Trên đây là đoạn nói chuyện tại một quán cà phê. Chủ nhân của giọng điệu sặc mùi anh chị là người đàn ông trung niên cạo đầu nhẵn bóng, cơ thể kín hình xăm trổ.
Những năm gần đây, việc giải quyết nợ nần thường nhuốm mùi bạo lực khi liên tục xuất hiện những vụ việc người vay tiền bị khủng bố tinh thần bằng tin nhắn, cuộc gọi, bêu riếu hình ảnh cá nhân lên mạng xã hội, hắt sơn, tạt mắm tôm...
Sự "khủng bố" ấy không chỉ nhắm đến con nợ mà còn khiến những người quen của họ chịu hệ lụy khó lường, gây bất ổn về an ninh trật tự, gây tâm lý hoang mang, bất an cho xã hội. Điển hình mới đây nhất, tại Đồng Nai, một gia đình vì giới thiệu cho bạn vay tiền mà suốt 3 năm ròng phải hứng chịu vô số lần bị côn đồ đến ném đá, hắt sơn, hủy hoại tài sản.
Kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê đã bị cấm từ ngày 1-1-2021. Thế nhưng, những vụ đòi nợ thuê xưng là "do công ty đòi nợ thuê thực hiện" vẫn ngang nhiên hoạt động, quấy nhiễu người dân và xã hội với mức độ ngày càng manh động.
Quy định pháp luật cơ bản đầy đủ để kiểm soát mối quan hệ vay mượn cũng như gìn giữ trật tự trị an xã hội, hà cớ gì chính quyền địa phương, lực lượng chức năng liên quan lại "bó tay" trước những kiểu khủng bố tinh thần vì vay mượn như thời gian qua? Có lỗ hổng nào khiến những cách cho vay bất lương và đòi nợ kiểu côn đồ vẫn tồn tại và sống khỏe? Việc xử lý tình trạng khủng bố để đòi nợ thuê của cơ quan công an thời gian qua hiệu quả ra sao?...
Rất nhiều câu hỏi đặt ra cần lời giải và sự vào cuộc thực chất, quyết liệt, hữu hiệu của cơ quan chức năng liên quan. Phải chấm dứt ngay tình trạng xem thường kỷ cương phép nước trong một đất nước có pháp luật!
Bình luận (0)