xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Huế nỗ lực cứu nhà cổ

Bài và ảnh: Quang Nhật

Nhiều nhà rường, nhà vườn có giá trị văn hóa lớn đã được cấp kinh phí tu bổ. Nỗ lực cứu các ngôi nhà cổ đang được triển khai nhiều nơi ở Huế

Làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) được công nhận là Di tích quốc gia vào năm 2009, là ngôi làng Đường Lâm thứ hai với 30 ngôi nhà cổ gần 200 năm, hệ thống nhà rường là hồn cốt của ngôi làng này.

Nhà cổ Phước Tích được cứu

Trải qua thời gian và chiến tranh, những ngôi nhà cổ ở đây bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Hệ thống mái kèo, đòn tay, rui mè và vách tường của nhiều ngôi nhà bị đổ nát. Nhà cổ đã được xếp hạng di sản quốc gia, người dân không được tự ý trùng tu, sửa chữa nên mùa mưa bão thì chịu cảnh dột nát, lo lắng nhà sụp đổ; mùa nóng, nắng chiếu thẳng vào nhà, nóng bức.

Từ sau khi có quyết định của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về việc thẩm định hồ sơ tu bổ đình, miếu Thế Lại Thượng, đình Quy Lai và các hạng mục thuộc làng cổ Phước Tích, chính quyền địa phương đã nhanh chóng bắt tay vào việc để sớm cứu nhà cổ.

Những ngày này, làng Phước Tích rộn ràng tiếng đục đẽo, tiếng bào gỗ của nhóm thợ hạ giải và phục dựng nhà rường. Gia đình ông Lương Thanh Phong là một trong những hộ may mắn được hỗ trợ kinh phí tu bổ nhà đợt đầu tiên. Căn nhà của ông Phong đã được truyền qua 5 đời con cháu, ngót 200 năm nên đã xuống cấp nghiêm trọng. "Cuối cùng, căn nhà cũng được cứu. Gia đình tôi không còn loay hoay vá víu khi mưa bão mà còn có thể bảo tồn cho con cháu mai sau" - ông Phong vui mừng cho biết.

Tương tự, ngôi nhà rường hơn 150 năm tuổi của bà Lê Thị Hoa bị xuống cấp nghiêm trọng, phải mua tôn về nhờ người lợp lại để sống tạm, nay cũng đã được chính quyền hỗ trợ để làm lại.

Theo ông Trần Văn Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hòa, nhiều ngôi nhà rường của làng cổ Phước Tích xuống cấp nặng, người dân không dám ở. "Người dân rất có ý thức trong việc bảo tồn giá trị các ngôi nhà. Giờ đây, tùy theo cấp độ hư hỏng mà căn nhà sẽ được cấp số vốn hỗ trợ phù hợp. Đó là cách làm rất cấp thiết để cứu làng cổ Phước Tích" - ông Nguyên nói.

Huế nỗ lực cứu nhà cổ - Ảnh 1.

Một căn nhà rường ở làng cổ Phước Tích đang được hạ giải để tu bổ

Bảo tồn văn hóa, thu hút du lịch

Trong khi đó, UBND TP Huế đang khẩn trương thực hiện đề án Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế. Đến nay, có 3 nhà vườn đã được tiến hành tu bổ, tôn tạo với kinh phí gần 2 tỉ đồng.

Căn nhà vườn của ông Hồ Xuân Doanh (phường Thủy Biều, TP Huế) được hỗ trợ kinh phí trên 660 triệu đồng, đến nay đã cơ bản hoàn thành, chuẩn bị nghiệm thu và bàn giao công trình đưa vào sử dụng. Đối với phủ thờ Công chúa Ngọc Sơn (đường Nguyễn Chí Thanh), kinh phí trùng tu trên 620 triệu đồng, sau hơn 2 tháng khởi công, đơn vị thi công đã tháo dỡ phần cửa bị hư hỏng để thay mới, tiến hành tô quét, hạ giải lớp nền láng vữa xi măng đã bị phong hóa, rải cát trộn thuốc chống mối nền, đổ bê tông nền.

Ông Trần Song, Phó Chủ tịch UBND TP Huế, cho biết trong 6 tháng cuối năm 2017, dự kiến có thêm 4 nhà vườn sẽ được trùng tu, trong đó có phủ thờ Diên Khánh Vương (đường Nguyễn Sinh Cung). Đây là một phức hệ trong hệ thống phủ đệ triều Nguyễn, được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Theo đề án, công trình này thuộc nhà vườn loại 2, tổng mức kinh phí hỗ trợ tối đa là 500 triệu đồng.

"Qua khảo sát thực tế hiện trạng của phủ thờ, đơn vị tư vấn tiến hành lập dự toán các hạng mục trùng tu, sửa chữa với tổng mức đầu tư toàn dự án trên 1,7 tỉ đồng, trong đó chi phí xây dựng gần 1,5 tỉ đồng, vượt quá mức hỗ trợ theo đề án. Vì vậy, chúng tôi đã đề nghị đại diện hội đồng gia tộc của phủ thờ vận động các thành viên trong phủ đóng góp kinh phí để tham gia đối ứng vốn" - ông Song thông tin thêm.

Theo đề án Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế, có tổng cộng 14 căn nhà vườn sẽ được hỗ trợ thực hiện trong giai đoạn đầu. Qua quá trình triển khai, UBND TP Huế cho biết vẫn còn nhiều vướng mắc như vấn đề sở hữu, đồng thừa kế nên một số người đang sống ở nhà vườn không có quyền quyết định mà đòi hỏi phải được sự thống nhất của hội đồng gia tộc. Bên cạnh đó, việc xác định giá trị các hạng mục cần tu bổ gặp nhiều khó khăn do tính chất đặc thù của các công trình, kiến trúc nhà vườn. Do đó, trong quá trình thực hiện, tổng kinh phí trùng tu có thể lớn hơn giá trị hỗ trợ đã được phê duyệt, yêu cầu các chủ nhà vườn phải có vốn đối ứng.

Việc cứu nhà vườn một mặt nhằm bảo tồn giá trị văn hóa, kiến trúc nhưng mặt khác là phát huy để thu hút du lịch. Ông Trần Song đề nghị sau khi hoàn thành tu bổ, rất mong muốn các cơ quan chức năng hỗ trợ trong công tác kêu gọi xúc tiến đầu tư, phát triển các mô hình du lịch, dịch vụ gắn với nhà vườn. 

Cần có chính sách mở

Theo quy định của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong quá trình thực hiện mô hình du lịch, nhà vườn phải được cơ quan chức năng phê duyệt quy hoạch tổng thể mặt bằng. Nếu diện tích đất ở không bảo đảm để thực hiện mô hình homestay, chủ nhà vườn phải chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở. Điều này khó thực hiện vì đại đa số các nhà vườn tham gia đề án chỉ là đồng thừa kế hoặc được ủy quyền chăm sóc ngôi nhà chứ không có quyền quyết định trong vấn đề thủ tục, giấy tờ… Vì vậy, cần có chính sách mở đối với các nhà vườn khi đăng ký mô hình du lịch nhà vườn.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo