Thời gian gần đây, Báo Người Lao Động liên tục nhận được đơn thư của nhiều người khiếu nại về việc cho người khác vay tiền để làm ăn. Sau đó, bên vay không trả hoặc trả nhỏ giọt khiến người cho vay lâm vào cảnh khốn khó. “Do quen biết, tôi đã cho một đồng nghiệp vay tiền nhưng sau đó, người này không trả. Tôi kiện người này ra tòa và đã được tuyên thắng kiện. Tuy vậy, đã nhiều năm trôi qua, tôi vẫn chưa đòi lại được tiền của mình” - ông H.N.M (ngụ quận 8, TP HCM) trình bày.
Trả nhỏ giọt rồi “xù”
Ông M. và ông H. làm chung bộ phận trong một công ty kinh doanh xe máy ở quận 3, TP HCM. Trong thời gian làm việc chung, ông M. thường tới nhà ông H. chơi. Mỗi lần như thế, H. đều tâm sự với ông M. là đang thiếu vốn làm ăn và mong được vay tiền.
Sau khi vay được tiền, thời gian đầu, ông H. trả nợ đúng hạn. Càng về sau, việc trả tiền của ông H. càng chậm trễ và cuối cùng là “xù”. Bức xúc trước việc thất hứa của H., ông M. đã kiện ông này ra tòa. Tòa án tuyên buộc ông H. phải trả cho ông M. tổng cộng 300 triệu đồng cả gốc lẫn lãi. Đến thời điểm thi hành án (THA) thì ông H. rời khỏi địa phương. Đến nay, ông M. vẫn chưa tìm ra tung tích ông H.
May mắn hơn ông M., với trường hợp của bà Huỳnh Ngọc Nhung (ngụ quận 10, TP HCM), người vay tiền vẫn ở tại địa phương nhưng chỉ trả nhỏ giọt. Trong năm 2012 và 2013, bà Nhung đã cho bà Nguyễn Thị Tuyết Hồng (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) mượn tổng cộng 500 triệu đồng. Do bà Hồng chậm trả tiền nên bà Nhung đã nhiều lần điện thoại, đến tận nhà đòi nhưng chỉ nhận được lời hứa. Mới đây, vào tháng 2-2014, bà Hồng cam kết sẽ trả tiền nhưng chỉ trả 2 triệu đồng/tháng.
“Tôi cho mượn số tiền lớn nhưng chỉ nhận được tiền trả nhỏ giọt. Hiện tôi rất khó khăn, cần tiền để làm ăn. Mong các cơ quan chức năng can thiệp” - bà Nhung tâm sự.
Oái ăm hơn, ông Nguyễn Quang Minh (ngụ quận 11, TP HCM) đã đứng ra vay giùm 100 triệu đồng cho Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ Nam Bảo Sơn (quận Tân Phú, TP HCM) để mua đồng phục, dụng cụ hỗ trợ. Theo cam kết, hằng tháng, công ty sẽ trả cho ông Minh 5 triệu đồng tiền lãi. Tuy nhiên, việc trả nợ chỉ được thực hiện trong 6 tháng, sau đó công ty im bặt. Đến tháng 5-2014, ông Minh tìm đến trụ sở Nam Bảo Sơn mới phát hiện công ty đã trả mặt bằng, chẳng biết dọn đi đâu...
Có thể xem xét trách nhiệm hình sự
Luật sư Cao Thế Luận, Giám đốc Công ty Luật TNHH Kao Kiến, cho rằng với trường hợp bà Nhung và ông Minh, nếu bên vay cố tình không thực hiện nghĩa vụ trả tiền sau khi thương lượng không thành thì bên cho vay có thể tiến hành kiện ra tòa. Song song đó, người cho vay cần trình báo với cơ quan công an nơi bên vay cư trú để cơ quan này xem xét trách nhiệm hình sự khi có dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm hoặc lừa đảo.
Riêng trường hợp ông M. là tình trạng chung của nhiều người “thắng kiện trên giấy”. Bởi lẽ, theo quy định của pháp luật THA dân sự hiện hành thì người được THA (ông M.) trước tiên phải có nghĩa vụ xác minh tài sản, điều kiện của người phải THA (ông H.). Việc ông H. bỏ đi khỏi địa phương ngay thời điểm THA chưa cấu thành hành vi vi phạm pháp luật nên cả công an lẫn cơ quan THA dân sự không thể xử lý.
Luật sư Luận cho biết tới đây, khi pháp luật THA dân sự sửa đổi theo hướng cơ quan THA dân sự phải có trách nhiệm xác minh điều kiện của người phải THA thì cơ quan THA dân sự sẽ tự truy tìm tài sản của ông H. để cưỡng chế thi hành.
Gây ức chế với bên cho vay
Theo luật sư Cao Thế Luận, tình trạng vay rồi không trả hoặc vay nhiều tiền nhưng trả nhỏ giọt là khá phổ biến. Bên vay đã lợi dụng các kẽ hở của pháp luật trong việc áp dụng chế tài xử lý quan hệ dân sự để gây ức chế đối với bên cho vay trong việc trả nợ.
Bên cạnh đó, việc quản lý, xác minh tài sản của công dân chưa được chặt chẽ, minh bạch, dẫn đến nhiều hệ lụy. Chẳng hạn, con nợ sau thời gian tuyên bố phá sản thì nhởn nhơ ở nhà lầu, đi xe hơi; còn chủ nợ thì bị ngân hàng xiết nợ, bán nhà đi ở thuê. Cầm bản án trên tay nhưng chủ nợ không thể buộc con nợ trả tiền vì nhà lầu, xe hơi không do bên vay đứng tên. Cơ quan THA dân sự thì không đủ cơ sở chứng minh nguồn gốc hoặc chủ thật sự của các tài sản này...
Bình luận (0)