xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nặng lòng với người nghèo

Bài và ảnh: SỸ ĐÔNG

Dù không khá giả gì nhưng họ đã chung tay đóng góp rồi trắng đêm cùng nhau nấu những phần ăn từ thiện mang đến giúp bệnh nhân nghèo, người già neo đơn với tất cả sự trân trọng, sẻ chia

Hơn 18 giờ, các thành viên đã có mặt tại nhà trọ mà bà Nguyễn Thị Tuyết Nga thuê ở chợ đầu mối Tân Xuân, huyện Hóc Môn - TPHCM để chuẩn bị nấu 300 phần cơm cho bệnh nhân nghèo Bệnh viện Ung Bướu. Bà Nga phổ biến cho nhóm các món ăn sẽ làm như thịt kho trứng, sườn ram, rau xào… và thêm 200 phần bánh ướt. Mọi người tập trung chuẩn bị rau để làm món xào đầu tiên. “Rau này mua từ chợ đầu mối và do một số tiểu thương ủng hộ nên rất tươi” - bà Nga cho biết.

Chu đáo, tận tình

Từ 2 năm nay, nhóm của bà Nga phải chuyển chỗ nấu ăn đến 3 lần nhưng ai cũng nhiệt tình theo đuổi. Chị Nguyễn Huyền Trân, người tham gia từ những ngày đầu nhóm thành lập, nói vui: “Có lần tôi làm món sườn ram trong hẻm, không quen nên để khói bay mù mịt khiến bà con tưởng xảy ra hỏa hoạn”.

Dù làm từ thiện nhưng nguyên liệu chế biến thức ăn đều được lựa chọn cẩn thận, phần lớn lấy từ chợ đầu mối để bảo đảm vệ sinh. Do mỗi lần làm khoảng 300 phần cơm nên gạo cũng phải chọn loại vừa dễ nấu vừa thơm ngon. “Nhiều người ủng hộ loại gạo rẻ tiền chúng tôi không nhận vì khó nấu và sợ bệnh nhân ăn mà tủi thân” - bà Nga giải thích.

Sáng hôm sau, những phần cơm nóng hổi được chiếc xe quen thuộc chở đến bệnh viện. “Có lần, chúng tôi chở cơm bằng xe máy, bị xe phía sau va quệt khiến thức ăn rơi vãi đầy đường, nhiều bệnh nhân hôm đó đành mất bữa. Vì thế, sau này chúng tôi thuê xe 4 bánh cho bảo đảm” - bà Nga cho biết.

img
Các thành viên nhóm Khai Tâm chuẩn bị bữa ăn từ thiện trong đêm

Trong khi đó, nhóm nấu ăn Khai Tâm “đóng đô” ở hẻm 350 Bùi Hữu Nghĩa, phường 2, quận Bình Thạnh - TPHCM. Nhóm hoạt động đã 7 năm nay, mỗi tối thứ bảy nấu khoảng 1.500 suất bánh canh hoặc cháo cho người nghèo tại Bệnh viện Ung Bướu, Trung tâm Chăm sóc - Nuôi dưỡng người bại não, Trung tâm Bảo trợ người tàn tật.

Ông Văn Hùng, người thành lập nhóm Khai Tâm, cho biết hẻm này chủ yếu dân lao động nghèo cư ngụ, họ biết còn người khó khăn hơn mình nên thường ủng hộ ít nhiều. Mỗi lần nấu bánh canh tốn khoảng 5 triệu đồng, còn nấu cháo thì nhận được gạo ủng hộ của người dân nên chi phí ít hơn.

Một giờ, 5 bếp lửa đỏ rực đang nấu cà rốt và luộc cải bắp. Những người trong nhóm vừa nấu nướng vừa trò chuyện rôm rả. Trong đó, có người đang là sinh viên tại TPHCM, người thì đã ra trường đi làm. Ông Hùng cho biết có khi tới 200 người tham gia nhóm, cả đêm chia nhau tốp làm, tốp ngủ để ai cũng có thể đóng góp công sức của mình.

Năm giờ, mọi người tỏa đi các điểm đã được phân công để mang những phần ăn cho bệnh nhân nghèo, người già neo đơn. Từng tô cháo, bánh canh nghi ngút khói được múc cẩn thận trao tận tay bệnh nhân, tận tình như với người thân của mình. “Chúng tôi luôn tâm niệm không phải mình ban phát những bữa ăn mà là trao tình cảm qua từng tô bánh canh, tô cháo nên ai cũng trân trọng, chia sẻ với bệnh nhân nghèo và người già neo đơn” - ông Hùng tâm sự.

Nhiều hơn, chất lượng hơn

Hơn 10 giờ, những khuôn mặt quen thuộc ở Bệnh viện Ung bướu, Trung tâm Bảo trợ người tàn tật… ra nhận phần ăn từ thiện. Dòng người xếp hàng ngay ngắn đưa phiếu nhận cơm. Cầm hộp cơm trên tay, bà Trần Thị Tâm, quê Lâm Đồng, xúc động: “Những phần cơm nghĩa tình này giúp tôi tiết kiệm được một khoản tiền để mua thuốc điều trị hơn nửa năm nay”.

Cả bà Nga và ông Hùng đều không khá giả gì nên họ phải vận động nhiều người cùng tham gia để những phần ăn từ thiện ngày càng nhiều hơn, chất lượng hơn. Để có kinh phí nấu ăn từ thiện ổn định, bà Nga làm nhiều việc như phụ con buôn bán và thỉnh thoảng cũng buôn bán nhỏ. Hằng tháng, bà Nga nhờ bạn bè và người thân trong gia đình đóng góp thêm. Ngoài ra, các mạnh thường quân cũng tham gia, trong đó 4 người hỗ trợ thường xuyên khoảng 4 triệu đồng.

Còn trước nhà ông Hùng trong hẻm 350 Bùi Hữu Nghĩa thì đặt một thùng quyên góp để mọi người đều có thể tham gia tùy theo điều kiện. “Nhiều người thấy mình làm tích cực, không trục lợi nên nhiệt tình ủng hộ. Dù ít hay nhiều thì tấm lòng của họ luôn đáng trân trọng” - ông Hùng thổ lộ.

Không chỉ nấu những phần ăn từ thiện, nhóm Khai Tâm còn tổ chức các chuyến thăm và tặng quà ở một số vùng quê nghèo Long An, Tây Ninh... “Chứng kiến cơn đau đớn hành hạ những bệnh nhân nặng, tôi nghĩ đến việc tìm người tụng kinh cho họ nghe để vơi bớt nỗi đau. Việc tụng kinh cho bệnh nhân hoàn toàn miễn phí và chúng tôi sẵn sàng đi bất cứ lúc nào khi có người yêu cầu” - ông Hùng cho biết.

Bù đắp cho người cơ cực

Hơn 24 năm trước, khi sinh người con trai đầu lòng, gia đình bà Nga rất nghèo trong khi con lại bệnh tật triền miên. “Nhiều lần con tôi tưởng đã chết nhưng nhờ được nhiều người ở bệnh viện giúp đỡ mới qua khỏi” - bà Nga bùi ngùi. Lúc đó, những phần cơm chay đã giúp mẹ con bà vượt qua tháng ngày gian khó, tuy là đồ ăn từ thiện nhưng được làm cẩn thận, sạch sẽ. “Sau này, khi cuộc sống đã ổn định, tôi luôn nhớ lại những ngày tháng khó khăn đó và muốn bù đắp cho những người cơ cực như mình trước đây” - bà Nga bộc bạch.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo