Từ năm 2009 đến nay EVN đã 7 lần tăng giá điện. Ai nghe thông tin này cũng “sốc”. Hãy thử nhìn lại những năm qua thu nhập bình quân của người dân tăng được bao nhiêu mà phải gánh “lỗ” dùm cho EVN. Ngặt nỗi mỗi lần điện tăng giá thì các mặt hàng thiết yếu khác cũng phải tăng theo. Điện thì độc quyền, không muốn dùng cũng không được. Nói cách khác khi EVN bảo tăng giá điện thì người dân chỉ còn biết chấp nhận, dù rất khổ.
Bạn đọc tên Hoàng, dẫn chứng: Những tưởng câu nói thời bao cấp "đặc quyền đặc lợi" đã đi vào dĩ vãng, nào ngờ sau gầm 30 năm nó lại được EVN “xài” lại. Vụ này đúng là có thiệt 100% bởi gần chỗ nhà tôi ở mấy năm trước EVN đã xây dựng mấy khu biệt thự rất đặc trưng, hình khối vuông hai tầng hoành tráng để cho cán bộ quản lý xây dựng nhà máy thủy điện xài miễn phí. Những “đặc quyền đặc lợi” này diễn ra từ lâu, hết năm này đến năm khác và hiển hiện trước mắt mọi người nhưng mọi việc vẫn đâu vào đó. Ngay cả khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc nhưng lãnh đạo doanh nghiệp này vẫn bác bỏ.
Bức xúc hơn, bạn đọc Nguyên Trí bày tỏ: “Xin hỏi mấy ông là ai!? Lấy tiền của dân, của nước đi đầu tư lung tung không đúng chức năng ngành nghề... Có lãi thì EVN hưởng, còn lỗ thì người dân phải gánh chịu. Mấy ông là ai vậy?”. Nhiều bạn đọc khác thắc mắc: Ai cũng biết nguyên nhân vì sao EVN liên tục bị lỗ, nhưng hay ở chỗ EVN luôn xin được "giấy phép" tăng giá điện từ Bộ Công Thương.
Tự tung tự tác
Chỉ trong 2 năm 2010 - 2011 EVN lỗ tổng cộng 12.000 tỉ đồng. Con số này thật khủng khiếp và gây bức xúc cho bất cứ ai hiểu về cơ chế đặc thù “ưu ái” cho ngành điện trong những năm qua. Đến nay có thể nói cơ sở vật chất của EVN thuộc diện hoành tráng nhất trong các doanh nghiệp nhà nước. Tỉnh, thành nào cũng có cơ ngơi đồ sộ, những khu du lịch lớn nào cũng có cơ sở của ngành điện. Thế nhưng năm nào ngành này cũng “hù” là thiếu điện, giá thành sản xuất cao và đề nghị tăng giá.
Trước thông tin EVN “gánh” lỗ thay cho các ngành xi măng, sắt thép... đến 2.100 tỉ đồng thông qua giá bán điện rẻ hơn giá bình quân, nhiều bạn đọc ngao ngán cho cách làm tùy tiện này. Những ngành trên, khi thị trường nhà đất, xây dựng còn “nóng” họ cũng tăng giá bán sản phẩm vô tội vạ, lãi ngập hầu bao nhưng có chi cho xã hội đồng nào đâu mà khi lỗ thì EVN “hào khí” gánh dùm. Trong câu chuyện này có gì đó không ổn mà chính EVN cũng không giải thích rõ ràng.
“Những biệt thự, sân tennis, bể bơi... thì chỉ phục vụ cho các “sếp” ăn chơi chứ quản lý vận hành cái gì. Đây là hậu quả của việc buông lỏng quản lý, không trị đến nơi đến chốn những căn bệnh trầm kha của ngành điện trong những năm qua” - bạn đọc Thành Trung nói rõ.
Nhiều bạn đọc nói thẳng: nếu doanh nghiệp này lãi lớn, đóng góp cho xã hội nhiều (nhất là qua số tiền nộp ngân sách) thì cứ mua sắm, thưởng nóng thoải mái. Chứ “lỗ sặc máu” như thế này mà còn “vung vít” rồi bắt người dân gánh thì phải xử cho thật nghiêm để triệt tiêu kiểu kinh doanh “ông trời con” này. Sắm khơi khơi biệt thự, hồ bơi... mất đến 600 tỉ đồng rồi lấy tiền của người dân bù vào thì đùng là “cha thiên hạ”, sức dân sao kham nổi.
È cổ đóng tiền
“Mỗi tháng tôi đóng 400.000 đồng tiền điện và nay mới biết được một phần trong số đó dùng xây biệt thự, bể bơi, sân tennis... cho mấy “quan” ngành điện thì oan quá. Mấy chục triệu con người phải è cổ mua điện giá cao bù lỗ cho các quan vung vít tiền bạc thì còn gì phi lý bằng” - bạn đọc Hồ Tấn Hoàng. “Giảm giá điện cho người dân ngay lập tức. Người dân không có trách nhiệm phải trả khoản tiền tỉ đó thay EVN” - bạn đọc Nguyễn Cao Sơn. “Sao lãnh đạo EVN làm ăn như thế mà chẳng thấy các ngành hữu quan vào cuộc kiểm điểm hoặc cách chức một vài vị cho dân nhờ” - bạn đọc Hai Lúa Miền Tây.
|
Bình luận (0)