Lúc mới bắt đầu giảm giá xăng dầu, người dân hy vọng kinh tế - xã hội có cơ hội tăng trưởng tốt, thu ngân sách tuy có giảm nhưng sản xuất sẽ phát triển do chi phí vận tải, chi phí đầu vào cho sản xuất giảm. Thế nhưng, chuyện giảm giá cước vận tải theo các công thức đơn giản không diễn biến như mong đợi dù các bộ, ngành đã dùng khá nhiều biện pháp, từ kêu gọi, nhắc nhở đến kiểm tra, thanh tra… Liệu có gì bất cập trong công tác quản lý giá cước vận tải, nói rộng ra là quản lý giá, quản lý các lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước khi chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN?
Kinh tế thị trường đã xuất hiện và phát triển ổn định trên thế giới khá lâu, dựa trên hệ thống các quy luật vốn có như cạnh tranh, cung cầu… và được điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật cụ thể của từng nước. Hệ thống văn bản pháp luật quản lý giá cước vận tải của Việt Nam hiện đang có Luật Giá năm 2012, Nghị định 177/2013 của Chính phủ, Thông tư 56/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành. Nhìn chung, trong các quy định pháp luật hiện hành, dịch vụ vận tải đường bộ không phải là dịch vụ nằm trong danh sách bình ổn giá phải đăng ký giá và được nhà nước định giá mà là dịch vụ chỉ cần kê khai niêm yết giá, được kiểm tra các yếu tố hình thành giá trong trường hợp biến động giá.
Thông tư liên tịch 152/2014 của Bộ Tài chính và Bộ GTVT cũng không dám nói khác luật, nghị định. Chuyện thanh tra, kiểm tra, thậm chí cấp bộ, cũng sẽ chỉ dừng lại ở việc kê khai niêm yết, xem lại các yếu tố cấu thành giá cước. Chắc chắn không giải quyết được tận cùng vấn đề giá cước vận tải đường bộ trong nền kinh tế thị trường có định hướng.
Câu chuyện thả lỏng giá cước vận tải đường bộ không dừng lại ở chỗ quản lý lúng túng mà còn có thể góp phần gây ra hiện tượng xe quá tải. Thiết nghĩ, Bộ GTVT đưa ra kế hoạch hành động cho năm 2015 là quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát xe quá tải, nên bắt đầu từ chuyện giảm giá cước vận tải đường bộ theo giảm giá xăng dầu một cách căn cơ. Tức là, cùng Bộ Tài chính, tham mưu cho Quốc hội và Chính phủ bổ sung Luật Giá và các nghị định, thông tư hướng dẫn, quy định giá dịch vụ vận tải đường bộ phải được nhà nước định giá hoặc có khung giá tối đa, tối thiểu, thậm chí đưa vào danh mục bình ổn giá.
Giao thông vận tải là một ngành kinh tế kỹ thuật cực kỳ quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - văn hóa - chính trị - xã hội của một đất nước. Song song với kết cấu hạ tầng, giá cước vận tải cũng tác động trực tiếp và gián tiếp đến mọi lĩnh vực ngành nghề và tâm tư của người dân. Với tình hình Việt Nam, khi nền kinh tế thị trường mới hình thành, việc quản lý và kiểm soát giá cước vận tải đường bộ có ý nghĩa rất lớn, nhất là trong quản lý vĩ mô.
Bình luận (0)