Một cú va chạm xe không quá nghiêm trọng trên đường, hai thanh niên dưới 30 tuổi lập tức lao vào nhau chửi bới, quát nạt, đổ lỗi và suýt chút nữa là dùng nắm đấm để giải quyết. Những người xung quanh góp vài lời khuyên răn, hòa giải, phải một lúc, cả 2 mới chịu quay về đỡ xe lên, rời đi.
Đây chỉ là một trong vô vàn vụ việc mà người ta chọn cách hành xử nghiêng lệch về phía đối đầu, nặng tính bạo lực mỗi khi xảy ra xích mích, mâu thuẫn. Mà nào phải chỉ những mối quan hệ xã hội phức tạp, ngay trong chính gia đình với quan hệ huyết thống thiêng liêng, cái ác cũng tràn vào với bao vụ bạo hành tàn nhẫn.
Người Việt vốn hiền hòa, thân thiện và tử tế. Từ bao giờ chúng ta lại day dứt đi tìm đáp án cho câu hỏi: "Người Việt có hung dữ không?". Phải chăng pháp luật và giáo dục - hai "chân kiềng" neo giữ nét đẹp truyền thống về văn hóa ứng xử bị lơi lỏng ở đâu đó chăng?
Rõ ràng là hệ thống pháp luật của chúng ta quy định chặt chẽ về những hành vi bị nghiêm cấm, nhất là việc sử dụng bạo lực để xử lý mâu thuẫn, gây tổn thương nghiêm trọng nhân mạng và sức khỏe con người. Tuy nhiên, sự nghiêm khắc và quyết liệt của cơ quan chức năng chưa thật sự tạo ra được hiệu ứng răn đe cần thiết đối với những kẻ ưa bạo lực.
Chúng ta hay xuê xoa "dĩ hòa vi quý", "đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại" nên thường bỏ qua những vi phạm mà không truy xét đến cùng trách nhiệm, không xử lý rốt ráo bằng mức phạt nghiêm khắc hoặc án tù đủ sức răn đe.
Giáo dục cũng chưa thật sự làm "tròn vai" trong việc uốn nắn, vun bồi những phẩm chất tốt đẹp làm nên phông văn hóa ứng xử tử tế, thân thiện. Vai trò giáo dục con cái của gia đình ít nhiều bị công nghệ số "cướp" mất thời gian và sự quan tâm, bảo ban, nhắc nhở của mẹ cha về điều hay, lẽ phải. Cả sứ mệnh "lấy cái đẹp dẹp cái xấu" của truyền thông, mạng xã hội nếu so với tổng thể thông tin hằng ngày cũng còn quá ít ỏi.
Vậy nên, để ngăn chặn thói côn đồ lộng hành, cái ác phát triển, phải neo giữ và siết chặt hai "chân kiềng": Pháp luật và Giáo dục.
Bình luận (0)