Lửng lơ trách nhiệm
Rất nhiều bạn đọc tỏ ra thất vọng trước những gì Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời trước Quốc hội. Vụ bác sĩ Thẩm mỹ viện Cát Tường vứt xác nạn nhân xuống sông gây căm phẫn trong dư luận như thế nhưng chỉ được bộ trưởng thấy “liên quan ít nhiều đến trách nhiệm”. Mạng sống của bệnh nhân sao mà đơn giản quá vậy! Trong khi đó, lẽ ra lãnh đạo ngành y tế phải thấy rõ việc chậm chấn chỉnh ngành này thì cái giá phải trả chính là sinh mạng của bao người dân vô tội.
Bạn đọc Hải Đăng bức xúc: "Bộ trưởng nói chưa thuyết phục đa số người dân. Qua những vụ sai phạm của ngành y, như vụ Cát Tường và sự xuống cấp "y đức", người đứng đầu ngành phải có biện pháp mạnh hơn cho thời gian tới bằng hành động cụ thể để chấn chính, chứ không thể nói chung chung cho có như thế được. Sai ở đâu, ai sai, biện pháp xử lý như thế nào phải cụ thể, mạnh mẽ thì mới bảo vệ được người dân, chứ nói chung chung thì ngành này vẫn mãi ì ạch như bao nhiêu năm qua".
Phân tích rõ hơn vấn đề, bạn đọc tên Hương cho biết: “Nếu chết vì những bệnh trạng mà y học chưa có cách điều trị thì là điều không tránh khỏi. Nhưng những vụ như cố ý lề mề chữa trị để vòi tiền, không có khả năng mà vẫn làm, làm sai mà vẫn chối đến cùng hoặc không sửa đổi... thì đó là sự khủng hoảng của ngành y, gây nguy hiểm cho người bệnh và không ai còn dám tin tưởng vào y bác sĩ nữa. Mỗi sinh mạng đều quý giá, không lẽ phải chờ ngành y “xốc lại đạo đức nghề nghiệp” thì người dân mới vào bệnh viện?".
“Tôi cảm thấy bị xúc phạm”
Đây là tâm trạng của bạn đọc Xuân Tùng sau khi nghe Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói rằng “phải khoan dung với ngành y”. Ngành y lẽ ra phải là nơi được người dân kỳ vọng, tin tưởng trao cả tính mạng mà tại sao phải xin sự khoan dung của người dân? Ngành y đã để xảy ra quá nhiều điều tiếng nên cần phải khoan dung ư? Vậy thì chính người dân mới cần ngành y tế “khoan dung” để họ được bảo vệ sức khỏe, tính mạng nếu chẳng may bị bệnh tật hay khi cần đến bác sĩ.
“Nếu cần khoan dung thì bà hãy xin khoan dung cho bản thân, hay cho những người có chức có quyền của ngành y, hoặc cho những bác sĩ tán tận lương tâm như vụ Cát Tường. Chúng tôi không có chức quyền, không có vị trí cao sang nào, chỉ ráng phấn đấu làm tròn danh hiệu "bác sĩ", tự thấy mình đang làm tròn trách nhiệm với bệnh nhân nên không hề xấu hổ, không việc gì phải xin ai khoan dung cả” - bạn đọc Xuân Tùng bày tỏ.
Phân tích kỹ lời của bộ trưởng, bạn đọc Trần Thời chỉ rõ: "Trả lời chung chung quá, sao lại hy vọng mà không là "thẳng tay đưa ra khỏi ngành những người thiếu y đức, không dung dưỡng...". Tuy biết những người trong ngành y luôn căng thẳng, liên quan sự sống, cái chết của người bệnh nhưng cũng là một ngành khoa học, cũng là một nghề nên cái tâm phải luôn được thể hiện khi chăm sóc người bệnh, không để vẩn đục màu áo blouse".
Không chỉ nêu những trì trệ, bạn đọc Lê Trung còn đưa ra những biện pháp chấn chỉnh lại ngành y. "Nhơn hư, đạo bất hư". Bộ Y tế gắn chặt với "sinh, lão, bệnh, tử" của bao con người nên rất dễ bị tai tiếng. Đạo đức nghề nghiệp bị chi phối bởi kim tiền dẫn đến nhiều bác sĩ không xem trọng sức khỏe bệnh nhân là "vàng" mà cho rằng là "mỏ tiền" để tha hồ khai thác. Muốn khắc phục được tình trạng này, cách duy nhất là Bộ Y tế tổ chức giám sát chặt chẽ các tổ chức khám chữa bệnh, việc hành nghề của các bác sĩ. Nếu phát hiện vi phạm thì mạnh dạn cấm hoặc tước bằng vĩnh viễn. Các giám đốc bệnh viện chịu trách nhiệm trực tiếp với bộ trưởng nếu cấp dưới vi phạm hoặc để người dân phản ánh về việc phục vụ chưa tốt. Những điều này thực ra phải luôn thực hiện chứ không phải để đến khi tình trạng “trầm kha” như thế này rồi mới làm".
Sinh mạng con người là tất cả “Sâu xa của việc y đức xuống cấp như hiện nay là do ban giám đốc các bệnh viện không nghiêm ở những sai phạm nhỏ trong chuyên môn, dẫn đến sai phạm ngày càng lớn. Khi xảy ra sai phạm lớn thì sợ ảnh hưởng đến thành tích, uy tín của bệnh viện nên cố tình lấp liếm. Như thế là dung dưỡng cái sai và hậu quả là người dân gánh chịu. Xin các bác sĩ hãy nhớ rằng sinh mạng con người là tất cả” - bạn đọc Nhà Bè Xưa đề đạt. “Hãy làm như ông Fred Hollows (bác sĩ nhãn khoa đã quá cố của Úc) từng nói: “Mọi con mắt đều quý giá như nhau. Mỗi khi tôi mổ mắt cho ai, tôi đều tận tâm, bất kể đó là mắt của người nghèo hay mắt của một ông vua” - bạn đọc An Thy mong mỏi.
|
Bình luận (0)