xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Học sinh trải lòng khi bạn đánh nhau

Vy Thư - Hoàng Liên

Dưới cái nhìn của nhiều học sinh, bạo lực học đường (giới hạn quanh đề tài học sinh đánh nhau) có nguyên nhân rất đơn giản và giải pháp để hạn chế, ngăn chặn cũng không quá phức tạp

Chiều 19-3, chúng tôi đã làm một cuộc phỏng vấn “bỏ túi” với một số học sinh THCS ở 3 trường thuộc quận 3 và quận 5, TP HCM. Từ ý kiến của các em, có lẽ những người lớn cũng “ngộ” ra nhiều điều.

Thấy đánh nhau, phải can

Tất cả học sinh được hỏi đều cho biết có quan tâm đến tình trạng bạo lực học đường diễn ra trong thời gian gần đây. Nhiều em hay lên mạng nên trực tiếp xem các clip học sinh đánh nhau, cũng có em nghe bạn bè kể lại. Tuy nhiên, tất cả các em đều có chung nhận xét: “Dã man quá!”, “Mấy bạn đó làm mất đi hình ảnh học sinh”, “Không chấp nhận được”… Đặc biệt, các em lên án những học sinh thấy bạn đánh nhau không vào can ngăn mà còn đứng cổ vũ, “cứ như ở ngoài đường chứ không phải trong trường học”.

“Thấy bạn bị đánh như vậy, chưa biết ai đúng, ai sai thì cũng phải vào can. Nếu không, lỡ bạn bị đánh chết thì sao?” - Gia Huy, học sinh lớp 8, bức xúc. Chúng tôi hỏi: “Con có sợ khi vào can cũng bị đánh luôn không?”. Không ngần ngại, Gia Huy trả lời: “Dạ không. Nếu một mình can không được thì gọi nhiều bạn lại can, cần thiết thì báo thầy cô can thiệp. Bạn bè cùng lớp, đâu phải là kẻ thù mà đối xử như vậy? Tính con hơi nóng. Có mấy lần bị bạn giỡn nhây, tức quá, con nhảy vào đá, đấm. Mấy bạn cùng lớp can, sau đó tụi con nguôi giận, làm hòa với nhau”.

 

Học sinh cần những lúc bên nhau như thế này để thêm gắn bó, hạn chế được bạo lực học đường.  Trong ảnh: Học sinh Trường Dân lập Thanh Bình (quận Tân Bình, TP HCM) Ảnh: TẤN THẠNH
Học sinh cần những lúc bên nhau như thế này để thêm gắn bó, hạn chế được bạo lực học đường. Trong ảnh: Học sinh Trường Dân lập Thanh Bình (quận Tân Bình, TP HCM) Ảnh: TẤN THẠNH

 

Còn Thiện Trung, học sinh lớp 8, kể: “Có lần, con thấy một anh lớp 9 đùa giỡn, đánh mạnh vào tay một em lớp 7. Đau quá, em lớp 7 lượm viên đá ở sân nhảy vô đòi đánh. Tụi con đứng gần đó can nên không có chuyện gì xảy ra. Con nghĩ giữa 2 người có mâu thuẫn, nếu bạn bè giảng hòa, can ngăn thì sẽ không có chuyện đánh nhau”.

Tuy vậy, có một số nữ sinh chọn giải pháp bỏ đi nơi khác, tìm cách bí mật nhắn tin cho thầy cô vì sợ bạn bè biết sẽ tẩy chay hoặc trả thù.

Về nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường, các em cho biết phần lớn xuất phát từ việc giỡn nhây, bị chọc quê hoặc bị ăn hiếp. Cũng có vài trường hợp ghen tuông, nói khích nhau trên mạng hoặc vì chơi game…

Với câu hỏi: “Nếu bị bạn đánh hoặc đe dọa đánh, con sẽ làm gì?”, đa số các em đều cho biết chuyện nhỏ thì tự giải quyết, nếu thấy phức tạp thì báo thầy cô, cha mẹ.

Muốn được trang bị kiến thức pháp luật

“Con thấy nếu đánh bạn dã man như trong clip ở Trà Vinh thì nên đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đuổi học vì có hạ hạnh kiểm hay cảnh cáo trước trường, mấy bạn đó cũng không biết sợ” - Kim Ngân, học sinh lớp 8, kiên quyết.

Đây cũng là ý kiến của phần lớn học sinh ở 3 trường THCS khi được hỏi đến. Tuy nhiên, không ít học sinh băn khoăn với biện pháp này. Kim Anh, học sinh lớp 9, bày tỏ: “Nếu đuổi học, lớn lên các bạn đó sẽ làm gì? Con nghĩ mời học sinh vi phạm lên hội đồng kỷ luật - có cả phụ huynh và các thầy cô, sau đó bắt lao động công ích. Đa số các bạn đánh nhau vì tức giận nhất thời, bị phạt vậy cũng hối hận rồi”.

Bàn về giải pháp hạn chế bạo lực học đường, các em có chung ý kiến cần tuyên truyền, giáo dục về pháp luật để học sinh biết cái sai mà tránh. “Con coi tivi, báo mạng thì biết đánh nhau sẽ bị phạt tù nhưng ở trường không dạy cho tụi con biết điều đó. Con cũng không biết ở tuổi tụi con, phạm tội nào thì bị bắt. Nếu được tham dự một phiên tòa, con nghĩ các bạn cũng như con sẽ biết sợ” - Văn Thành, học sinh lớp 9, cho biết.

Cũng có nhiều học sinh đề nghị đưa kiến thức pháp luật, kỹ năng ứng xử vào môn giáo dục công dân nhưng “nên dạy từ tiểu học vì lên cấp 2, 3 mới dạy thì trễ. Học sinh có nhiều môn để học nên ít quan tâm đến môn phụ, khi nào kiểm tra thì học bài, xong là quên”.

“Thỉnh thoảng, trường con có mời chuyên gia tâm lý đến nói chuyện về trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội; tình cảm gia đình… Cuộc nói chuyện diễn ra trong 2 giờ nhưng tụi con không thấy chán. Con mong có nhiều buổi như thế vì rất bổ ích. Con cũng mong giờ sinh hoạt chủ nhiệm, ngoài việc kiểm điểm những việc đã làm trong tuần, phê bình học sinh chưa ngoan…, thầy cô nên dành thời gian trò chuyện, tâm sự hoặc kể những gương vượt khó… để học sinh và thầy cô gắn bó, tin tưởng nhau” - Xuân Mai, học sinh lớp 8, đề đạt biện pháp hạn chế bạo lực học đường.

 

Lỗi thuộc về người lớn

Sau khi Báo Người Lao Động mở diễn đàn: “Bạo lực học đường: Lỗi tại ai?”, đã có hàng chục ý kiến bạn đọc gửi về tòa soạn. Hầu hết đều cho rằng để xảy ra vấn nạn này, lỗi thuộc về người lớn.

Bạn đọc Trần Thụ nhận xét: “Gia đình, nhà trường, xã hội đều tham gia giáo dục học sinh. Vì vậy, khi các em phạm sai lầm đều do những yếu tố trên”.

Nhấn mạnh đến vai trò của gia đình, bạn đọc Lưu Kiến Bình bày tỏ: “Nhiều ông bố, bà mẹ chỉ mới nghe con nói có bạn muốn gây sự thì đã xông vào trường chửi bới, thậm chí hành hung bạn của con mà không cần biết lỗi do ai”.

Đồng quan điểm, bạn đọc Mai Đình Trung băn khoăn: “Nhà trường phối hợp với phụ huynh nhưng phụ huynh bao che, không dạy con thì nhà trường cũng bó tay”.

Bàn về cách xử lý học sinh đánh nhau, bạn đọc Văn Thơ quyết liệt: “Phải xử lý đúng pháp luật. Biện pháp đuổi học 1 tuần hay 1 tháng không phải là cách duy nhất”.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo