Phần thượng lưu, nơi xuất hiện những vết nứt của đập thủy điện Nước Trong
Nứt 2,5 cm…, vẫn an toàn?
Để tìm hiểu sự việc, ngày 6-11, chúng tôi đến thân đập hồ chứa nước Nước Trong. Hiện thân đập đang trong giai đoạn hoàn thành. Phía thượng lưu thân đập, lượng nước tích mấp mé tràn xả lũ. Hạ lưu là một tổ máy phát điện đang hoạt động, xả nước trắng xóa. Tìm đến vị trí nứt, chúng tôi thấy ở đây vừa được đổ một lớp bê tông mới đè lên vị trí bị nứt.
Theo báo cáo của Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 6 (gọi tắt là Ban 6) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vết nứt được phát hiện từ ngày 10-8-2013 khi kiểm tra mặt bằng bê-tông đập tràn ở cao trình 108,8 m. Vết nứt có chiều dài 80,5 m kéo dài từ khoang đập số 7 đến khoang đập số 10. Chiều rộng lớn nhất của khe nứt 2,5 cm tại khoang số 8 và 9, chiều rộng nhỏ nhất là 1 cm ở vị trí khoang số 7 và khoang số 10; chiều sâu vết nứt theo báo cáo là 8,4 m. Một số vết nứt có nước từ trong rỉ ra ngoài. Vết nứt có hướng đi xiên từ dưới lên trên, từ ngoài vào trong khối bê-tông, có khả năng liên thông đến khe tách bên trong. Ban 6 kết luận đây là hiện tượng tách khe thi công giữa khối bê-tông tường thượng lưu và khối bê-tông đầm lăn ở hạ lưu.
Về biện pháp xử lý, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Ban 6, cho biết chủ yếu được thực hiện bằng giải pháp khoan neo thép theo phương thẳng đứng, bảo đảm liên kết khối bê-tông cốt thép với khối bê-tông thượng lưu tràn; dùng rót vữa (vật liệu kết dính) lấp đầy vết nứt… “Mọi công tác khắc phục sự cố đến nay đã cơ bản hoàn thành. Chúng tôi đang làm báo cáo gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét” - ông Nghĩa nói, đồng thời khẳng định: “Đây chỉ là hiện tượng “khuyết tật” trong bê-tông, con đập vẫn an toàn, không có vấn đề gì”(?).
Ẩn họa trên đầu dân
Toàn bộ đập công trình đầu mối hồ chứa nước Nước Trong có chiều dài 571 m, tràn xả lũ dài khoảng 80 m, cao trình 133 m, có 1 cửa xả đáy và được làm bằng công nghệ đầm lăn. Ông Huỳnh Văn Triêm, Phó Giám đốc Ban 6, cho biết mực nước trong đập tại thời điểm xảy ra sự cố tách khe thi công giữa 2 khối bê-tông ở cao trình 100,8 m. Hiện tại, mực nước trong hồ khoảng 40 m, dung tích khoảng 100 triệu khối. Theo thiết kế, đập có thể chứa tối đa 290 triệu khối nước... Với thiết kế này, không thể xảy ra hiện tượng vỡ đập do hiện tượng tách khe.
Tuy nhiên, đối với người dân, việc xuất hiện vết nứt rộng, sâu và dài như thế thì không thể an toàn. Theo một lãnh đạo huyện Sơn Hà, với lượng nước hiện tại nêu trên, nếu có sự cố xảy ra với đập, không những thị trấn Di Lăng mà nhiều xã khác, huyện khác nằm trên dòng chảy của sông với hàng chục ngàn hộ dân sẽ bị chìm trong biển nước. “Sự cố nghiêm trọng như vậy nhưng chủ đầu tư không thông báo để chúng tôi biết tình hình. Chúng tôi chỉ mới nhận được văn bản thông qua UBND tỉnh” - vị lãnh đạo này nói.
Công trình 1.250 tỉ đồng Công trình đầu mối hồ chứa nước Nước Trong có tổng vốn đầu tư được phê duyệt 1.250 tỉ đồng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư. Đây là công trình thủy lợi kết hợp thủy điện có nhiệm vụ cung cấp điện, nước cho các vùng hạ du... Công trình được triển khai từ năm 2005, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2013 nhưng đến nay chỉ hoàn thành khoảng 70% khối lượng. Theo Ban 6, việc chậm tiến độ là do khó khăn về tài chính. Ban 6 đang kiến nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư lên nhưng chưa được chấp thuận. Nếu được cấp vốn, dự kiến công trình hoàn thành vào năm 2015… Cuối tháng 9-2012, 3 tổ máy phát điện với tổng công suất 16,5 MW đã được đưa vào hoạt động. |
Bình luận (0)