Trong phiên tòa xét xử đại án OceanBank mới đây, ông Nguyễn Xuân Sơn, cựu Tổng Giám đốc OceanBank, khai đã chi để "chăm sóc", quà "tình nghĩa" cho các cá nhân, tổ chức khoảng 315 tỉ đồng. Bị cáo mong những ai đã nhận tiền chăm sóc từ bị cáo và các bị cáo khác hãy bình tâm suy nghĩ thấu đáo để trả lại tiền, để tâm hồn được thanh thản và hưởng lượng khoan hồng của pháp luật.
Kết thúc phiên xử chưa hẳn kết thúc vụ án
"Lời kêu gọi" này gây nhiều tranh luận, trong đó nhiều ý kiến cho rằng không ai dại gì trả lại tiền được "biếu, tặng" để tự nhận mình đã nhận hối lộ. Dẫu vậy, qua vụ việc này, có nhiều điều để suy ngẫm.
Thật sự nạn tham nhũng không phải chỉ xảy ra ở cá biệt một số nước mà hầu như nó xảy ra tất cả các nước, chỉ khác là ít hay nhiều.
Trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng và nhà nước ta những năm qua đã có những thắng lợi to lớn, phần nào khôi phục lại lòng tin của nhân dân. "Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy!". Câu nói thể hiện sự quyết tâm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng như một chất xúc tác, tăng thêm sức mạnh cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong cuộc chiến chống "giặc tham".
Điển hình gần nhất là nhiều đại án tham nhũng đã bị phá, như vụ án OceanBank. Số tiền các bị cáo tham ô, tham nhũng lên đến ngàn tỉ đồng, nợ xấu lên tới 15.000 tỉ đồng, chiếm khoảng 50% tổng dư nợ toàn hệ thống. Thiệt hại xảy ra là quá lớn và thời gian các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội quá dài, cho thấy nếu không có "những bàn tay thép", không có sự quyết tâm cao, không có những cái "lò đã nóng" thì chắc chắn hậu quả sẽ còn khủng khiếp hơn gấp nhiều lần nữa.
Dẫn giải bị cáo Nguyễn Xuân Sơn Ảnh: Nguyễn Hưởng
Nhiều cách ngăn chặn tham nhũng
Theo dõi phiên xét xử, điều dư luận quan tâm ngoài việc xử đúng người, đúng tội còn là việc có thu hồi được số tiền mà các bị cáo đã tham nhũng hay không? Thực tiễn xét xử cho thấy rất khó để thu hồi tiền tham nhũng vì các bị cáo khi thực hiện hành vi tội phạm luôn nghĩ cách đối phó chuyển hóa tiền phạm tội để xóa vết tích. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều cách để chứng minh và thu hồi tiền tham nhũng. Qua lời khai, các bị cáo đã hối lộ một số tiền cực lớn cho một số quan chức để "bôi trơn" hoặc chấp nhận một số thỏa thuận để các bị cáo dễ dàng thực hiện hành vi phạm tội. Chắc chắn một điều danh sách các "ẩn số" đó đã được cơ quan điều tra thu thập, làm rõ. Kết thúc phiên xét xử chưa hẳn là kết thúc vụ án mà nhiều khi "án nằm trong án", nghĩa là qua xét xử phát hiện thêm nhiều cá nhân, tổ chức phạm tội khác nữa, đặc biệt là đối với các loại án tham nhũng thường kèm theo "hậu vụ án".
Vấn đề đặt ra là làm sao để có thể chống lại nạn tham nhũng một cách hữu hiệu nhất. Về luật pháp, chúng ta đã có một hệ thống luật pháp ổn định. Tuy nhiên, về cơ chế quản lý, đâu đó còn nhiều chỗ hở để một bộ phận cán bộ thoái hóa, biến chất có cơ hội tham nhũng. Cái đáng quan tâm nhất là làm sao phải loại trừ triệt để "lợi ích nhóm", nhất là "không có vùng cấm" đối với tất cả các lĩnh vực, tạo cơ chế kiểm soát chéo thật chặt chẽ để "lợi ích nhóm" không có đất dung thân.
Việc kê khai tài sản hiện nay cũng đang là một vấn đề được quan tâm. Nhiều cán bộ về hưu rồi mới bị phát hiện có những tài sản "khủng" trong khi đồng lương không thể mua được dù có "cày sâu, cuốc bẫm" hay "vay ngân hàng"… Do đó, cần phải thực hiện việc rà soát một cách nghiêm túc về việc kê khai tài sản của đảng viên, cán bộ, công chức.
Cuối cùng, vẫn là công tác tuyên truyền cho toàn dân cùng tham gia chống tham nhũng thông qua việc nói không với đưa hối lộ. Ngoài ra, cần lập ra một cơ quan "liêm chính" chuyên điều tra, nhận đơn tố cáo của người dân, tổ chức về những hành vi nhũng nhiễu của các cán bộ - công chức như nhiều nước đã thực hiện; lập đường dây nóng dán tại các cơ quan công quyền để người dân có thể phản ảnh ngay tức thời…
Cần điều chỉnh pháp luật theo hướng nghiêm khắc hơn đối với người đưa hối lộ.
Bình luận (0)