“Chết đứng” vì bị nợ
Ông Nguyễn Thanh Huỳnh (ngụ phường Ngã Bảy, thị xã Ngã Bảy) kể: “Ngày 10-9-2012, ông Tư Xưa - đại diện cho Công ty An Phương - mua của tôi hơn 72 tấn cá tra với tổng số tiền hơn 1,6 tỉ đồng. Theo hợp đồng, công ty trả trước 30%, còn lại chia làm 3 lần trả và dứt điểm vào ngày 20-2-2013. Nhưng thực tế, ngoài khoản đặt cọc 50 triệu đồng, công ty không trả thêm cho tôi xu nào nữa”.
Ông Lê Vũ Lâm (ngụ xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy) cũng lâm vào hoàn cảnh như vậy. Ông Lâm đã 2 lần bán cá cho Công ty An Phương. Lần đầu, công ty trả tiền ngay sau khi bắt cá nhưng lần mua thứ hai với tổng số tiền gần 800 triệu đồng thì công ty chỉ ứng trước 50 triệu đồng rồi quỵt.
Theo ông Huỳnh, vào thời điểm Công ty An Phương mua cá, giá cao hơn thị trường khoảng 500 đồng/kg. Sau khi ký hợp đồng bắt cá, Công ty An Phương đã bán lại cho người khác nhưng không trả tiền cho những người nuôi. Ông Huỳnh quả quyết: “Tôi thấy hành vi này là lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng tôi và gia đình không làm gì được. Trong khi nuôi cá tra cần vốn lớn, tôi đã đi vay ngân hàng 2 tỉ đồng, thế chấp nhà và đất. Giờ không có tiền trả lãi, ngân hàng sắp phát mãi tài sản”.
Ngoài 2 hộ dân nêu trên bị chiếm dụng vốn, hàng loạt hộ nuôi cá tra ở ĐBSCL cũng đang điêu đứng vì bị nhiều công ty thủy sản mua cá nhưng không trả tiền. Họ đang mang nợ vì không còn tiền tái đầu tư. Ông Nguyễn Văn Kịch, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cho biết: “Có công ty đang sập tiệm mà cũng đi mua cá, thậm chí mua giá cao hơn thị trường, rồi lại đem đi bán lỗ, không trả tiền cho người dân”.
Thiệt hại 300-400 triệu USD/năm
Theo ông Nguyễn Văn Kịch, nguyên nhân khiến ngành nuôi cá tra tuột dốc như hiện nay là do cá tra bị khủng hoảng thừa. Nhiều năm trước, đây là ngành mang lại lợi nhuận rất lớn nên nhà nào cũng nuôi nhưng mạnh ai nấy làm. Nhà máy thi nhau mọc lên, sản lượng cá tra tăng đột biến nhưng chất lượng không đồng đều. “Hậu quả của việc này làm mỗi năm Việt Nam mất từ 300-400 triệu USD vì không kiểm soát, quản lý được giá xuất khẩu cá tra” - ông Kịch nhìn nhận.
Theo ông Dương Nghĩa Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, giá bán cá tra nguyên liệu liên tục thấp hơn giá thành sản xuất khiến người nuôi bị thua lỗ trong thời gian dài, do vậy việc giảm sản lượng là rất cấp thiết.
Công an đã vào cuộc Trước tình hình trên, ông Nguyễn Thanh Huỳnh và Lê Vũ Lâm cùng một hộ nuôi cá tra khác đã gửi đơn đến Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) - Công an tỉnh Hậu Giang tố cáo hành vi lừa đảo của Công ty An Phương. Chiều 2-10, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, điều tra viên của Phòng PC46 Công an tỉnh Hậu Giang cho biết đã nhận được đơn của những hộ dân nói trên, hiện vẫn đang trong quá trình xác minh. |
Bình luận (0)