Đã gần 1 tuần kể từ khi cơn lũ lịch sử rút xuống nhưng nhiều địa phương ở miền Trung vẫn còn ngập chìm trong bùn, rác. Người dân không có nước sinh hoạt, phải dùng tạm nước mưa, nước ao. Đây là môi trường thuận lợi để một số dịch bệnh bùng phát, nhất là trong thời điểm dịch sốt xuất huyết, đau mắt đỏ đang diễn biến phức tạp.
Ô nhiễm tràn lan
Những ngày sau lũ, vùng ven biển của các huyện thuộc tỉnh Quảng Ngãi, rác thải từ biển và các cửa sông tấp vào bờ quá nhiều. Xác gia súc, gia cầm chết đang thối rữa khắp nơi, gây ô nhiễm nghiêm trọng. “Mấy ngày nay, cả làng chài phải hứng chịu mùi hôi thối của xác động vật chết. Mỗi lần muốn ra biển nhặt củi thì phải bịt đến mấy cái khẩu trang mà vẫn còn thấy nặng mùi!” - ông Nguyễn Minh Tấn (ngụ xã Đức Minh, huyện Mộ Đức) ngao ngán.
Các vùng nằm sâu trong đất liền như huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam và Hòa Vang, TP Đà Nẵng cũng ô nhiễm nặng vì rác và xác động vật.
Lo ngại trước tình hình ô nhiễm nguồn nước, ông Phan Đức Tính, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, đã chỉ đạo cơ quan chức năng của huyện nhanh chóng cấp phát thuốc để người dân xử lý nguồn nước giếng. Ngoài ra, tập trung tuyên truyền đến người dân các biện pháp đối phó với dịch bệnh sau lũ, nhất là sốt xuất huyết, tiêu chảy. Cơn lũ vừa qua đã làm ngập hơn 4.000 giếng nước tại địa phương này nên hầu hết người dân phải dùng nước giếng bị nhiễm phèn.
Bà Lương Thị Ba (ngụ thôn Phú An, xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc) cho biết lũ đã rút mấy ngày nhưng giếng nước của gia đình vẫn đỏ quạch. “Sau lũ, dù đã dùng thuốc khử trùng nhưng nước giếng vẫn còn đục và bốc mùi hôi rất khó chịu. Nhưng không dùng nước này thì dùng nước nào?” - bà Ba chua xót.
Tập trung xử lý môi trường
Ông Huỳnh Công Quang, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc-xin sinh phẩm - Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Nam, cho biết sau bão lũ, dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp. Trung bình mỗi tuần có từ 65-90 ca nhiễm mới. Ngay sau khi lũ rút, lực lượng chuyên trách của trung tâm đã có mặt tại 4 vùng trọng điểm bị ngập lụt là các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn và TP Hội An để kiểm tra tình hình, xử lý môi trường... Ngoài ra, trung tâm cấp thêm khoảng 300 kg Chloramin B, 60.000 viên Aquastabs và các hóa chất khử khuẩn khác để bảo đảm cung cấp nước hợp vệ sinh cho người dân vùng bị ngập lụt.
Cần trên 800 tỉ đồng khắc phục hậu quả lũ lụt Các địa phương bị lũ lụt đã kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành trung ương hỗ trợ trên 800 tỉ đồng để xây kè chống sạt lở; sửa chữa trường học, trạm xá bị hư hỏng; khắc phục các công trình thủy lợi, giao thông... Trong đó, TP Đà Nẵng 100 tỉ đồng, Quảng Nam 90 tỉ đồng, Quảng Ngãi khoảng 350 tỉ đồng và Bình Định khoảng 260 tỉ đồng. Ngoài ra, các địa phương trên cũng đang đề nghị cấp phát nhanh chóng một số lượng rất lớn thuốc để xử lý ô nhiễm môi trường, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.
Q.Châu
|
Bình luận (0)