Những ngày qua, nhiều tài xế, chủ phương tiện giao thông ở Bình Thuận đã tập trung tại trạm Sông Phan để phản đối việc thu phí bất cập, khiến giao thông qua khu vực này bị ùn tắc, gây mất trật tự trị an. Chi nhánh BOT 319 Sông Phan buộc phải xả trạm.
Đề xuất miễn giảm phí ở nhiều trạm BOT
Chiều 8-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Phạm Văn Nam cho biết đã có văn bản hỏa tốc đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chấp thuận giảm giá vé cho ô tô của địa phương khi qua 2 trạm thu phí Sông Phan (huyện Hàm Thuận Nam) và Bắc Bình (huyện Bắc Bình).
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nam cho biết sáng cùng ngày đã chủ trì cuộc họp với chủ đầu tư của 2 trạm Sông Phan, Bắc Bình và chính quyền địa phương 2 huyện Hàm Thuận Nam, Bắc Bình cùng một số cơ quan hữu trách của tỉnh để triển khai biện pháp bảo đảm lưu thông trên toàn tuyến Quốc lộ 1 (đoạn qua Bình Thuận), cố gắng không để xảy ra mất trật tự trị an vì tình trạng tài xế phản đối giá vé.
Trước đó, vào tháng 6-2017, UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã có công văn gửi Tổng cục Đường bộ (TCĐB) Việt Nam đề nghị xem xét giảm giá thu phí qua trạm thu phí BOT cho ô tô của người dân địa phương. TCĐB cũng có văn bản trình Bộ GTVT cho giảm phí qua trạm Sông Phan nhưng chưa được chấp thuận.
Trong khi đó, tại trạm thu phí BOT Ninh An (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa), ông Vũ Hải Long, Phó Giám đốc Công ty CP BOT Đèo Cả - Khánh Hòa (đại diện chủ đầu tư), cho biết hiện đã có trên 700 xe loại 1 (từ 12 chỗ ngồi trở xuống) ở 16 xã, phường của thị xã Ninh Hòa được chủ phương tiện làm đơn đề nghị miễn phí và đã được chủ đầu tư miễn phí.
Còn tại Cần Thơ, cũng trong chiều 8-1, Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) TP Cần Thơ đã có buổi họp báo thông tin về buổi làm việc giữa Bộ GTVT, TCĐB, UBND TP Cần Thơ, UBND tỉnh Hậu Giang và nhà đầu tư BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp.
Theo ông Lê Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ, nguyên nhân xảy ra sự việc đáng tiếc những ngày qua là do chính sách miễn giảm của Bộ GTVT và TCĐB chưa đáp ứng được nguyện vọng của người dân lân cận trạm.
Trước đó, Bộ GTVT thống nhất giảm giá chung cho các phương tiện qua trạm từ 7%-15% đối với tất cả loại xe; đối với vùng lân cận, giảm 100% đối với xe buýt, từ 30%-35% đối với các phương tiện khác. Tuy nhiên, mức miễn giảm này không đáp ứng được nguyện vọng của người dân vùng lân cận nên xảy ra sự việc tài xế dừng tại làn thu phí không chịu mua vé. Ngày 5-1, UBND TP Cần Thơ đã có văn bản gửi Bộ GTVT, TCĐB để miễn, giảm giá tiếp cho vùng lân cận.
Ông Đỗ Hoàng Trung, Giám đốc Sở TT-TT TP Cần Thơ, cho biết tại buổi làm việc vào sáng cùng ngày, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đồng ý với phương án miễn giảm phí tại trạm BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp mà UBND TP Cần Thơ đề xuất. Theo đó, giảm giá 100% cho các phương tiện không kinh doanh ở phường Ba Láng (quận Cái Răng, TP Cần Thơ), xã Tân Phú Thạnh, thị trấn Cái Tắc (huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang); giảm 50% cho ô tô từ 10 chỗ trở lên và xe tải trên 1 tấn ở phường Ba Láng, xã Tân Phú Thạnh, thị trấn Cái Tắc. Các hộ dân, doanh nghiệp có hợp đồng vận chuyển cụ thể, cố định trên 3 tháng có sử dụng quãng đường dưới 5 km tính từ trạm đều được hưởng chính sách miễn giảm. Đối với 23 phương tiện không có đăng ký xe chính chủ thuộc phường Ba Láng (Cần Thơ) và 126 xe của Hậu Giang kể cả xe buýt cũng được hưởng chính sách miễn giảm. Thời gian thu phí gửi về Bộ GTVT xem xét trước ngày 20-1.
Ngoài ra, UBND TP Cần Thơ cũng có công văn gửi TCĐB xem xét, trình Bộ GTVT chấp thuận giảm giá vé sử dụng dịch vụ đường bộ tại Trạm T1 (Km 16+905,83) và Trạm T2 (Km 50+050) thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 (BOT Quốc lộ 91) đoạn từ Km 14+000 đến Km 50+889 theo hình thức hợp đồng BOT (đợt 2) cho các phương tiện. Theo đề xuất này, có hơn 1.000 phương tiện ở quận Ô Môn, huyện Vĩnh Thạnh sẽ được giảm giá vé.
Kẹt xe nhiều giờ liền ở trạm thu phí BOT Sóc Trăng vào ngày 8-1 Ảnh: DUY NHÂN
Xử lý những vi phạm
Cũng trong chiều 8-1, trạm thu phí BOT Sóc Trăng tạm thời ngưng hoạt động chờ xử lý vụ tài xế xe khách bị hành hung.
Trước đó, trưa cùng ngày, đại tá Thái Văn Đợi, Phó Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng, trực tiếp đến trạm thu phí của Công ty TNHH BOT Quốc lộ 1 Sóc Trăng (BOT Sóc Trăng, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) để xử lý tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài trên Quốc lộ 1.
Đại tá Đợi mời ông Vũ Đức Khanh, chủ xe khách Kim Khanh (TP Sóc Trăng) vào nhà điều hành BOT Sóc Trăng để nói chuyện. Ông Khanh yêu cầu gặp người bị cho là đánh anh Huỳnh Hưng, tài xế của ông Khanh, cùng 3 lái xe khác. Người này sau khi xô xát với các tài xế được cho là chạy vào nhà điều hành của BOT Sóc Trăng. Vụ việc khiến tài xế bức xúc, bao vây cổng chính BOT Sóc Trăng và rời khỏi xe, không chịu đưa phương tiện ra khỏi trạm.
Làm việc với ông Khanh, đại tá Đợi yêu cầu ông cố gắng tìm tài xế để đưa xe khỏi trạm thu phí nhằm giải tỏa ùn tắc nhưng ông Khanh nói không liên lạc được với tài xế. Đến hơn 13 giờ, ông Khanh vẫn chưa tìm được tài xế để đưa ô tô khách ra khỏi BOT Sóc Trăng nên kẹt xe vẫn kéo dài hơn 1 km ở 2 hướng Sóc Trăng và Cần Thơ. CSGT phải phân luồng cho xe chạy. Đến 13 giờ 30 phút cùng ngày, ông Khanh cùng một số người đẩy xe ra khỏi BOT Sóc Trăng khi không tìm được tài xế. Ngay sau đó, Quốc lộ 1 thông xe trở lại sau 3 giờ ùn tắc.
Liên quan đến vụ tài xế xe biển số xanh phản ứng BOT Sóc Trăng, ngày 8-1, ông Phùng Như Tân, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Cà Mau, xác nhận xe này là của đơn vị. Hiện đơn vị đã yêu cầu tài xế Đỗ Minh Kha viết tường trình để làm rõ thông tin về việc xe của hội phản đối trạm BOT Sóc Trăng. "Tới đây, chúng tôi sẽ họp kiểm điểm và xử lý việc làm của tài xế Kha" - ông Tân nói.
Doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng
Việc ùn tắc ở các trạm thu phí thời gian qua khiến nhiều doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là DN thủy sản.
Anh Trần Thanh Phát (chủ xe tải ở huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) cho biết anh có 2 xe chở hàng lạnh từ miền Tây đi miền Bắc. Hàng lạnh nên khi hợp đồng, chủ hàng tính thời gian giao hàng bằng giờ. Tài xế ngoài việc canh máy lạnh cho hàng hóa còn phải tính thời gian giao hàng. Chỉ cần giao thông ách tắc 1 giờ là phải đền tiền tỉ.
Còn anh Lư Thành Nam, chủ cả trăm container ở TP Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang), thì cho biết: "Nhiều chủ hàng bây giờ khi ký hợp đồng còn kèm theo cam kết là trạm thu phí BOT ách tắc chủ xe phải chịu trách nhiệm. Vì vậy, lần này nếu hợp đồng tôi bị hủy vì chậm giao hàng do trạm thu phí BOT, chúng tôi sẽ đòi chủ đầu tư bồi thường thiệt hại".
Cũng có hơn 20 container chuyên chở hàng nông sản, ông Phạm Văn Long, chủ DN vận tải tại huyện Châu Thành (tỉnh Tiền Giang), cho biết đầu tháng 12-2017, khi cánh tài xế phản đối trạm BOT Cai Lậy, ông bị trễ hẹn 2 chuyến hàng chở thanh long do xe bị ùn ứ, không kịp quay đầu, số tiền thiệt hại gần 18 triệu đồng.
Còn bà Âu Ngọc Vững, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chế biến thủy sản XNK Âu Vững (thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu), cho biết thời gian qua, công ty bị thua lỗ nặng vì có nhiều chuyến hàng chậm trễ. "Container hàng xuất khẩu bị kẹt xe ở các trạm thu phí, không kịp chuyến tàu phải để lại chờ chuyến khác tốn nhiều chi phí bảo quản và bị đối tác phản ứng" - bà Vững than.
Ông Võ Đức Kỷ, chủ DNTN An Kỷ (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa), phàn nàn việc trạm BOT Ninh An thường xuyên tắc nghẽn đã làm DN bị kẹt mấy chuyến xe, trễ hẹn giao hàng nên nhà máy ở Khu Công nghiệp Suối Dầu (huyện Cam Lâm) chê trách và hạ xuống một giá. "Tình trạng này kéo dài thì sẽ rất gay go. Vì vào vụ tôm, DN mỗi ngày có hàng chục chuyến xe đi về. Nếu ách tắc, không chỉ giá tôm tươi sống xuống giá mà bà con nuôi trồng thủy sản sẽ trễ hẹn thu hoạch, mất thời gian chờ đợi" - ông Kỷ nói.
Ngay cả tài xế xe khách như ông Nguyễn Văn Ân (tài xế hãng xe khách Cúc Tư ở tỉnh Phú Yên) cũng bị "vạ lây" khi kẹt xe kéo dài, hành khách bức xúc, phản ứng.
Bình luận (0)