Thủ tướng đã quyết định Việt Nam rút đăng cai ASIAD 18 và sẽ xin đăng cai tổ chức sự kiện thể thao lớn nhất châu lục này vào một thời điểm khác. Câu chuyện như vậy đã khép lại phù hợp với ý nguyện của số đông người dân, dù có thể vẫn còn phải giải quyết các hệ quả pháp lý của việc này.
Về lâu dài, câu chuyện hẳn sẽ trở thành một bài học về cách dấn thân, hội nhập của quốc gia vào đời sống quốc tế. Không phải tự nhiên mà Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) rút tên từ rất sớm khỏi danh sách ứng viên xin đăng cai tổ chức sự kiện này. Riêng đối với chúng ta, đăng cai tổ chức ASIAD 18 thực sự là một cuộc phiêu lưu mà chúng ta chưa bao giờ có kinh nghiệm trải qua. Mọi triển vọng về sự cất cánh của nền thể thao, nền kinh tế dựa vào sự kiện này đều chỉ được phác họa, không chắc chắn, không rõ ràng. Trong khi đó, chi phí dự kiến phải bỏ ra nhất định sẽ rất cao và gánh nặng nợ công đè lên vai thế hệ con cháu là khó tránh.
Suy cho cùng, theo bản năng sống, mỗi người, mỗi nước lo trước hết cho bản thân mình, cho đất nước mình, rồi mới nghĩ đến người khác, nước khác. Đất nước ta còn nghèo nhưng người khác, nước khác không hẳn thấy như thế rồi thương tình và sẵn lòng dang rộng tay giúp đỡ. Trái lại, nếu có điều kiện, có cơ hội, người ta vẫn sẽ hào hứng khai thác, trục lợi, giành lấy cho mình mọi tiện ích và đùn đẩy khó khăn cho thiên hạ. Cuộc đôi co dai dẳng giữa các nước lớn về trách nhiệm của mỗi nước trong công cuộc chống biến đổi khí hậu toàn cầu là một minh chứng điển hình về tính ích kỷ của con người, biểu hiện trong đời sống quốc tế thành tính ích kỷ quốc gia.
Không phải chúng ta không hiểu những điều đó nhưng đến nay vẫn chưa có lời kêu gọi tổ chức hành động ở quy mô quốc gia để đối phó với nguy cơ bị lợi dụng, thậm chí bị lừa lọc trên diện rộng. Trong khi đó, nguy cơ này đã và đang có dấu hiệu trở thành hiện thực ở nhiều nơi. Ở vùng quê này, nông dân đua nhau trồng khoai lang do nghe theo lời hứa hẹn của thương lái nước ngoài sẽ mua lá khoai non với giá cao. Ở miền xa nọ, bà con hồ hởi nuôi đỉa đại trà với hy vọng người phương xa sẽ đến theo lời cam kết để mua đỉa với giá hấp dẫn. Không loại trừ khả năng có những thế lực vừa hùng mạnh vừa đầy mưu mẹo đứng đằng sau các thương lái đó, đang tìm cách thông qua hành vi của họ, lũng đoạn nền kinh tế của đất nước.
Nhiều ý kiến cho rằng tình trạng bị động, yếu thế của chúng ta trong nhiều cuộc chơi toàn cầu là do những người có trách nhiệm liên quan trong bộ máy chạy theo thành tích, mải mê mưu cầu lợi ích cá nhân, chứ không phải do thiếu bản lĩnh, kiến thức, tầm nhìn trong thương lượng với đối tác. Điều này có thể đúng nhưng không thể phủ nhận rằng đã và đang có những câu chuyện cho thấy chúng ta khá dễ dãi, nếu không muốn nói là ngây thơ trong quan hệ giao thương với nước ngoài.
Tất nhiên, trong không khí làm ăn “cởi mở” ấy, nhà đầu tư, đối tác nước ngoài chẳng cần vắt óc suy nghĩ nhiều cũng giải được bài toán lợi nhuận. Cứ trực tiếp hoặc thông qua đối tác trong nước vắt cho kiệt sức người lao động, khai thác cho cạn nguồn tài nguyên thiên nhiên. Và khi thấy chẳng còn thứ nào có giá trị thì nhổ trại, quay lưng đi nơi khác.
Hy vọng chỉ mất 1 triệu USD
Xung quanh việc Hội đồng Olympic châu Á (OCA) sẽ áp dụng chế tài nào với việc rút đăng cai ASIAD của Việt Nam, theo ông Hoàng Vĩnh Giang, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Olympic Việt Nam, OCA chắc chắn sẽ ban bố một biện pháp xử lý đối với quốc gia rút đăng cai.
Một quy định khác thường được biết đến mang tính ràng buộc pháp lý là quốc gia chủ nhà dù rút lui vẫn sẽ phải chịu khoản tiền đặt cọc 1 triệu USD cho OCA. Dù chưa đặt cọc nhưng Việt Nam đã ký hợp đồng nên nếu như rút lui coi như Việt Nam phá bỏ hợp đồng. “Tôi hy vọng chúng ta sẽ chỉ phải mất số tiền phạt này bởi 1 triệu USD cũng nhẹ nhàng hơn rất nhiều số tiền phải hỗ trợ cho quốc gia đăng cai thay”. Còn theo ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao, khả năng OCA sẽ phạt Việt Nam theo hình thức nhẹ nhất là buộc nộp tiền đặt cọc dù không tổ chức.M.Duy
Bình luận (0)