Ngày 6-12, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã tổng kết công tác quản lý và hỗ trợ thay thế xe thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông theo quy định tại Nghị quyết 32/2007 về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông của Chính phủ. Hàng loạt bất cập đã được chỉ ra.
Cấm thì mặc cấm...
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết Nghị quyết 32 đã quy định “từ ngày 1-1-2008 đình chỉ lưu hành xe công nông, xe 3-4 bánh tự chế. Trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị tịch thu bán phế liệu, sung vào công quỹ”. Ngoài ra, từ năm 2009 đến nay, xe 3 bánh tự chế không được kiểm tra để đăng ký biển số tham gia giao thông. Xe ba bánh dùng cho người tàn tật, lắp ráp mới phải tuân thủ kiểm tra chất lượng trong sản xuất lắp ráp, nhập khẩu theo quy định.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng các loại xe công nông, xe lôi máy, xe thô sơ 3-4 bánh… đã góp phần đáng kể trong việc vận chuyển người, hàng hóa ở các khu vực đô thị và vùng nông thôn, miền núi, nhưng do công nghệ lạc hậu, chất lượng kém, chưa được kiểm định định kỳ và người điều khiển chưa có giấy phép nên làm cản trở giao thông và gây ra nhiều tai nạn nghiêm trọng.
Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, một số đơn vị đã cung cấp các loại xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ để thay thế xe bị đình chỉ tham gia giao thông nhưng loại phương tiện này chỉ đáp ứng tốt hơn về mặt an toàn khi tham gia giao thông, còn mức độ phù hợp, tính cơ động và tiện dụng của loại phương tiện này chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân địa phương.
Giải pháp không đồng bộ
Ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng, cho biết địa phương này quy định các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện có trách nhiệm thực hiện chủ trương loại bỏ xe công nông, xe lôi máy và xe 3-4 bánh tự chế. Chủ tịch quận, huyện và giám đốc các sở chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND TP nếu việc triển khai sai sót, không đúng tiến độ hoặc để xảy ra các hiện tượng tiêu cực trong quá trình thực hiện. “Điều này giúp các loại xe trên bị loại bỏ hoàn toàn trên địa bàn Đà Nẵng” - ông Dũng nói.
Trong khi đó, đại diện Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk thừa nhận địa phương này đang có trên 50.000 máy kéo nhỏ (máy cày càng) phục vụ cho việc vận chuyển, chăm sóc cây nông nghiệp, công nghiệp, tham gia giao thông. Đây là phương tiện cơ giới chủ lực đối với người làm nông nghiệp ở Tây Nguyên. Thời gian qua có nhiều doanh nghiệp kinh doanh muốn đưa ô tô tải nhỏ thay thế nhưng không thành công do không đáp ứng được tính năng cũng như không phù hợp với địa hình Tây Nguyên”- đại diện Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk cho biết.
Cũng theo đại diện Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk, công tác hỗ trợ cho người có phương tiện dừng hoạt động đang gặp khó khăn khi việc tạm ứng, hỗ trợ cho 10 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh phải cần tới trên 10 tỉ đồng nhưng chỉ quyết toán được khoảng 2 tỉ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do thủ tục, hồ sơ không đầy đủ hoặc không có và đến nay công tác hỗ trợ đã tạm dừng.
Kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo giải quyết Bộ GTVT cho biết sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu đưa ra loại phương tiện đáp ứng yêu cầu về an toàn giao thông nhưng phải phù hợp với thực tế nhu cầu của người dân. Cụ thể là loại phương tiện thay thế cho xe công nông tại các tỉnh phía Bắc và Tây Nguyên; thay thế xe lôi, xe ba bánh tại các tỉnh đồng bằng, đặc biệt tại khu vực ĐBSCL. Trước ngày 1-4-2014, Bộ Tài chính phải xây dựng đề xuất cơ chế ưu đãi chuyển đổi phương tiện đối với đối tượng là các hộ gia đình thương binh đang sử dụng các loại xe thuộc diện bị cấm lưu hành để chuyển sang loại phương tiện 4 bánh có gắn động cơ. |
Bình luận (0)