Quỹ BHYT là nguồn thu hằng năm nên nếu thu năm nào chi cho người bệnh hết trong năm ấy thì đó chính là niềm vui bởi mức chăm sóc y tế của nguồn quỹ này cho người tham gia đạt cực đại. Còn ngược lại, nếu quỹ này kết dư nhiều thì có nghĩa là sự chi trả bị hạn chế và đây là nỗi buồn của người dân.
Người dân vẫn chưa hài lòng với khám chữa bệnh BHYT hiện nay Ảnh: ANH THƯ
Vấn đề cốt lõi hiện nay chính là mức thanh toán khám chữa bệnh quá thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân nên cũng chưa thu hút được người dân tham gia BHYT. Người dân ít tham gia thì nguồn quỹ sẽ hạn chế nên không thể nâng mức chi BHYT. Nếu nâng mức chi BHYT thì nguồn quỹ sẽ thiếu hụt, còn hạn chế mức chi thì nguồn quỹ kết dư nhưng người tham gia BHYT bị thiệt thòi. Cứ thế, bài toán BHYT mãi luẩn quẩn không tìm được lời giải trong nhiều năm qua.
Thế nhưng, hiện nay, chúng ta đã có lộ trình tăng mức thanh toán BHYT nên con số dư 15.000 tỉ đồng sẽ chẳng đáng là bao so với mức tăng trên. Đơn cử, tại TP HCM, mỗi năm có đến 13 triệu lượt người khám chữa bệnh theo diện BHYT. Mức chi khám bệnh tại bệnh viện loại I chỉ 3.000 đồng/lượt, còn bệnh viện loại khác chỉ 1.000 đồng/lượt. Nếu chỉ cần tăng tiền khám bệnh lên 20.000 đồng/lượt thì mỗi năm, quỹ BHYT tại TP HCM phải tăng thêm gần 300 tỉ đồng. Đó là chưa kể tăng tiền giường, tiền điều trị bằng các kỹ thuật cao...
Với mức chi trả của BHYT như hiện nay thật khó thuyết phục người dân tham gia BHYT. Lộ trình tăng mức chi BHYT của Bộ Y tế đang thực hiện thì yếu tố quan trọng nhất là phải tăng nguồn thu. Trước tiên là phải thực hiện được BHYT toàn dân, kế đó phải tăng mức đóng để nguồn quỹ BHYT đủ sức đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người tham gia. Khi người dân hài lòng với mức chi khám chữa bệnh BHYT thì nỗi lo vỡ quỹ như hiện nay sẽ trở thành niềm vui vì những đồng tiền người dân đóng cho quỹ BHYT sẽ phục vụ cho chính họ ở mức cao nhất.
Bình luận (0)