Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) vừa được cơ quan soạn thảo là Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến. Đáng chú ý, “mại dâm” đã được dự luật xếp vào danh mục các ngành nghề bị cấm kinh doanh. Xung quanh vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng xã hội đã nhìn nhận đây là một nghề tồn tại trong đời sống thì có nên chấp nhận hoạt động này được công khai để quản lý tốt hơn?
Nên xếp vào loại kinh doanh có điều kiện
PGS-TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội - Viện Xã hội học, cho biết hiện nay có quan điểm kiên quyết tẩy trừ mại dâm, đặt mại dâm ra ngoài vòng pháp luật nhằm giữ gìn trật tự xã hội. Nếu xem mại dâm là một nghề ngay thời điểm này thì sẽ vấp phải sự phản đối hoặc “nhẹ nhàng” hơn là những ý kiến đòi hỏi phải có trường đào tạo, phải có nơi chăm sóc, bảo vệ… người hành nghề mại dâm. Tuy nhiên, cũng theo ông Bình, những ý kiến phản đối đã không tính đến thực tế đang tồn tại một thị trường tình dục. Đối tượng tham gia thị trường tình dục này có loại hình bán dâm. Mặt khác, bán dâm thường được nói là một nghề cổ xưa, tồn tại trong suốt chiều dài lịch sử loài người dù ở bất cứ nơi nào, không phụ thuộc vào sự phát triển hay kém phát triển của xã hội. “Tạm thời, chúng ta chưa thể thừa nhận mại dâm là một nghề như ở Úc, Hà Lan, Đức… thì chúng ta có thể chọn cách quản lý mại dâm kiểu như Trung Quốc, Thái Lan là chấp nhận hoạt động này và quản lý rất chặt, làm cho mại dâm không phá hỏng nền tảng đạo đức xã hội, không đe dọa thể chất và tinh thần của xã hội, không làm lây lan, truyền dịch bệnh qua đường tình dục” - ông Bình nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho rằng dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) quy định “cấm kinh doanh mại dâm” thì mặc nhiên đã xem mại dâm là một nghề. “Và đã thừa nhận có nghề này trong xã hội rồi thì việc cấm có khả thi không? Có chắc là cấm được hoàn toàn không?” - TS Doanh đặt vấn đề. “Tôi cho rằng nên xếp mại dâm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện khi mà chúng ta đã hợp pháp hóa casino, gá bạc. Còn thời điểm nào cho phép hoạt động công khai chỉ là vấn đề thời gian vì sự thật ngành nghề này, theo cơ quan chức năng, là có nhiều người tham gia cả bên “mua” và “bán”. Thậm chí, có không ít đối tượng trục lợi, làm giàu từ đó. Đáng ngại hơn là chừng nào chưa hợp pháp hóa thì những người hành nghề mại dâm còn không được bảo vệ và chăm sóc sức khỏe, dẫn đến nguy hại cho xã hội” - ông Doanh nói thêm.
Làm luật cần tính “đường dài”
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cho biết việc dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) đưa mại dâm vào trong danh mục 11 ngành nghề cấm kinh doanh không có nghĩa là thừa nhận kinh doanh mại dâm như một nghề. “Pháp luật Việt Nam chưa bao giờ coi mại dâm là một ngành nghề và vẫn cấm kinh doanh mại dâm ở nhiều luật khác. Trước đây, Luật Doanh nghiệp cấm kinh doanh mại dâm, nay chuyển vào Luật Đầu tư cho hợp lý hơn” - ông Cung nói.
TS Trần Thế Quân, Cục phó Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp - Bộ Công an, cũng cho rằng đây là chuyện “câu chữ”. “Chuyện này tương tự tội danh “đánh bạc trái phép” được quy định trong Bộ Luật Hình sự, tới đây sẽ phải thay đổi nếu chúng ta cho phép người Việt chơi casino. Mại dâm bị cấm nhưng quy định trong luật nào cho phù hợp thì phải bàn” - ông Quân nói.
Trong khi đó, ông Trần Ngọc Vinh, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng, cho biết trong phiên thảo luận vừa qua về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), cá nhân ông cũng đã bày tỏ băn khoăn về điều này. “Nếu đưa vào Luật Đầu tư (sửa đổi) sẽ dễ dẫn tới cách hiểu đây là lần đầu tiên nhà nước coi mại dâm là một nghề. Trong khi đó, định nghĩa về nghề phải khác, tức là phải có đầu tư, kinh doanh, sản xuất chứ không thể có khái niệm kinh doanh, sản xuất xác thịt được. Mại dâm thì nằm trong số các tệ nạn xã hội và đã có quy định ở những chỗ khác như Pháp lệnh Phòng chống mại dâm, Bộ Luật Hình sự rồi cơ mà! Luật Đầu tư chỉ điều chỉnh quan hệ về kinh doanh, sản xuất thôi” - ông Vinh nói.
TS Lê Đăng Doanh nói việc đưa mại dâm vào ngành nghề cấm kinh doanh trong dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) có thể được hiểu là Quốc hội đã tính tới chuyện sắp đến Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn, có thể có bước phát triển mới nên “lo xa” và đưa vào quy định trong luật.
Không cấm tiệt được thì phải quản
Theo PGS-TS Trịnh Hòa Bình, nhà nước và xã hội cần nhìn nhận mại dâm là một thành tố tất yếu của du lịch xanh mặc dù không một quốc gia văn minh nào trên thế giới lại không tuyên bố tẩy trừ “sex tour”, không chủ trương kiếm lợi trên hoạt động này nhưng vẫn xem đây là một nguồn lợi. “Không có cơ sở “tiêu diệt” được mại dâm thì hãy nên quản lý nó” - ông Bình nêu ý kiến.
Bình luận (0)