Vụ ly hôn và tranh chấp tài sản giữa vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã kéo theo vô vàn ý kiến tranh luận trên mạng xã hội. Với tôi, mỗi cặp vợ chồng đều có câu chuyện và lý do riêng để đi đến quyết định riêng của họ mà mọi phán xét của người ngoài đều khập khiễng.
Cứu chính gia đình mình
Thật ra, không phải bất cứ cuộc ly hôn nào mà người chồng nhường hết tài sản cho vợ thì mới được xem là người đàn ông chuẩn mực, cao thượng. Cách đây 11 năm, bạn tôi ly hôn vì vợ ngoại tình và phung phí tiền bạc cho những niềm vui ngoài gia đình. Khác với tính cách hào hiệp và nhường nhịn thường thấy, anh quyết không nhường của cải theo đòi hỏi của vợ. Tài sản kha khá nên hai người mất rất nhiều thời gian, tiền bạc và công sức cho việc chia chác này. Kèm theo đó là những chiêu trò khá phũ phàng.
Chúng tôi nhiều lần khuyên anh bỏ đi vì thấy tội mấy đứa nhỏ quá khi chúng nhìn cha mẹ tan đàn xẻ nghé, tranh cãi về tiền bạc. Anh chỉ cười nói với chúng tôi: "Không ai hiểu cô ấy bằng mình. Sau này, các bạn sẽ biết vì sao mình làm vậy".
Tòa tuyên án, chị được chia một nửa tài sản và nuôi 3 con chung. Sau ly hôn, chị lao vào những vụ làm ăn rầm rộ nhưng vài năm sau thì vỡ nợ. Ba đứa con của họ lao đao khi đang học hành dở dang ở những trường danh tiếng. Anh cương quyết đưa các con về để chăm lo việc ăn học. Và theo tiết lộ của mẹ chị, căn hộ chị đang ở cũng do anh hỗ trợ sau khi chị phá sản.
Có lần tôi hỏi chuyện cũ, anh chỉ cười: "Hồi đó, nếu tôi tỏ ra cao thượng để nhận mấy lời khen thì chắc giờ này cả nhà tôi ra ở trọ, con cái thất học hết rồi!".
"Tiền nhiều để làm gì?". Trong trường hợp bạn tôi thì tiền nhiều là để bảo vệ, nâng đỡ, cứu chính gia đình mình. Cho dù cái gia đình ấy đã bị sứt mẻ, không còn toàn vẹn sau bao sóng gió.
Hai cháu bé ở Bình Phước khi sinh ra bị trao nhầm cho hai sản phụ khác nhau. Cả hai gia đình đều nghèo nhưng hiện hai bé sống chung và luân phiên được gia đình hai bên chăm sóc. Hạnh phúc, nụ cười luôn tràn ngập trong gia đình họ. Ảnh: Như Phú
Lấy phúc đức làm của, của theo ta vạn đời
Những người siêu giàu tiêu tiền như thế nào? Tôi quen biết và có nhiều dịp gặp một doanh nhân rất thành đạt ở Bình Dương, với tài sản giá trị hàng chục ngàn tỉ đồng. Tài sản kếch xù nhưng sắp 60 tuổi, ông vẫn lao động hùng hục, nhai bánh mì, chạy chiếc xe máy cà tàng để đốc thúc xây dựng thêm các hạng mục công trình; thức trắng cùng công nhân nhiều đêm để kịp tiến độ khánh thành nhà máy xử lý nước thải. Xây 1 nhà máy chưa thỏa, ông tuyên bố sẽ xây tổng cộng 100 nhà máy trên cả nước "giải độc" cho môi trường Việt Nam để "chuộc lỗi" vì ngày xưa ông lập ra khu công nghiệp để kiếm tiền, phát triển kinh tế nhưng nó gây hại cho môi trường cũng dữ.
Vài năm trở lại đây, mỗi năm, ông hỗ trợ chi phí phẫu thuật, cứu sống hàng trăm trẻ khắp Việt Nam bị bệnh tim bẩm sinh. Mới đây, vợ chồng ông cho biết sẽ đầu tư kinh phí hỗ trợ phẫu thuật cho hàng loạt trẻ em bị bệnh não úng thủy tại Việt Nam. Khi nghe tôi kể hoàn cảnh một phụ nữ nghèo ở Bình Định có con bị não úng thủy và chính người mẹ trẻ điện thoại cầu cứu, ông đã sẵn sàng giúp đỡ để bé được chẩn đoán, hỗ trợ phẫu thuật.
Một lần khác, tôi nhắn tin cho ông kể về trường hợp một người đàn ông quê ở Quảng Ngãi đi câu mực mất tích trên biển, bỏ lại người vợ bị bệnh tâm thần và mấy đứa con nheo nhóc. Ông gửi ngay 10 triệu đồng về Quảng Ngãi cho lũ nhỏ. Nhiều người quen biết ông cũng kể chuyện ông từng nhiều lần âm thầm làm đường nhựa cho bà con vùng nông thôn, tặng tiền cho nhà nghèo mà tình cờ ông biết tin hoặc đi ngang. Có lần tôi hỏi ông: "Vì sao anh thích làm từ thiện? Có phải quá nhiều tiền nên mới thế?". Ông chỉ cười rồi đọc hai câu: "Lấy vật chất làm của, của sẽ rời xa ta. Lấy phúc đức làm của, của theo ta vạn đời".
Đồng tiền chân chính đều sinh ra từ mồ hôi, công sức. Đương nhiên phải quý trọng tiền, sử dụng nó một cách thông minh, đúng chỗ, đúng lúc.
Bình luận (0)