hợp thức hóa các công trình sai phạm, Nghị định 139 đã bổ sung thêm khái niệm "yêu cầu khắc phục hậu quả". Cụ thể, các công trình không phép, sai phép không còn chuyện nộp phạt để được cấp mới hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng rồi cho tồn tại. Các vi phạm (xây dựng sai phép, không phép đã kết thúc), ngoài việc nộp phạt còn bị buộc phải tháo dỡ phần vi phạm. Trường hợp xây sai phép, không phép đang thực hiện, chủ đầu tư sẽ bị lập biên bản yêu cầu dừng thi công. Trong khoảng thời gian 60 ngày (kể từ ngày lập biên bản) chủ đầu tư phải xin điều chỉnh hoặc cấp mới giấy phép xây dựng. Hết thời hạn mà không xuất trình được giấy phép thì phải tháo dỡ phần vi phạm. Đối với công trình đang xây dựng mà sai chỉ giới xây dựng, cơi nới lấn chiếm sẽ tháo dỡ ngay.
Một công trình xây dựng trên đất nông nghiệp được cho là không phép tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP HCM
Đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, điều 57, khoản 3 Nghị định 139 quy định phạt tiền từ 250-300 triệu đồng đối với một trong các hành vi kinh doanh bất động sản mà bất động sản đó không bảo đảm đầy đủ các điều kiện theo quy định hoặc không được phép đưa vào kinh doanh theo quy định; kinh doanh bất động sản không đúng phạm vi được kinh doanh theo quy định; ủy quyền hoặc giao cho bên tham gia hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết, hợp tác kinh doanh hoặc góp vốn thực hiện ký hợp đồng mua bán, chuyển nhượng hoặc cho thuê bất động sản.
Ngoài phạt tiền, sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động kinh doanh bất động sản đến 12 tháng.
Một điểm đáng lưu ý là đối với chung cư, nếu chủ đầu tư tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung, sử dụng chung hoặc tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần diện tích không phải để ở trong nhà chung cư có mục đích hỗn hợp; tính diện tích căn hộ hoặc phần diện tích khác trong nhà chung cư thuộc sở hữu riêng sai quy định; không bố trí diện tích để làm nhà sinh hoạt cộng đồng theo quy định, sẽ bị phạt 250-300 triệu đồng và yêu cầu khắc phục. Thậm chí, căn hộ đã ở nhưng xảy ra thấm, dột mà chủ đầu tư không chịu hỗ trợ khắc phục cũng bị phạt từ 10-20 triệu đồng. Trường hợp chủ đầu tư không bàn giao, bàn giao chậm, bàn giao không đầy đủ hoặc bàn giao không đúng đối tượng nhận kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư; không tổ chức hội nghị nhà chung cư cũng bị phạt 100-150 triệu đồng.
Tăng cường chế tài
Tại hội nghị triển khai hướng dẫn thực hiện Nghị định 139 của Sở Xây dựng TP HCM tổ chức ngày 11-1, đại diện Thanh tra Bộ Xây dựng cho rằng sắp tới sẽ có thông tư hướng dẫn chi tiết cách thức triển khai nghị định.
Bà Vũ Thị Hường, Phó Phòng Tổng hợp Thanh tra Bộ Xây dựng, đánh giá quy định mới có nhiều chế tài, vừa siết chặt có tính răn đe nhưng cũng có những chi tiết mang tính nhân văn. Điển hình là cho chủ đầu tư thời hạn 60 ngày để hoàn tất thủ tục hồ sơ để khắc phục vi phạm.
Ông Lý Thanh Long, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP, nhận định: "Quy định mới sẽ chấm dứt tình trạng cố tình làm sai, xây liều, xây không phép rồi chấp nhận nộp phạt và gần như chắc chắn được hợp thức hóa cho tồn tại dẫn đến phá vỡ quy hoạch, xem thường pháp luật. Áp dụng Nghị định 139, ai bao che, ai để tồn tại thì sẽ biết ngay và xử lý ngay".
Về việc tập huấn và phổ biến Nghị định 139 tại TP HCM, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, cho biết đã thực hiện. Đến ngày áp dụng, lực lượng thanh tra và các bộ phận chuyên môn ở TP đã có thể triển khai được tốt.
Phạt căn hộ kinh doanh trong chung cư
Một cán bộ thuộc Sở Xây dựng TP HCM cho biết Luật Nhà ở 2014 quy định căn hộ chỉ dùng với mục đích để ở, không được phép kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế tại TP HCM hàng loạt chung cư biến thành nơi kinh doanh.
Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM, còn hơn 1.500 doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng, địa điểm kinh doanh đăng ký trụ sở nằm trong chung cư.
"Sở dĩ mấy năm qua không xử lý được vì không có chế tài nên thanh tra xây dựng không làm gì được. Với sự bổ sung của Nghị định 139 đã có thể xử phạt với những trường hợp này (từ 30-40 triệu đồng)" - vị cán bộ cho hay.
Bình luận (0)